Bà Hoàng Kim Chi, Giám đốc KICO tại Hà Nội cho biết, năm 1997, trong bối cảnh hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước chỉ chú trọng sản xuất hàng xuất khẩu, thì Công ty đã có định hướng phát triển thị trường nội địa nhằm phát triển ổn định, bền vững. Đây được coi là chỗ dựa, cũng như bàn đạp vững chắc để Công ty tiến tới chinh phục các thị trường khác trên thế giới.
Sau khi khảo sát, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, Công ty quyết định đầu tư vào lĩnh vực “thiết kế - sản xuất – kinh doanh” mặt hàng thời trang trẻ em mang thương hiệu Kid’s Collection (sau này đổi thành KICO), với mục tiêu trở thành công ty hàng đầu cung cấp sản phẩm quần áo thời trang trẻ em tại thị trường nội địa.
Trong quá trình thực hiện quyết định đầu tư trên, Công ty không tránh khỏi những khó khăn khi phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn của nước ngoài, nhất là sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc. Đặc biệt, giá dịch vụ và thuê cửa hàng đắt đỏ như hiện nay đã ảnh hưởng đến việc phát triển hệ thống phân phối trực tiếp là các showroom và hệ thống phân phối gián tiếp là các đại lý của Công ty.
Theo bà Hoàng Kim Chi, sản phẩm thời trang, nhất là thời trang trẻ em phải luôn luôn có yếu tố mới để thu hút khách hàng. Vì vậy, ngay khi làm bộ sưu tập chào hè năm 2009 mang tên gọi “Sắc màu hạnh phúc”, với điểm nhấn chủ đạo là sự kết nối yêu thương gia đình, Công ty đã có những chuẩn bị mang tính quyết định cho thương vụ của năm sau. Cụ thể, Công ty thường xuyên thu thập ý kiến khách hàng về những ưu, khuyết điểm của bộ sưu tập, khảo sát thị trường trong nước và thế giới về xu hướng thời trang trẻ em năm 2010. Trên cơ sở đó, bộ sưu tập “Thay lời yêu thương” chào hè năm 2010 ra đời đã được người tiêu dùng đón nhận rất tốt.
Tương tự, Công ty cổ phần X20 cũng có chương trình chiếm lĩnh thị trường nội địa bằng những việc làm hết sức cụ thể, bao gồm việc mở rộng hệ thống cửa hàng, đại lý bán sản phẩm, nghiên cứu mẫu mã mới để sản xuất những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.
Công ty xác định sẽ tập trung vào những dòng hàng có tính khác biệt cao, với chất liệu độc đáo, phù hợp với thời tiết từng mùa. Trong đó, Công ty sẽ sản xuất những sản phẩm cao cấp cho thị trường thành phố, đồng thời lựa chọn nguyên liệu vừa phải để có giá thành sản phẩm rẻ hơn phục vụ thị trường nông thôn.
Ông Chu Đình Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần X20 cho rằng, thị trường nội địa rất tiềm năng, nhưng doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh mạnh mẽ vì hiện cả nước có tới hơn 2.000 doanh nghiệp dệt may. Dù không phải doanh nghiệp nào cũng làm hàng nội địa, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có một tỷ lệ nhất định về hàng tận dụng được bán ra thị trường nội địa, tạo thách thức lớn với các doanh nghiệp làm hàng trong nước về mẫu mã và giá cả. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tìm được dòng sản phẩm đặc biệt thì cạnh tranh sẽ tốt hơn.
Với doanh thu nội địa đạt được trong quý IV/2009 và quý I/2010 (đạt 10,5 tỷ đồng), Công ty cổ phần X20, một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia Chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may Việt Nam vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc” đã đăng ký ủng hộ 37,5 triệu đồng vào Quỹ của Chương trình. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Quý cho biết, việc hướng ra biển Đông là trách nhiệm của mọi công dân, mà X20, với tư cách là một công ty của quân đội, không thể bỏ qua.
(Theo Hải Yến // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com