Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Audi tự tin trên thị trường Việt

Dù vào Việt Nam muộn hơn rất nhiều so với các đối thủ khác, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiên cứu cứu sâu sắc, cộng sức mạnh nội tại, Audi đang đầy tự tin rút ngắn dần khoảng cách với các “ông lớn” trên phân khúc thị trường xe hơi cao cấp ở Việt Nam. Giám đốc điều hành Audi Vietnam – Laurent Genet trao đổi với phóng viên Dương Thúy.

Vào Việt Nam cuối năm 2008 là quyết định hợp thời và logic

- Ông có thể cho biết tại sao Mercedes, Toyota, Ford… vào thị trường Việt Nam từ lâu, còn Audi đã ra đời tới 100 năm và có mặt ở gần 100 quốc gia, nhưng bây giờ mới chính thức có mặt tại Việt Nam?

Audi là một trong ba nhãn hiệu xe hơi cao cấp nổi tiếng nhất thế giới. Năm 2008, chúng tôi bán hơn 1 triệu xe trên khắp thế giới, trong đó có hơn 100.000 xe ở Trung Quốc. Đây là kết quả hết sức khả quan. Vì vậy, việc Audi vươn tới phân khúc thị trường xe cao cấp tại một thị trường mới nổi như Việt Nam là một quyết định hợp thời và logic.

Chúng tôi nhận thấy thị trường xe hơi nhập khẩu ở Việt Nam thực sự bắt đầu khi Việt Nam gia nhập WTO hai năm về trước. Việc hợp thức hóa nhập khẩu xe hơi cao cấp ở Việt Nam cũng bắt đầu vào năm 2007. BMW đã ngừng sản xuất, lắp ráp xe hơi nội địa CKD với VMC và chỉ định một công ty nhập khẩu mới là Euro Auto. Porsche đã bắt đầu chính thức có mặt ở Việt Nam với dòng xe thể thao Prestige. Mercedes - Benz đã đa dạng hóa việc nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) ngoài xe lắp ráp nội địa. Nhìn rộng hơn, trong hai năm qua, các nhãn hiệu thời trang xa xỉ bắt đầu bành trướng ở Việt Nam. Đó là Louis Vuitton, La Perla, Chloe, Gucci, Hermes... Điều đó có nghĩa Việt Nam đã có những khách hàng xa xỉ, nên đây là thời điểm đúng nhất để Audi đến Việt Nam. Còn trước đó, tôi cho là hơi sớm.

- Audi vào sau các đối thủ khác còn vì các ông xác định Việt Nam là thị trường yếu, nhỏ hẹp, nhiều rủi ro – rủi ro đến từ chính sách của Nhà nước và cả thái độ của người tiêu dùng?

CFAO Group - cổ đông chính của Audi tại Việt Nam đã nhập khẩu xe hơi hơn 100 năm trên gần 40 nước. Thị trường chính của CFAO có truyền thống không ổn định và thường là những thị trường mới nổi. Vì vậy, CFAO có cảm giác thân thuộc với thị trường Việt Nam. Thực tế là gần 2 năm qua, chúng tôi đã lặng lẽ chuẩn bị nền tảng để có một sự khởi đầu suôn sẻ cho công việc kinh doanh và hậu kinh doanh Audi ở Việt Nam. Cùng các nhà phân phối Audi tại TP. HCM, chúng tôi mang đến cho khách hàng những thiết kế, kỹ thuật và sự phục vụ hiện đại nhất của Audi. Xét trên phương diện sản xuất xe hơi, Audi đến sau. Nhưng từ phương diện xe cao cấp, Audi hy vọng sẽ là nhãn hàng đầu tiên khách hàng mong chờ.

- Trong lịch sử khủng hoảng kinh tế thế giới, dòng xe cao cấp luôn là một trong những nạn nhân đầu tiên. Cụ thể, Audi đã phải chống chọi trước cơn bão khủng hoảng như thế nào? Và tại sao Audi vào Việt Nam đúng lúc thị trường này đang rơi xuống đáy của khủng hoảng (cuối năm 2008)? Phải chăng lúc đó các ông không “rút chân” lại được?

Đúng là thị trường xe hơi khắp thế giới đang gặp khó khăn. Năm 2009, các nhà sản xuất xe chứng kiến sự sụt giảm số lượng đáng kể so với năm 2008. Tuy nhiên, nếu phân tích thị trường xe cao cấp từ tháng 1 đến tháng 7, sẽ thấy việc kinh doanh của Audi trên thế giới giảm rất ít so với thị trường xe khác. Ở Mỹ, năm 2009, Audi AG hướng tới mục tiêu bán 950.000 chiếc, bất chấp khủng hoảng. Ngoài ra, Audi không ngừng đầu tư phát triển sản phẩm mới. Đó là lí do Audi luôn mới lạ và không ngừng tạo ra xu hướng mới.

Audi vào Việt Nam là việc phải làm, vì chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ. Vừa qua, thị trường xe hơi lắp ráp tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ tháng 5 - 2009, nhờ gói kích cầu của chính phủ Việt Nam, các nhà lắp ráp địa phương đã có nhiều đơn đặt hàng hơn. Trong trường hợp Audi, chúng tôi đang nhập khẩu xe CBU. Số liệu của ngành hải quan Việt Nam cho thấy, số lượng xe CBU nhập khẩu liên tục tăng, và đó là một tín hiệu rất khả quan.

- Các đối thủ toàn cầu của Audi đã tạo dựng được thương hiệu và thế mạnh ở thị trường Việt Nam. “Kẻ đến sau” như Audi sẽ làm gì để tìm được chỗ đứng?

Ngay từ đầu Audi đã định vị mình trong thị trường xe cao cấp. Ví dụ, Audi chỉ tập trung vào tốp động cơ 4.2 V8. Đây là cách chúng tôi chứng tỏ với khách hàng rằng, mình có thể sửa chữa các chi tiết cao cấp. Kinh nghiệm của chúng tôi chỉ ra rằng, khách hàng cao cấp, dù ở Đức hay Việt Nam, đều có những mong muốn giống nhau. Audi sẽ tập trung vào xe hơi, xe thể thao mẫu mã đẹp. Năm 2009 Audi tròn 100 tuổi, và chúng tôi sẽ ăn mừng sự kiện này với sự ra đời của Audi tại Hà Nội. Điều đó có nghĩa, Audi sẽ còn tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Không có tính truyền thống như Mercedes - Benz, không có tính thể thao nhiều như BMW, nhưng chắc chắn Audi tân tiến hơn cả hai. Audi là nhãn hiệu theo xu hướng. Từ tiếng Đức “Vorsprung durch Technik” đã nói lên ưu thế của chúng tôi. Audi luôn phát triển kỹ thuật tân tiến nhất để bạn có thể dẫn đầu. Cũng giống như trong thời trang, nhãn hiệu của bạn phải tạo ra cảm hứng. Nên khi nói đến thị trường xe cao cấp ở Việt Nam, Audi hoàn toàn tự tin.

- Mercedes, Toyota đã xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Số lượng xe tiêu thụ không ngừng mang lại sự sửng sốt cho họ. Cá nhân ông nghĩ gì về “hiện tượng” này? Audi có định tiến sâu hơn nữa, như việc xây dựng nhà máy chẳng hạn? Vì dù sao giá nhân công Việt Nam được coi là rẻ, con người Việt Nam cũng được đánh giá là rất thông minh?

Từ phương diện xe cao cấp, Audi hy vọng sẽ là nhãn hàng đầu tiên khách hàng mong chờ 

Công nhân Việt Nam đang được đánh giá cao trong ngành công nghiệp xe hơi. Tuy nhiên, thị trường xe Việt Nam còn khá nhỏ so với tiêu chuẩn Đông Nam Á. Năm 2008, thị trường xe CKD đã tăng quá 110.000 chiếc, nhưng con số này vẫn nhỏ hơn Thái Lan với 700.000 chiếc, Malaysia với 500.000 chiếc. Toyota là nhãn hiệu dẫn đầu ở thị trường Việt Nam đối với dòng xe sedan, và Mercedes-Benz đối với dòng xe buýt nhỏ. Tất nhiên Mercedes - Benz dẫn đầu trong việc lắp ráp xe trong nước, vì bây giờ họ là nhãn hiệu duy nhất còn lại làm như vậy, khi mà BMW đã dừng việc này trong năm 2008. Đối với chúng tôi, hiện lượng tiêu thụ xe hơi cao cấp ở Việt Nam vẫn còn thấp, chưa thích hợp cho việc đầu tư sản xuất tại đây. Hơn nữa, cũng cần phải theo dõi vấn đề mở rộng WTO trong những năm tới. Là nhà nhập khẩu chính thức của Audi, chúng tôi đang hoạt động trong thị trường nhập khẩu CBU.

- Hiện nay, ở phân khúc cao, người tiêu dùng quen chọn Mercedes, BMW, Lexus... Trong phân khúc trung, họ chọn Camry, Civic... Audi sẽ nhắm vào phân khúc nào ở thị trường Việt Nam?

Audi chỉ cần tập trung vào mặt hàng xe hơi cao cấp 

Khó mà có ý kiến đối với Lexus ở Việt Nam, vì Lexus vào Việt Nam theo con đường nhập khẩu không chính thức. Còn Mercedes và BMW từ lâu đã là các đối thủ của Audi trong dòng xe xa xỉ trên khắp thế giới. Tất cả các nhà sản xuất xe của Đức, trong đó có Audi, làm ra những chiếc xe có chất lượng tốt.

Như đã nói, từ những khảo sát gần đây, chúng tôi thấy Mercedes - Benz được hiểu là dòng xe truyền thống, BMW là dòng xe thể thao, và Audi là dòng xe theo xu hướng mới. Đây cũng là cách Audi sẽ định vị ở thị trường Việt Nam. Vì khách hàng của Audi có xu hướng thể thao, tân tiến và tinh tế. Để đạt được mục tiêu này, Audi tập trung trước tiên vào hai thị phần sedan và SUV cao cấp.

- Chỉ còn mấy ngày nữa Mercedes - Benz sẽ ra mắt chiếc E - Class phiên bản mới, nó được đánh giá là “trái tim” của Mercedes, là chiếc xe “biết suy nghĩ” với một “vẻ đẹp uy lực”. Sự kiện này có làm Audi... “đau đầu”?

Việc ra đời phiên bản E - Class mới là dấu hiệu tốt đối với thị trường xe hơi cao cấp ở Việt Nam. Mercedes - Benz là một đối thủ với nhiều mẫu xe chất lượng. Tất nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi việc định vị xe E - Class mới. Nhưng chúng tôi vẫn tin là khách hàng của Audi luôn yêu thích những chiếc Audi và đánh giá cao chất lượng và cảm xúc mà họ được hưởng từ dòng xe Audi A6 2.0 Turbo và 2.8 V6 nhập khẩu.

Giá trị của Audi là sự tinh tế thể thao va tiên tiến

- Các chuyên gia kinh tế đã “lật tẩy” bí quyết thành công của Audi là “không cần lớn, chỉ cần khôn”. Kịch bản này cũng sẽ được Audi lặp lại ở thị trường Việt Nam?

Đúng là đối với Audi AG, chúng tôi không cần phải lớn, mà chỉ cần khôn. Nói theo cách tiếp thị, thì đây là chiến lược ẩn mình thông thường. Ở Việt Nam cũng không cần phải lớn hay cạnh tranh để bán nhiều sản phẩm. Tầm cỡ của sản phẩm cao cấp là sự phù hợp với mong đợi của khách hàng. Do đó, Audi chỉ tập trung vào mặt hàng xe hơi cao cấp đã định vị trên khắp thế giới.

- Vấn đề là Audi sẽ “khôn” như thế nào ở một thị trường còn non trẻ và nhiều biến động như Việt Nam?

Đối với thị trường xe hơi cao cấp, khách hàng mong chiếc xe được trang bị đầy đủ và không có những thay thế rẻ tiền từ hàng trong nước. Họ muốn tất cả đều là thật. Đây cũng là cách chúng tôi lựa chọn loại xe đặc biệt cho thị trường Việt Nam. Xe hơi cao cấp là loại xe tinh vi, nhưng sẽ vô dụng nếu không được sử dụng và bảo dưỡng đúng cách. Các nhà phân phối xe nhập khẩu chính cần đáp ứng đầy đủ các khâu, từ bán hàng đến các dịch vụ bảo dưỡng. Với kinh nghiệm 100 năm, chúng tôi hiểu sản phẩm và dịch vụ tốt luôn là phương thức để chiến thắng ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tất nhiên, Audi sẽ làm điều này ở Việt Nam.

- So với các “ông lớn” khác, Audi không cạnh tranh nổi về doanh số, tuy  chẳng thua kém về thương hiệu. Nhưng tôi nghĩ, sự tồn tại và lớn mạnh của thương hiệu cuối cùng cũng hướng đến doanh số bán. Còn ý kiến của ông?

Trong việc kinh doanh xe hơi, đôi khi số lượng không nói lên thành công hay lợi nhuận. Audi là nhãn hiệu xe cao cấp và không cần thiết phải bán nhiều. Tôi quan niệm, kinh doanh thông minh luôn là cách đầu tư hiệu quả. Audi là một “tay chơi ẩn mình”. Điều quan trọng trong cao cấp là sự gắn kết giá trị của nhãn hàng, vì các khách hàng cao cấp thường có mối quan hệ tình cảm mạnh mẽ giữa các nhãn hàng mà họ đánh giá cao. Giá trị của Audi là sự tinh tế, thể thao và tiên tiến, nó được biết đến như là nhãn hiệu tạo ra xu thế.

Audi hết sức cảm kích khi mới ủng hộ Đẹp Fashion show

- Theo ông, liệu có mối quan hệ giữa Audi với thời trang?

Nếu những nhà thiết kế thời trang luôn có ý tưởng mới, đột phá, phát triển các khái niệm mới, thực hiện trên những nguyên liệu vải vóc mới, thì những nhà thiết kế Audi cũng làm công việc tương tự. Bắt đầu những xu thế mới giống như chức năng tự nhiên của thời trang là định vị rõ ràng của Audi.

- Đó là lí do Audi đồng hành cùng Đẹp Fashion Show?

Đẹp Fashion Show là sự kiện đã chứng tỏ được sự chuyên nghiệp, và được đánh giá cao bởi những khán giả tiên tiến với cái nhìn khắt khe đối với sự hoàn mĩ, đồng thời cũng có cái nhìn rộng mở đối với những ý tưởng mới lạ. Khán giả của Đẹp Fashion Show cũng là khách hàng mà Audi đang tìm kiếm. Audi hết sức cảm kích khi được mời ủng hộ và là một phần của sự kiện sáng tạo nhất trong bối cảnh của nền công nghiệp thời trang Việt Nam hiện nay.

- Việc đồng tài trợ cho Đẹp Fashion Show nên hiểu là một động thái marketing của Audi, hay đơn giản, đó là một cuộc chơi nghệ thuật?

Việc đồng tài trợ cho Đẹp Fashion Show ở Việt Nam rõ ràng phù hợp với vị trí của Audi. Trong nhiều năm qua, Audi cũng tài trợ cho các sự kiện thời trang cao cấp ở Thái Lan và Singapore. Tuần lễ thời trang Audi – Singapore là một sự kiện thời trang nổi bật ở Singapore hằng năm. Chúng tôi đang hướng tới việc phát triển và nhấn mạnh hơn nữa mối quan hệ với Đẹp Fashion Show trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông và chúc sự hợp tác giữa Audi và Đẹp Fashion Show sẽ không dừng ở show “Freedom”!

(Theo Dương Thúy // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • Củng cố mục tiêu ngân hàng bán lẻ
  • Nếu chú tâm, doanh nghiệp sẽ làm được
  • Kinh nghiệm không quá quan trọng!
  • Tổng GĐ Indochina Airlines Hà Dũng: Tôi mãi mãi là con nợ
  • Không phải tư nhân là chỉ đi kiếm tiền
  • Giám đốc phụ trách Phát triển Tập đoàn quốc tế Quayside (Vương quốc Anh): Châu Âu ưa chuộng hải sản Việt Nam
  • Doanh nghiệp Việt Nam lúng túng tiếp cận dự án CDM
  • Từ một ngân hàng đèn dầu...
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao