Ông Mai Ngọc Liêm. |
Nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh thuộc Công ty cổ phần Xi măng Fico Tây Ninh (Tafico) với vốn đầu tư 3.800 tỉ đồng chuẩn bị khánh thành vào đầu tháng tới. Nhân dịp này, ông Mai Ngọc Liêm, Tổng giám đốc Tafico, đã trao đổi với TBKTSG về chiến lược của công ty cũng như những nhận định về thị trường xi măng trong thời gian tới.
TBKTSG: Suy giảm kinh tế khiến nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp bị ngưng trệ. Việc xây dựng Nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh của Tafico có bị ảnh hưởng gì không, thưa ông?
- Ông Mai Ngọc Liêm: Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thương thảo hợp đồng bảo hiểm cho khoản vốn vay nước ngoài, dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng nhà máy, và cả những vướng mắc trong khâu đền bù giải tỏa. Nhưng may mắn là những trở ngại trên diễn ra trong năm 2007 và chúng tôi đã thu xếp xong trước khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu trở nên xấu nhất vào nửa cuối năm 2008.
TBKTSG: Đồng thời với việc xây nhà máy chính tại Tây Ninh, Tafico còn mua lại nhà máy của Công ty Xi măng Phương Nam (Hiệp Phước, Nhà Bè). Điều này có ý nghĩa gì trong chiến lược phát triển của Tafico?
- Một dự án đầu tư có vốn hàng ngàn tỉ đồng như dự án xi măng Tây Ninh muốn thuyết phục được các cổ đông góp vốn phải có phương án đầu tư - kinh doanh khả thi. Muốn vậy, công ty phải có thị trường tiêu thụ đến 75% công suất ngay năm đầu hoạt động. Điều này gần như không tưởng nếu thị trường xa lạ với sản phẩm.
Do vậy, gói xây dựng thương hiệu xi măng Fico với khoản đầu tư hàng chục tỉ đồng đã được đưa vào kế hoạch dự án từ năm 2005. Dự án xác định thị trường tiêu thụ chủ lực là TPHCM, miền Đông và một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Việc mua lại, nâng cấp một nhà máy xi măng có sẵn sẽ giúp công ty có ngay sản phẩm tiếp cận thị trường, chuẩn bị thị trường cho nhà máy công suất lớn khi đi vào vận hành.
Việc mua lại nhà máy xi măng này cũng là phương án thay thế kế hoạch xây dựng một trạm nghiền clinker mà nếu xây dựng, ít nhất cũng mất hai năm.
TBKTSG: Với một thương hiệu hoàn toàn mới, Tafico làm cách nào để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường?
- Chúng tôi khai thác lợi thế địa lý để tạo ra chuỗi cung ứng nguyên liệu - sản xuất - tiêu thụ phủ rộng thị trường. Nhà máy Tây Ninh có nguồn nguyên liệu tự nhiên chất lượng cao, đang sản xuất 1,4 triệu tấn clinker và 900.000 tấn xi măng mỗi năm phục vụ thị trường tiêu thụ tại chỗ và các vùng lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên, Campuchia. Trạm nghiền Hiệp Phước công suất 600.000 tấn/năm đang được đầu tư nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm có nhiệm vụ tiếp nhận clinker từ nhà máy Tây Ninh, nghiền và đóng bao thành phẩm để tiêu thụ tại TPHCM và các tỉnh miền Tây.
Về kênh phân phối lẻ, hơn hai năm qua, chúng tôi thiết lập và củng cố được mối quan hệ với hàng trăm công ty xây dựng và hàng ngàn cửa hàng bán lẻ ở khu vực TPHCM, miền Đông và miền Tây.
TBKTSG: Liệu Tafico có nhận định quá lạc quan về thị trường khi đưa ra kế hoạch nâng sản lượng lên 4 triệu tấn/năm vào năm 2012 cộng thêm 1 triệu tấn từ các trạm nghiền liên kết?
- Chúng tôi kỳ vọng thị trường quí 4 năm nay sẽ khởi sắc. Các công trình xây dựng đã trở mình và được thúc đẩy kể từ cuối quí 2. Mục tiêu của chúng tôi là tiêu thụ 800.000 tấn xi măng trong năm nay, tăng hơn 200% so với mức năm ngoái.
TBKTSG: Nhưng đã có nhiều dự báo về tình hình quy hoạch thừa công suất của ngành xi măng?
- Trước hết, cần xác định rõ nhu cầu tiêu thụ xi măng ở nước ta rất lớn. Số liệu tham khảo tại các nước đang phát triển cho thấy khả năng tiêu thụ xi măng bình quân đầu người lên đến 1 tấn/năm, đó là chưa kể hạ tầng của họ đã phát triển hơn ta rất nhiều. Tuy nhiên, năng lực tiêu thụ xi măng còn phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai dự án thực tế ở mỗi nước. Tôi được biết ở tầm quy hoạch vĩ mô, Chính phủ đang có hướng điều chỉnh quy hoạch sản lượng ngành xi măng đến năm 2020 chỉ còn khoảng 80 triệu tấn/năm.
Còn ở góc độ của doanh nghiệp, thẳng thắn mà nói phần lớn các dự án xi măng được duyệt vẫn còn nằm trên giấy. Kinh nghiệm cho thấy để một dự án xi măng trên giấy trở thành hiện thực gặp vô vàn khó khăn mà chỉ cần thiếu chút quyết tâm sẽ khó thành công. Như trường hợp của chúng tôi là mất bốn năm kể từ khi lập dự án.
Tôi vẫn tin rằng hiện nay các nhà máy xi măng còn nhiều cơ hội khai thác thị trường mà chưa phải lo ngại chuyện cung vượt cầu.
TBKTSG: Nghe có vẻ như ngành xi măng có một thị trường làm ăn hấp dẫn và dễ dàng?
- Thực ra là không dễ dàng. Xét ở góc độ nhu cầu thì đây là một thị trường rộng. Riêng thị trường phía Nam, từ Khánh Hòa trở vào, đang có sự bất cân đối cung-cầu tại chỗ. Sức tiêu thụ xi măng thành phẩm hiện vào khoảng 18 triệu tấn/năm, chiếm 40% thị trường cả nước nhưng tổng năng lực các trạm nghiền clinker chỉ cho phép sản xuất tại chỗ tối đa 11 triệu tấn xi măng thành phẩm, phần còn lại vẫn phải chuyên chở từ Bắc vào. Bên cạnh đó, nguồn cung clinker nội địa vẫn chưa đủ, phải nhập thêm vài triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, cũng chính vì cơ hội thị trường phía Nam rộng mở nên mọi nhà máy xi măng trên cả nước đều muốn khai thác, và cạnh tranh là điều khó tránh khỏi. Nếu tình hình kinh doanh khả quan, từ sản phẩm cốt lõi là xi măng, Tafico hướng tới sản xuất kinh doanh những sản phẩm sau xi măng như gạch, ngói, bê tông tươi, bê tông đúc sẵn… và tham gia các kết cấu công trình hạ tầng, đường bê tông…
(Theo Thanh Phương // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com