Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không phải tư nhân là chỉ đi kiếm tiền

Ước mong làm điều tốt đẹp nhất cho xã hội luôn đau đầu trong câu chuyện của ông Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ… Ông từng là giám đốc một bệnh viện ở Quảng Nam khi mới 31 tuổi.

Cạnh tranh để tiến tới dịch vụ tốt nhất

- Mặc dù xã hội hóa là một chủ trương của Nhà nước được quán triệt trong nhiều lĩnh vực, nhưng trên thực tế, tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực bệnh viện tư, ông có gặp phải nhiều cản ngại?

Có thực tế đó. Nhà nước tập trung cho phát triển kinh tế. Cả nước có 90 bệnh viện tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng đừng nghĩ tư nhân là kiếm tiền được rồi, mặc nó tự lo mà không nâng niu cho nó phát triển tốt. Ví như đã có cháu nội, cháu ngoại thì phải thương cho đồng đều, phải ra được chính sách và phương hướng cho nó, hành lang pháp lý phải rõ ràng, công bằng.

- Vậy bây giờ vẫn chưa có sự công bằng giữa bệnh viện công và tư?

Không nói “công bằng” được. Bệnh viện nhà nước là cột trụ. Đằng nào cũng phải trở về “ổng”. Là đàn anh, phải thương yêu giáo dục hướng dẫn đàn em, đừng là ông anh khắt khe dữ dằn. Nói gì thì nói, rõ nét nhất trong xã hội hóa y tế là bệnh viện tư. Tư chính là thực hiện kinh tế thị trường, cạnh tranh để tiến tới cái tốt nhất. Bệnh viện nào tốt thì dân vô.

- Theo ông thì bệnh viện tư có những khó khăn gì lớn nhất?

Lớn nhất là vấn đề nhân lực. Cho ra đời bệnh viện tư là phải có kế hoạch nhân sự cho nó, không phải chỉ cho một tờ giấy. Bệnh viện tư cũng nằm trong mái nhà chung. Bệnh viện có công, có tư, nhưng nguồn nhân lực thì bác sĩ là bác sĩ, không phân biệt công, tư. Đối với đất nước thì chỉ có bệnh viện – bệnh nhân. Ở nhiều quốc gia, sau khi hoàn thành việc công, nếu bác sĩ còn sức, gia đình họ cần tiền, thì hoàn toàn có thể đi làm thêm ở bệnh viện tư, không có gì phải giấu diếm, ngại ngần.

- Có phải ý ông muốn phản bác lại quan điểm cho rằng bệnh viện tư “móc nối nhân lực, sống được nhờ bệnh viện công”?

Đúng vậy. Ở các nước người ta có luật đàng hoàng, người bác sĩ có thể sáng làm nhà nước, chiều làm bệnh viện tư. Chứ ở ta thì phải ngoài giờ về mở phòng mạch. Bao nhiêu là tiêu cực. Thử vào các bệnh viện lớn xem, 2 giờ chiều còn bao nhiêu bác sĩ? Khi bệnh viện tư xin phép mở, phải đủ nhân sự mới được ký, còn làm sao đủ thì không biết. Lẽ ra phải phân phối nhân lực. Thực tế có rồi, Chính phủ biết rồi, phải có biện pháp thỏa đáng. Máy móc thiết bị cũng vậy, sao không cho nhập thiết bị y tế còn 80-90%, trong khi đó máy bay thì lại được mua đồ cũ?

- Theo ông, bệnh viện tư có những mặt mạnh nào? 

Bệnh viện công là đàn anh, phải thương yêu giáo dục hướng dẫn đàn em. Đừng là ông anh khắt khe dữ dằn!

Do bỏ tiền túi ra đầu tư, nên ít khi xảy ra thất thoát, hiệu quả đầu tư cao, giảm tải cho viện công và đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều tầng lớp nhân dân. Các bệnh viện tư cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.

- Có ý kiến nhận xét là: vào bệnh viện tư thì sạch sẽ khang trang, thái độ ân cần, nhưng giá cả cao và năng lực chữa bệnh chưa đủ uy tín như bệnh viện nhà nước?

Vấn đề là ai đưa ra nhận xét như thế? Người bệnh đâu phải cục gỗ. Họ chọn chất lượng. Chúng tôi đăng ký là bệnh viện nhận cả thẻ Bảo hiểm y tế. Lúc đầu mấy trăm thẻ, nay lên tới 19.300 thẻ. Những người thu nhập trung bình, dưới trung bình có bảo hiểm, vì sao họ đến với chúng tôi? Tôi luôn nghĩ làm giám đốc bệnh viện phải đặt mình vào vai người đại diện quyền lợi của bệnh nhân để đặt ra quy định hợp lý.

- Thí dụ, muốn vào Hoàn Mỹ, túi tôi ít nhất phải có bao nhiêu tiền?

Nếu khám tổng quát thì vài trăm ngàn đồng.

- Còn về kỹ thuật y học và năng lực chữa bệnh?

Nói chung y tế nước ta chưa nên dùng từ “kỹ thuật cao”. Mới ở mức tiên tiến thôi. Chúng tôi cũng chưa phải ngoại lệ. Tuy vậy, chúng tôi cũng thông tim, mổ tim trong lồng ngực, phẫu thuật nội soi và phẫu thuật nội soi nâng cao, kỹ thuật tán sỏi, điều trị ung thư gan, thay khớp. Chúng tôi đã thực hiện tới 2.500 ca thông tim với giá như ở bệnh viện nhà nước thôi.

Văn hóa Hoàn Mỹ

- Ra đời từ năm 1997 đến nay, Hoàn Mỹ là một tập đoàn có 5 bệnh viện ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt, là một trong những bệnh viện tư lớn nhất, đạt nhiều giải, cúp vàng thương hiệu Việt, bằng khen của Bộ là bệnh viện xuất sắc toàn diện... Cá nhân ông thấy Hoàn Mỹ đã đi đến chặng nào trên con đường hoàn mỹ?

90 bệnh viện tư đang hoạt động trên địa bàn toàn quốc

Hoàn Mỹ là thương hiệu nói lên sự phấn đấu đi đến hoàn thiện thôi. Cái mà Hoàn Mỹ làm được là xây dựng được văn hóa đặc biệt của mình, thấm nhuần triết lý: bệnh nhân không bao giờ có lỗi. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng thương hiệu y khoa Hoàn Mỹ thành thương hiệu quốc gia.

- Tất cả các bệnh viện đều yêu cầu bệnh nhân đóng tiền trước, còn Hoàn Mỹ thì không. Ông không ngại điều mà những bệnh viện khác rất ngại sao?

Chúng tôi không ngại vì tin người Việt Nam thường rất nặng nợ với người giúp mình. Vậy mới có văn hóa “tạ thầy”, “uống nước nhớ nguồn”. Lúc nào cũng mang ơn. Tính tự trọng cao.

- Hoàn Mỹ còn có mong ước mở trường đào tạo nguồn nhân lực. Việc đó nay đến đâu rồi, thưa ông?

Mở được trường Đại học y khoa là mơ ước cuối cùng đời tôi. Chúng tôi hiện nay mới chỉ đào tạo huấn luyện trong bệnh viện rồi cho đi học chuyên khoa ở các trường. Chúng tôi đã trình dự án và Bộ Giáo dục đã đồng ý rồi. Chúng tôi dự kiến đào tạo cả điều dưỡng và kỹ thuật, quản lý bệnh viện. Đất đai có rồi, hồ sơ có rồi, nhân lực cũng đã có 15 giáo sư, phó giáo sư thỉnh giảng và 15 giáo sư nước ngoài, đang giảng dạy ở Hoa Kỳ, trong các trường đại học danh tiếng như Illinois, Creighton…

- Có người bảo, ở Việt Nam, nơi nhộn nhịp nhất là ở bệnh viện. Là một bác sĩ, ông nghĩ gì trước nhận xét đó?

Họ nói đúng đấy. Ngay ở Hoàn Mỹ Sài Gòn, có lúc vào không còn chỗ đứng. Thật đáng lo buồn. Đông người đau ốm vì công tác phòng bệnh còn yếu. Hơn nữa, một số nước, người lãnh đạo bệnh viện, theo dõi chất lượng bệnh viện phải là bác sĩ cộng đồng, tức là có cái nhìn toàn diện về sức khỏe cộng đồng. Phải có chương trình cộng đồng rõ nét mới giải quyết được vấn đề lớn của xã hội. Mỹ chẳng hạn, họ rất coi trọng lĩnh vực y tế cộng đồng. Ta mới chỉ đầu tư mạnh ở bác sĩ lâm sàng.

Ao ước của Chính phủ đến năm 2015 tư nhân phải đóng góp 20% vào lĩnh vực bệnh viện, san sẻ gánh nặng cho y tế công. Nhưng tôi cho không nổi, vì nay mới chỉ 5%. Số lượng có vẻ nhiều nhưng quy mô nhỏ, lớn nhất là bệnh viện 500 giường, nay chỉ còn 200 giường đi vào hoạt động.

Nhưng nguồn bệnh còn là vấn đề môi trường, ai cũng nói thế cả…

Môi trường xuống cấp không bệnh sao được. Chuyển dịch kinh tế không hoàn chỉnh, môi trường bị phá hủy thì “nó” tấn công lại con người là điều thấy rõ. Chúng ta đã từng mở cửa mà không chuẩn bị kỹ càng. Thí dụ rừng Cần Giờ. Một năm bao tấn thuốc bảo vệ thực vật rải trên ruộng đồng? Cua ốc tôm cá ăn vào, nhiễm bệnh, con người cũng bệnh theo. Tôi mừng vừa rồi thấy tỉnh Quảng Nam không cho đầu tư công nghiệp phá môi trường, mà tập trung khai thác thế mạnh du lịch.

- Còn những tiêu cực của bản thân ngành y nữa chứ?

Vâng, cũng có sự tha hóa trong y khoa. Báo chí nói đó. Bệnh nhân không phải mổ cũng xách ra mổ. Đáng sợ nhất là không có trách nhiệm. Tôi có một triết lý: y khoa là một khoa học không chắc chắn. Bản thân y học có những giới hạn trước bệnh tật của con người và người thầy thuốc trở nên nhỏ bé trước bệnh nhân. Do đó phải tận tụy trong sự nghiệp và phải nghiên cứu suốt đời. Tôi cũng buồn vì nhiều gia đình thầy thuốc không muốn con theo nghề vì sợ cực. Rồi nhiều sinh viên ra trường, tới mấy trăm người “bám” bệnh viện lớn như Chợ Rẫy để chờ cơ hội, để lấy cái tiếng. Làm tư không dám nói, sợ yếu thế mình đi.

Trách nhiệm - chất liệu quan trọng nhất làm nên người quản lý

- Ông tốt nghiệp y khoa Huế từ năm 1972 và trở thành giám đốc một bệnh viện ở Quảng Nam khi mới 31 tuổi. Bây giờ lại là một thành viên trong Ban thư ký hội ngành y TPHCM, làm Tổng Giám đốc điều hành Hoàn Mỹ với một chuỗi bệnh viện, ông thấy cần có những yếu tố nào để quản lý thành công?

Tôi cho rằng nghĩa vụ, trách nhiệm với xã hội – đó là “chất liệu” quan trọng nhất làm nên người quản lý. Dù ở cương vị nào, tôi cho cái “được” nhất của mình là nhiệt tâm với công việc. Nay tôi có 1000 cán bộ nhân viên. Để quản lý tốt, phải hiểu biết các định chế pháp luật trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính, ngân hàng đến các vấn đề môi trường, xã hội. Và phải công khai, minh bạch, tôn trọng cán bộ, nhân viên. Tôi ở đây nhưng anh em Đà Nẵng cũng biết tôi đang làm gì. Tôi tự viết sách về quản lý, đặt mình vào nhiều vị trí lãnh đạo, bác sĩ, y tá, bệnh nhân, thậm chí cả thân nhân người bệnh nữa, từ đó đưa ra những quy trình chuyên môn, cách thức ứng xử  đúng đắn khi làm việc.

- Trong quản lý một bệnh viên tư nhân, bài toán tài chính có phải là khó khăn lớn nhất?

Phải giải được bài toán đó. Nhưng tôi cho làm bệnh viện tư, khó nhất không phải là tiền, mà hai cái khó về nhân lực: nguồn cán bộ quản lý và chuyên môn. Tất nhiên giải pháp kinh tế phải song hành với giải pháp chuyên môn. Mua máy gì, dùng cho ai, giá cả, khi nào lấy lại vốn cũng phải tính. Doanh nghiệp còn có trách nhiệm xã hội, làm nhà tình thương, khuyến học, vùng sâu vùng xa, góp phần giữ môi trường trong sạch… Chứ không phải là chỉ kiếm ăn được…

- Vậy chắc công việc của ông bận rộn ngập đầu?

Bận rộn trong đầu, trong suy nghĩ thôi. Giám đốc bận rộn là không thành công, bận rộn là bối rối rồi. Phải biết trước, đừng để mình bị bất ngờ.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi cởi mở này!

Hà Nội dự kiến có thêm 26 bệnh viện tư trong 5 năm tới

UBND TP Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2015, Thành phố dự kiến xây dựng thêm 26 bệnh viện tư nhân với tổng diện tích đất xây dựng vào khoảng trên 60 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng và tổng số giường bệnh là 6.150 giường.

Trong số bệnh viện sẽ xây mới, một số đã có dự án như Bệnh viện Đa khoa Hải Châu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoa Kỳ, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trường Lâm, Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân, Bệnh viện Đa khoa Quang Trung, Bệnh viện Đa khoa KwangMyung, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Việt-Sing...

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến hết năm 2009 Hà Nội có 14 bệnh viện tư nhân với số vốn đầu tư hơn 1.079 tỷ đồng với 477 giường bệnh. Nhiều bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Tràng An, Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội, Bệnh viện Việt - Pháp, Bệnh viện Trí Đức… đã mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại về phẫu thuật phaco, chụp cắt lớp điện toán, siêu âm Doppler màu, nội soi chẩn đoán, nội soi phẫu thuật...

(Theo Nguyễn Thị Ngọc Hải // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • Giám đốc phụ trách Phát triển Tập đoàn quốc tế Quayside (Vương quốc Anh): Châu Âu ưa chuộng hải sản Việt Nam
  • Doanh nghiệp Việt Nam lúng túng tiếp cận dự án CDM
  • Từ một ngân hàng đèn dầu...
  • Ông Từ Minh Thiện, giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC): Tổ chức để cả xã hội hưởng ứng
  • Ông Lê Khắc Hiệp – Chủ tịch HĐQT Cty Vincom: Cần chuyên nghiệp hóa đồng bộ
  • Liberty: cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ
  • Vinaconex chấp hành nghiêm việc bị thu hồi gần 900 tỷ
  • DN Việt kiều chia sẻ bí quyết thâm nhập thị trường châu Âu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao