Ông Hoàng Ngọc Diệp. |
Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI (Anh), quý 2-2011 chỉ số môi trường kinh doanh ngành viễn thông (Telecommunications Business Environment Ratings) của Việt Nam không có nhiều thay đổi trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam giữ nguyên vị trí 17, cao hơn Sri Lanka nhưng lại thấp hơn Thái Lan và Campuchia. Nguyên nhân là các điểm số chung (overall scores) đều yếu và giảm như chỉ số thu nhập trung bình trên mỗi số thuê bao (ARPU), băng thông cố định vẫn phụ thuộc vào kênh thuê bao số, các nhà cung cấp dịch vụ đang thiếu các chiến lược kinh doanh rõ ràng và vai trò nhà nước trong doanh nghiệp còn mạnh mẽ.
Chính những nhược điểm này khiến thị trường viễn thông vẫn chưa phát triển như mong muốn và cần phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhằm huy động nguồn lực xã hội cho sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn đang gặp những rào cản nhất định dù mới đây Nghị định 25 về hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông đã được ban hành. Thời báo Vi tính Sài Gòn đã trao đổi với chuyên gia quản trị về công nghệ thông tin và viễn thông Hoàng Ngọc Diệp, nguyên Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, về vấn đề cổ phần hóa viễn thông hiện nay.
Ông đánh giá thị trường viễn thông Việt Nam trong những năm trở lại đây đang phát triển ra sao so với tình hình phát triển chung của các nước khác?
Ông Hoàng Ngọc Diệp: - Nếu nhìn vào những con số được chính thức công bố thì rõ ràng là thị trường viễn thông Việt Nam đã và đang là một trong vài thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh con số tăng trưởng này tôi thấy ngành viễn thông Việt Nam vẫn có nhiều trở ngại, thách thức cần được sớm giải quyết và vượt qua mới hy vọng có được một sự phát triển bền vững và đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, giống như các thị trường viễn thông khác như Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Qua kinh nghiệm sử dụng các mạng di động, tôi còn thấy dấu hiệu chất lượng của các mạng 2G giảm khá rõ cũng như các dịch vụ 3G vẫn còn rất hạn chế và nghèo nàn.
Tại Việt Nam, định nghĩa về cổ phần hóa không giống với “tư nhân hóa” (privatization) hay “tư nhân hóa một phần” (partial privatization) như ở các nước khác. |
Nếu các nhà khai thác cứ tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới mà không tập trung cho dịch vụ và chất lượng, cũng như chỉ tập trung cạnh tranh về giá, phát triển số thuê bao trả trước mà không phát triển những phân khúc thị trường doanh nghiệp như thời gian qua, tôi e rằng các nhà khai thác lớn nhỏ đều sẽ phải đối mặt với sự thua lỗ trong kinh doanh.
Từ nhiều năm trước, Chính phủ đã đặt mục tiêu phải cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông để tăng sức cạnh tranh và tính minh bạch cho thị trường. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa vẫn chậm trễ so với dự kiến. Là chuyên gia ngành viễn thông, ông có ý kiến gì về vấn đề này? - Cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước luôn là vấn đề khó khăn ở mọi quốc gia. Tại Việt Nam, định nghĩa về cổ phần hóa không giống với “tư nhân hóa” (privatization) hay “tư nhân hóa một phần” (partial privatization) như ở các nước khác. Việt Nam, mặc dù có quy định nhưng vẫn còn nhiều rắc rối và thiếu rõ ràng trong các quy trình triển khai, đặc biệt ở góc độ minh bạch, vì vậy càng khó hơn cho các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Theo tôi, để hoạt động này không bị chậm trễ thì chính phủ phải có những quyết định cương quyết hơn, đưa ra những thời điểm cụ thể buộc doanh nghiệp phải hoàn thành thì mới tránh được sự chậm trễ. Mới đây, chính phủ ban hành Nghị định 25 hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông. Quy định nêu rõ “một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường viễn thông”. Điều này sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp hiện tại, thưa ông? - Ở góc độ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn, thì quy định này là một tiền đề tốt. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải rõ ràng hơn trong việc phân định tính tự chủ của doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân, tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp viễn thông đều không dựa vào ngân sách của nhà nước. Ở góc độ triển khai thực tế, nhất là đối với Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT), thì đây quả thật là một thách thức lớn vì khi cổ phần hóa sẽ phải thay đổi cấu trúc tổ chức và quy trình kinh doanh rất nhiều. Nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn thận, VNPT có thể sẽ mất vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực di động và có thể các hoạt động kinh doanh khác của họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. MobiFone và VinaPhone là hai doanh nghiệp đem lại lợi nhuận chủ yếu cho VNPT. Nếu VNPT tính đến chuyện sáp nhập hai mạng này, điều này sẽ tác động đến cục diện thị trường viễn thông ra sao? - Việc sáp nhập MobiFone và VinaPhone của VNPT (nếu có), theo tôi, sẽ gặp phải nhiều khó khăn vì nhiều lý do khác nhau, trong đó các lý do quan trọng gồm: thứ nhất là cách tổ chức quản lý kinh doanh của hai mạng này hoàn toàn khác nhau, cho nên việc chuyển đổi hệ thống quản lý từ VinaPhone qua mô hình của MobiFone hay ngược lại đều là vấn đề nan giải; thứ hai, cho dù hai mạng có vẻ giống nhau trong góc độ kỹ thuật, nhưng để sáp nhập làm một thì đây cũng là một quy trình vô cùng phức tạp và mất thời gian mà nếu không cẩn thận thì vài chục triệu khách hàng thuê bao của cả hai mạng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Nếu sáp nhập thành công thì nhất định VNPT sẽ phải chịu mất đi một phần thị phần mà họ đang nắm giữ vì khi đó khách thuê bao chỉ có một sự lựa chọn từ VNPT thay vì hai như hiện nay. Với kinh nghiệm thực tế, ông có thể chia sẻ đôi điều về việc cổ phần hóa viễn thông ở một số nước trên thế giới? - Nếu cổ phần hóa có thể được hiểu như “tư nhân hóa” hay “tư nhân hóa một phần” như ở các quốc gia khác, thì đây là việc cần phải làm nhưng phải được thực hiện một cách minh bạch và nghiêm túc hơn so với những đợt cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn thời gian trước đây. Theo báo cáo chung của nhiều nước trên thế giới, trong vài thập niên qua thì việc cổ phần hóa viễn thông đã mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển chung của quốc gia nhưng cũng có nhiều trường hợp làm phân tán và tạo ra khủng hoảng ngắn hạn. Qua một số cuộc nghiên cứu của các tổ chức quốc tế thì việc cổ phần hóa ở Việt Nam, nếu không chuẩn bị cẩn thận và triển khai đúng lúc sẽ dẫn tới tình trạng nhiều người bị thất nghiệp bởi vì hoạt động kinh doanh viễn thông vẫn chưa được hợp lý hóa (streamline) dưới góc độ nhân sự, thiếu nguồn đầu tư lớn mới để hỗ trợ việc chuyển đổi hệ thống quản lý cũng như phát triển kinh doanh. Vì vậy, tùy vào sự chín muồi của nền kinh tế khi cổ phần hóa, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành và doanh nghiệp ở mọi góc độ, sự minh bạch trong giai đoạn cổ phần hóa và khả năng giữ vững vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong và sau giai đoạn cổ phần hóa, các nhà khai thác viễn thông có thể chuyển mình và phát triển bền vững. Còn nếu không cẩn thận thì sẽ là một sự lãng phí to lớn và ảnh hưởng xấu đến hàng triệu khách hàng thuê bao cũng như hầu hết các hoạt động kinh doanh trong nước.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com