Thương mại điện tử (TMĐT) giúp người tiêu thụ và các DN giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch: quảng cáo, tiếp xúc ban đầu, đặt hàng, thanh toán. Tuy nhiên, với nhiều DN Hải Phòng, website chỉ để... giải quyết khâu oai.
Sở Công thương Hải Phòng có cuộc khảo sát không chính thức từ 300 DN thì: số lượng DN có website ở Hải Phòng chỉ khoảng... 5%, DN đặt hàng qua các phương tiện điện tử như web hay email chưa đầy... 1%, số còn lại chủ yếu vẫn nhận đơn đặt hàng qua điện thoại và fax...
Nặng tính hình thức
Đã có một số DN xây dựng website để quảng bá, hỗ trợ ban hàng... Đi đầu trong TMĐT tại Hải Phòng phải kể đến các DN mua bán hàng điện tử, điện máy gia dụng. Nhưng khi dạo qua các website này, điều làm người xem khá thất vọng là sản phẩm... không được cập nhật, lỗi model, thậm chí không còn hàng nhưng DN vẫn... treo bán. Đặc điểm khá nổi bật của các website này là hầu như sản phẩm ở đây... không niêm yết giá. Và sau khi khách hàng chọn món hàng, họ vẫn phải nhấc máy gọi điện đặt hàng - mà không thể thao tác đặt hàng qua mạng.
Một nhóm khác được đánh giá cao trong ứng dụng CNTT là nhóm thường xuyên liên hệ với đối tác nước ngoài, như book tour du lịch, bán vé máy bay, vé tàu hay các hãng DN xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa. Song chưa phải DN nào cũng biết tận dụng TMĐT, thậm chí còn làm sai lệch vai trò của nó. Nhiều DN chỉ sử dụng website như một nơi để giới thiệu hàng... tồn kho và những hoạt động mang tính tuyên truyền. Họ chưa coi TMĐT là một kênh phát triển kinh doanh chính thống. Vì vậy luôn có tình trạng xây dựng web chỉ để cho “oai”, chứ chưa tính đến những lợi ích mà nó mang lại.
Trên thực tế, TMĐT ở Hải Phòng hiện nay chủ yếu vẫn ở mô hình C2C (khách hàng-khách hàng). Các giao dịch giữa người tiêu dùng với nhau chỉ là đăng tải, quảng bá sản phẩm và rao vặt. Còn thủ tục hoàn tất cuộc mua bán vẫn là “tiền trao cháo múc”, không có thanh toán mà vẫn chỉ là thanh toán tiền mặt cho người giao hàng.
Vì sao... “sai” ?
Ông Đào Ninh -Trưởng phòng Đầu tư quốc tế Sở CT cho rằng: TMĐT Hải Phòng phát triển chậm đầu tiên phải kể đến ý thức của những người quản lý của DN - họ chưa ý thức được tầm quan trọng của TMĐT. Đến giờ, có giám đốc DN khi hỏi email còn không biết nó là cái gì (?) Mặt khác, tâm lý của DN: website chỉ là nơi đưa các thông tin những hoạt động tuyên truyền nên chưa đuợc nhìn nhận là 1 kênh hoạt động kinh doanh chính thức. Ông Nguyễn Như Hoà- Giám đốc trung tâm điện máy CPN cho biết: chúng tôi luôn có chương trình giảm giá cho khách hàng mua hàng trên mạng như giảm giá, tặng kèm sản phẩm..., nhưng việc thu hút khách rất chậm, nhiều khách hàng chưa quen với hình thức mua bán này. Họ vẫn muốn đến tận nơi, sờ và nhìn ngắm món hàng... thì mới quyết định mua.
Nhiều khách hàng tại Hải Phòng phản ánh họ chọn mua sản phẩm đuợc treo trên website nhưng khi đặt hàng thì phải nhấc máy điện thoại, không phải là đặt qua online. Có truờng hợp khi đặt hàng mới biết đã hết hàng, mặc dù trên website vẫn “treo” là... vẫn còn hàng. Lý giải điều này, ông Hoà cho rằng, phần lớn các DN chưa có đội ngũ quản trị mạng riêng, họ chỉ thuê ngoài 1 người làm bán thời gian, do đó việc update sản phẩm chậm. Hơn thế, hạn chế lớn nhất của TMĐT Hải Phòng là khâu thanh toán trực tuyến. Việc thanh toán mà chưa có sự bảo lãnh của bên thứ 3 cùng với hành lang pháp ý về TMĐT chưa chặt chẽ, đã tạo tâm lý không yên tâm cho cả bên bán lẫn bên mua. Sau các thương vụ mua bán qua internet, hình thức thanh toán được ưa chuộng vẫn là gửi tiền qua bưu điện hay bằng tiền mặt chứ chưa phải là thanh toán qua thẻ tín dụng.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com