Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

DN Nhật quan tâm đến cung ứng thiết bị tại chỗ

Ông Yoshida Sakae
Nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang cân nhắc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Yoshida Sakae, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO) về cơ hội của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam trước xu hướng đầu tư mới này.
 
Xin ông cho biết xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam trong thời gian tới?

Theo thống kê của JETRO, hiện có hơn 1.000 DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Hầu hết các DN này, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Toyota, Honda... đều đạt hiệu quả cao trong kinh doanh. Trước những khó khăn do đình công và chi phí sản xuất gia tăng tại Trung Quốc, nhiều DN Nhật Bản có ý định chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc, mà Việt Nam có thể là một điểm đến hấp dẫn.

Ngoài đầu tư vào công nghiệp nhẹ, lắp ráp, gia công đã có thêm các dự án của DN Nhật Bản vào công nghiệp nặng như lọc dầu, cán thép. Bên cạnh đầu tư nhà máy sản xuất, DN Nhật Bản cũng đang thành lập các công ty thương mại, phân phối bán lẻ để khai thác thị trường nội địa của Việt Nam

Theo dự báo của JETRO, sắp tới, các DN Nhật Bản sẽ có mặt ở tất cả các ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam

Việt Nam cần làm gì để trở thành điểm đến của các DN Nhật Bản?

Nhìn chung, môi trường đầu tư của Việt Nam khá hấp dẫn với DN Nhật Bản do có nhiều chính sách ưu đãi, giá thuê đất, nhân công thấp... Tuy nhiên, Việt Nam cần cải thiện khả năng cung cấp điện và hạn chế những vụ đình công bất hợp pháp. Do ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của DN Nhật Bản, nên hiện số DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam mới chỉ bằng 1/7 so với Thái Lan. Điều này cho thấy, DN Nhật Bản không chỉ quan tâm đến giá nhân công rẻ hay ưu đãi thuế, mà cả tới khả năng cung ứng thiết bị tại chỗ.

Theo cam kết trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thoả thuận thành lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Việt Nam đang giảm các biểu thuế nhập khẩu, dần tiến tới áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% vào năm 2015. Với hầu hết linh kiện nhập khẩu, các ngành công nghiệp non trẻ của Việt Nam như ô tô, máy tính sẽ không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần có chính sách phát triển và thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ.

Những ngành công nghiệp phụ trợ nào cần ưu tiên phát triển tại Việt Nam, thưa ông?

Phát triển công nghiệp phụ trợ là rất cần thiết, song tôi cũng lưu ý rằng, ngành công nghiệp này đòi hỏi nhiều thời gian và vốn đầu tư ban đầu. Trên thế giới mới chỉ có 3 nước là Mỹ, Nhật Bản và Đức có đủ khả năng cung ứng mọi thiết bị, chi tiết phụ trợ cho các ngành công nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy, sản phẩm của công nghiệp phụ trợ không thể sản xuất đại trà, mà cả bên mua và bên bán cần tìm được tiếng nói chung về giá cả, số lượng, chất lượng và thời gian giao hàng.

Trước tiên Việt Nam cần đầu tư vào các ngành phụ trợ như cơ khí, linh kiện máy móc, thép, nhựa...

Sắp tới, JETRO sẽ tổ chức Triển lãm Công nghiệp phụ trợ song song với Triển lãm Máy móc, công cụ (Metalex) 2010. Ông kỳ vọng gì vào các triển lãm lần này?

Triển lãm Công nghiệp phụ trợ 2010 sẽ tạo cơ hội để 50 DN sản xuất thiết bị Việt Nam tiếp xúc với 50 khách hàng là DN Nhật Bản. Cả bên mua và bên bán cùng trưng bày sản phẩm để tìm ra đối tác thích hợp. Thông qua các hợp đồng được ký kết, DN Việt Nam sẽ có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm và kinh nghiệm chế tạo thiết bị theo yêu cầu của DN Nhật Bản.

Triển lãm Công nghiệp phụ trợ 2009 đã thu hút được 2.000 lượt khách tham quan, còn Metalex 2009 có khoảng 7.000 lượt khách. Chúng tôi hy vọng, năm nay, khi kết hợp tổ chức hai triển lãm  này từ ngày 7/10 đến 9/10 ở Trung tâm hội nghị và triển lãm Sài Gòn, khách tham quan sẽ quan tâm hơn tới các sản phẩm máy móc, thiết bị và ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

(Theo Quang Duy // Báo đầu tư)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • Chuyên nghiệp hóa để phát triển bền vững
  • Thương hiệu chỉ là một nhân tố giúp doanh nghiệp phát triển
  • Cước di động bình quân sẽ không giảm quá 15%
  • FPT đổi mới thương hiệu: “Chiếc áo cũ không còn phù hợp”
  • Muốn đi xa phải có gốc vững
  • Tiên phong nền công nghệ cao ngành điện
  • An toàn vệ sinh thực phẩm : Phải “từ đồng tới đũa”
  • Chủ tịch Vinamilk: Ba lý do lãi lớn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com