Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

2G vẫn là "nồi cơm" của VinaPhone

picture
Ông Lâm Hoàng Vinh, Giám đốc VinaPhone.

VinaPhone vừa chính thức cung cấp dịch vụ công nghệ 3G ra thị trường, tuy nhiên, hàng chục triệu thuê bao 2G trước mắt vẫn chưa có nhu cầu chuyển sang 3G. Vậy “số phận” 2G sẽ như thế nào và có bị “bỏ quên”, đặc biệt là về chất lượng sóng?

Về vấn đề này, ông Lâm Hoàng Vinh, Giám đốc VinaPhone đã có cuộc trao đổi với báo giới ngay khi khai trương dịch vụ 3G.

Thưa ông, số phận 2G sẽ như thế nào vì thời gian qua, khi VinaPhone test thử nghiệm 3G đã có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng sóng 2G? Và liệu hàng chục triệu thuê bao 2G chưa có nhu cầu chuyển sang 3G có bị “bỏ quên”?

Chính thời gian test thử nghiệm dịch vụ 3G là để chúng tôi hoàn thiện mạng 3G, cũng vì thế khi khai trương dịch vụ 3G chúng tôi khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng sóng 3G làm ảnh hưởng đến chất lượng sóng mạng 2G và chắc chắn về lâu dài điều này sẽ không xảy ra.

Với chúng tôi, mạng 2G vẫn là “nồi cơm” vì hiện thuê bao mạng 2G của VinaPhone là gần 30 triệu thuê bao, trong đó chỉ có hơn 2 triệu thuê bao đang sử dụng truy cập Internet. Vì thế cũng chỉ chừng này thuê bao sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ 3G trong thời gian từ giờ đến năm 2010.

Số thuê bao rất lớn còn lại vẫn là 2G, nên không có lý gì chúng tôi bỏ cả “nồi cơm” lớn để đi ăn miếng bánh bao nhỏ.

Nhưng nhà mạng đã bỏ ra số tiền rất lớn- hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cho 3G, và như vậy cũng sẽ phải đẩy mạnh đầu tư  phát triển dịch vụ 3G để thu hồi lại vốn chứ?

Đúng. Chúng tôi đã đầu tư với số tiền rất lớn, khoảng 1 tỷ USD. Hơn nữa, với thị trường của Việt Nam, khả năng chi trả của khách hàng lại không thể bằng các nước châu Âu, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Nhưng nếu tính toán để đưa ra các dịch vụ trên mạng thế hệ thứ 3 (3G) phù hợp với từng lớp khách hàng, có khả năng nhu cầu sử dụng và chi trả. Và nếu tính được hiệu quả đầu tư đó thì sẽ có được chiến lược kinh doanh đúng đắn và khả năng hòa vốn của nhà khai thác 3G là đều có thể đạt được.

Khi chúng tôi đưa ra các dịch vụ 3G không phải để kiếm tiền ngay mà chúng tôi phải tính trên cơ sở tỷ lệ hoàn vốn. Đồng thời chúng tôi cũng phải tính toán đến sự cân đối, duy trì thuê bao 2G và vừa phát triển cung cấp dịch vụ của mạng 3G, và từng bước chuyển đổi dần thuê bao 2G sang 3G theo thời gian và nhu cầu.

Theo tôi, cơ hội ở đây là đáp ứng được các loại hình dịch vụ với các khách hàng khác nhau. Nếu làm được như vậy thì sẽ tránh được “cái bẫy” như Tổng giám đốc Viettel - ông Hoàng Anh Xuân từng nói giấy phép 3G không khéo là “một cái bẫy”, có thể làm doanh nghiệp sập tiệm không hay. Nhưng tôi tin, với chiến lược kinh doanh của mình, VinaPhone sẽ thành công.

Vậy VinaPhone dự tính trong bao nhiêu năm sẽ hoàn lại nguồn vốn đầu tư khổng lồ này?

Chúng tôi hy vọng sẽ thu hồi vốn trong vòng 7 năm.

Liệu thời gian này có quá ngắn khi nhu cầu sử dụng trong những năm trước mắt sẽ chưa nhiều?

Nếu sớm nhất có thể là trong vòng 5 năm thôi. Điều đó chúng tôi đã dựa trên bài toán đầu tư, chiến lược kinh doanh của mình.

Căn cứ lớn nhất của chúng tôi là lượng khách hàng đang sử dụng 2G và sẽ chuyển lên 3G, đó chính là nền tảng để thu hồi vốn cho 3G. Nhất là năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng 2G , từ nay đến cuối năm VinaPhone sẽ đầu tư thêm 4000 trạm vố tuyến BTS và 3G là 7500 trạm.

Vậy doanh thu trên mỗi thuê bao, VinaPhone nhận định sẽ tăng trưởng như thế nào khi cung cấp dịch vụ 3G?

Hiện tỷ trọng doanh thu từ phi thoại đối với các thuê bao di động ở Việt Nam đang ở mức thấp, trung bình khoảng 10%.

Nhưng khi cung cấp dịch vụ 3G, với các dịch vụ giá trị gia tăng mới, trước hết năm 2010 dự định sẽ tăng khoảng 10%- 15%, tùy vào tốc độ sử dụng các dịch vụ phi thoại. Chúng tôi hy vọng qua từng năm tỷ trọng phi thoại từ các thuê bao sẽ tăng từ 30- 50%.

Còn chất lượng các dịch vụ 3G liệu có bị rớt sóng như 2G như lâu nay?

Chất lượng chỉ có khách hàng mới có thể phản ánh được, trong thời điểm ban đầu tôi không dám khẳng định dịch vụ sẽ là tuyệt hảo vì đây là lần đầu tiên VinaPhone khai thác mạng thế hệ 3G, trong khi có nhiều nước có kinh tế khá hơn Việt Nam còn chưa khai thác. Vì thế khiếm khuyết là không thể tránh khỏi.

Hiện tại dịch vụ có thể chấp nhận được chứ chưa thể tốt, khoảng cuối năm thì dịch vụ sẽ bình thường như 2G.

Nhà mạng có dự báo khi nào thuê bao 2G sẽ chuyển hết sang 3G?

Đây cũng chỉ là dự báo. Tôi nghĩ từ 6 đến 7 năm nữa thuê bao 2G sẽ chuyển hoàn toàn sang 3G, ban đầu sẽ chuyển ở các thành phố lớn. Về mạng, hiện chúng tôi đang lắp mạng 3G trên 2G, ở thành phố sẽ chuyển dần 2G sang 3G, sau đó chuyển 2G về vùng sâu vùng xa rồi tiến tới chuyển tiếp sang 3G.

Vậy trong quá trình phát triển các dịch vụ 3G, theo ông, khó khăn lớn nhất đối với nhà mạng là gì?

Các nhà mạng xây dựng 3G đều dựa trên hai tiêu chí cơ bản là nhu cầu sử dụng và khả năng chi trả của khách hàng.

Ví dụ ở thị trường Nhật Bản, có 50 triệu thuê bao 3G, hay ở Hàn Quốc, Hồng Kông, châu Âu… thì khả năng chi trả và sử dụng của các tầng lớp là gần như nhau, đa phần giới kinh doanh và giới trẻ đều sử dụng 3G.

Nhu cầu của Việt Nam cũng gần giống như họ, như nhu cầu Internet tốc độ cao, Internet băng rộng và dịch vụ tiện ích cho truyền số liệu. Tuy nhiên, khả năng chi trả của người Việt Nam thấp hơn, đó là khó khăn của các nhà cung cấp dịch vụ.

Khó khăn nữa là ở các nước khi chuyển sang 3G thì tất cả các thuê bao 2G đều chuyển sang 3G luôn, tức là họ có khả năng chi trả nhưng chúng tôi thì vừa vẫn phải duy trì mạng 2G và vừa cung cấp mạng 3G, điều đó đòi hỏi phải kết nối giữa 2G và 3G của các thuê bao.

(Theo Mạnh Chung // VnEconomy)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • “Thuốc VN cạnh tranh được về chất lượng”
  • Giám sát chặt để quản trị rủi ro hiệu quả
  • Các nhà đầu tư tin tưởng vào Việt Nam
  • "Cạnh tranh sẽ giúp nhà bán lẻ trong nước mạnh hơn!"
  • Navibank muốn tạo khác biệt
  • Khám phá con đường kinh doanh mới
  • Cuộc “lội ngược dòng” của ACE Life
  • Ngành sản xuất xi măng vẫn còn nhiều cơ hội
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao