Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Vua” lúa giống miền Tây

Ông Nguyễn Thiện Tâm giới thiệu thiết bị ngâm trữ lúa giống. Ảnh: Vũ Tâm.

Chuyện một đối tác ở nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới ôm tiền qua nhờ nhân vật trong bài trồng lúa giống quả thực làm nhiều người khó tin. Thế nhưng đó là chuyện có thật!

Hồi sinh đất chết

Ông Nguyễn Thiện Tâm, quê gốc ở Thốt Nốt (Cần Thơ), nhưng quyết định lập nghiệp ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn (An Giang). Người gầy và đen sạm, nhìn dáng người, chẳng ai dám nghĩ ông là chủ của hai Công ty TNHH Dịch vụ Nghiên cứu Sản xuất giống cây trồng Bình Minh và Công ty TNHH Sản xuất phân thuốc hữu cơ Núi Vui.

Có tổng tài sản tròm trèm vài chục tỉ bạc, nhưng ông bao giờ cũng quần áo tuềnh toàng, đôi dép cao su bình dị. Làm giám đốc, công việc luôn bận rộn, nhưng hễ có chút thời gian rảnh là ông lại ra ruộng.

“Tôi có của ăn của để ngày hôm nay nhờ yêu ruộng đồng, giàu có lên cũng nhờ ruộng đồng. Ruộng đồng như máu thịt, không bỏ đi được”, ông khẳng định.

Tuổi thơ của ông là những ngày vất vả. Gia đình đông anh em, cha mẹ đi hoạt động cách mạng biền biệt xa nhà, nên 16 tuổi ông Tâm vẫn chưa biết tới chữ nghĩa mà chỉ biết lăn lộn trên đồng tìm cái ăn, cái mặc phụ giúp gia đình.

Năm 1989, ông học bổ túc văn hóa và tốt nghiệp cấp ba ở Cần Thơ, được sắp xếp làm cán bộ nhà nước. Thế nhưng ông từ chối để về tứ giác Long Xuyên khai hoang trồng lúa với giấc mơ hồi sinh vùng đất chết. Vợ chồng mới cưới nhau, hai bên gia đình giúp cho một số vốn mua 12 héc ta đất để trồng lúa. Lúc đó vùng tứ giác Long Xuyên còn những cánh đồng tràm xanh ngút, cỏ cao quá thân người, đất phèn đỏ ối, giá bán rẻ như bèo. Bởi bao nhiêu lúa gieo sạ xuống gần như chết sạch.

Người trồng lúa ở đây chống phèn, chống cỏ gần như cả ngày lẫn đêm nhưng cũng không chịu nổi. Cây lúa cứ èo ọp, thu hoạch vụ nào cũng thua lỗ liên tục nhiều năm liền. Có lúc gia đình ông chẳng có gạo để ăn, phải vay mượn nhà người khác. Nhưng yêu ruộng đồng, quyết tâm bám đất, ông nảy ra ý định mới. Vậy là, tha phương xuống Cần Thơ kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm suốt bốn năm liền, bao nhiêu tiền có được ông lấy mua sách kỹ thuật nông nghiệp để học hỏi. Những ngày chạy xe bị ế, ông tấp vào mấy nhà sách ở Cần Thơ đọc “cọp” đủ loại sách nông nghiệp, nhất là về giống. Chưa thỏa mãn, ông lân la vào Viện Lúa ĐBSCL, rồi vào trường Đại học Cần Thơ mượn sách đọc, có khi tới nửa đêm mới về. Thời may, ông gặp thêm nhiều người nhiệt tình, tâm huyết giúp đỡ.

Từ đó, ông bắt đầu quen và thành thạo trong việc tạo ra những giống lúa kháng phèn, chịu cỏ. Năng suất ruộng lúa được cải thiện, cuộc sống đỡ khó khăn vất vả. Trong khi đó nhiều người khác cùng canh tác ở vùng đất tứ giác Long Xuyên chịu không nổi, ngán ngẩm bỏ đi kiếm nghề khác làm ăn. Cuối cùng, vùng đất chết, bạc màu được vợ chồng ông tháo chua rửa phèn cũng đã đơm trái lành. Lúa của vợ chồng ông ngày càng tăng năng suất, từ một vụ tăng lên hai đến ba vụ trong năm.

Vua lúa giống

Vùng đất phèn nặng này gieo sạ tốn rất nhiều giống, trong khi đó mua lúa giống ở trong vùng rất khó khăn. Nhiều nông dân phải chạy xuống tận Long Xuyên hay qua Kiên Giang, Đồng Tháp tìm mua. Chính vì lẽ đó, năm 2006, ông Tâm nhạy bén mở ngay công ty sản xuất giống, từ nguồn vốn tích cóp được.

Thời mới lập công ty ở vùng đất nghèo khổ giáp miền biên giới, nhân viên chỉ duy nhất một người. “Cái vốn lớn nhất là kiến thức những ngày lăn lê học làm giống giúp tôi tự tin”, ông kể. Vừa làm lúa giống, ông vừa tranh thủ đến các viện, trường ở ĐBSCL và TPHCM xin dự học các lớp tập huấn về kỹ thuật nhân và lai tạo giống. Tay nghề không phụ người. Các giống lúa ông cung cấp đều có năng suất cao, hạt chắc đều.

Cái tên Công ty Bình Minh, ông hàm ý là giống mới, hạt nảy mầm khỏe như mặt trời lú dạng, càng lúc càng lên cao. Lượng lúa giống của vợ chồng ông làm ra năm đầu chỉ vài chục giạ (20 ki lô gam/giạ), sau tăng lên hàng trăm giạ vẫn không đủ đáp ứng cho bà con. Vậy là, mở thêm đất sản xuất lên hơn 50 héc ta, phát triển dần…

Ông còn đi thu gom lúa giống đạt chất lượng của nhiều nông dân khác bán lại cho các công ty mà ông đã quan hệ làm ăn trước đó, rồi lấy tiền thanh toán lại cho nông dân. Cứ thế, ông liên tục thắng lớn ở những vụ kế tiếp. Năm 2008, ông bắt tay liên kết với nông dân ở khắp các tỉnh ĐBSCL sản xuất lúa giống, ông bao tiêu lại cho nông dân luôn có đầu ra ổn định, diện tích tăng lên 300 héc ta/vụ. Ông Tâm cho biết thêm: thực hiện mô hình bao tiêu lúa giống cho các hộ dân, ông cử nhân viên của công ty xuống đồng ruộng hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho bà con, cam kết mua lại lúa giống với giá cao hơn thị trường từ 1.000-1.200 đồng/ki lô gam. Nông dân nắm chắc lãi mỗi vụ từ 30-40%.

Hiện nay, Công ty TNHH Dịch vụ Nghiên cứu Sản xuất lúa giống Bình Minh đã là một thương hiệu có uy tín, thị trường rộng lớn, mỗi năm cung cấp cho thị trường 4.000 tấn lúa giống, tương đương với Viện Lúa ĐBSCL. Lúa giống Bình Minh có thị trường tiêu thụ khắp các tỉnh thành ĐBSCL và Ninh Thuận, Bình Thuận, mỗi năm xuất sang Campuchia hơn 300 tấn, doanh thu mỗi năm trên dưới 20 tỉ đồng.

Công ty hiện có một tiến sĩ, bốn thạc sĩ, hai kỹ sư cùng hàng chục nhân viên và 50 hộ nông dân ở khắp các tỉnh ĐBSCL liên kết làm ăn để sản xuất lúa giống. Mới đây, một công ty của Thái Lan vừa trả 750 triệu đồng để mang giống từ nước họ sang nhờ công ty ông giúp nhân lúa giống. Chuyện này khiến nhiều người trong ngành nông nghiệp phải khâm phục. Ông Tâm vui vẻ nói: “Chẳng có bí quyết gì cả, nghĩ là làm thôi, đã làm là không đắn đo. Nếu thất bại thì không bỏ thời gian để tiếc mà phải tìm cách đứng lên”.

Ngoài việc nhân lúa giống thành công, ông còn sáng tạo và đã thành công trong việc ngâm giữ lúa giống dưới nước. Ông giải thích: “Cách giữ lúa giống truyền thống là vô bao cất trong nhà chờ đến vụ đem đi ngâm ủ, khó tránh khỏi tác động của nhiệt độ và mối, mọt. Nếu giữ trong nước sẽ có nhiệt độ ổn định, tránh hư hại mà độ nảy mầm cao. Khó nhất là làm sao để lúa giống không bị ngấm nước”. Ông nghĩ ra cách cho lúa vào túi ni lông sau đó hút ép chân không, đóng miệng bao và bên ngoài bọc thêm loại bao đựng lúa dày chống thấm, đem xuống dưới sông ngâm trữ ở dưới đó. Lúa ngâm trong nước như thế dài hơn 24 tháng vẫn có độ nảy mầm đạt 95-99%. Cách làm này tiết kiệm được những kho bãi kềnh càng lưu trữ như trước đây, lại hiệu quả hơn.

(Theo Vũ Tâm // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Khách sạn đẹp nhất Hunggary của người Việt
  • Làm tranh để quảng bá hình ảnh hạt gạo
  • Ông chủ Lai ép trấu thành củi
  • Vua dế với khát vọng làm giàu
  • Công bố 10 Doanh nhân trẻ xuất sắc TP.HCM 2010
  • Một nông dân muốn mua tin thời tiết để trồng khoai
  • Cô gái "đi bằng tay" và chặng đường làm bà chủ
  • Làm giàu trên chính mảnh đất quê hương
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao