Những năm gần đây Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan đã có rất nhiều giải pháp hỗ trợ cho nông dân trồng lúa, nhất là người trồng lúa ở vùng ĐBSCL. Thế nhưng dường như những bất cập mà người nông dân gặp phải không có được chuyển biến lớn mang tính đột phá. Vậy làm thế nào để hóa giải những bất cập cho người nông dân? Xung quanh vấn đề này, DĐDN đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Cty CP Vinamit.
- Ông nghĩ gì khi nhiều loại nông sản của VN, nhất là cây lúa luôn bị rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa thì mất giá ?
Điểm đầu tiên có thể nhìn thấy là vấn đề quy hoạch, kế hoạch, cung - cầu không có được sự điều tiết. Mà một cái lỗi nặng nề nhất của người nông dân chúng ta chưa thay đổi được thói quen kinh doanh có hợp đồng. Đối với người sản xuất phải coi là có hợp đồng, có thị trường rồi mới sản xuất hàng hóa thì nông dân của chúng ta rất liều, cứ trồng mà không nghĩ đến đầu ra, cứ nghĩ làm ra sản phẩm rồi Chính phủ, Nhà nước lo cho. Cái đó làm cho việc khốn đốn của người nông dân cứ rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, được giá lại mất mùa. Phải thừa nhận rằng, đến thời điểm hiện tại Chính phủ của chúng ta làm về khuyến nông rất tốt. Thế nhưng chưa thể điều tiết thực sự sản phẩm cho người nông dân. Điều này cho thấy đang rất cần lực lượng DN tham gia điều tiết cho người nông dân ngay từ khi trồng trọt, sản xuất.
- Những năm gần đây dư luận nói nhiều về vấn đề tăng giá trị gia tăng cho cây lúa, nhưng dường như hiệu quả thực sự của nó chưa cao. Vậy theo ông đâu là giải pháp hữu hiệu nhất ?
Nói đến giá trị gia tăng thì phải nói đến lợi thế cạnh tranh của sản phẩm như thế nào, chúng ta có gì khác biệt với những sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác, khác biệt hơn so với những gì chúng ta đang có. Chúng ta đang thấy được là người nông dân làm rất nhiều công đoạn từ trồng lúa sau đó tự họ thu hoạch, phơi sấy, xay xát, rồi đem bán lúa như thế sẽ chắc chắn không tìm ra được lợi thế, ưu điểm của người nông dân không phát huy được. Để thay đổi được những điểm đó thì trước hết chúng ta phải biết phân cấp rõ ràng và đi vào chuyên canh, chuyên nghiệp hóa từng công đoạn. Chúng ta phải thừa nhận rằng người nông dân VN rất giỏi về trồng trọt, chăm sóc thì anh phải chuyên tâm cho việc trồng còn việc chế biến sau thu hoạch là những người khác. Người này phải có khả năng tổ chức thu hoạch, phơi lúa làm sao cho hạt lúa khi đem vào chế biến xay xát không bị nát, chế biến ra hàng hóa rồi đem đi tiêu thụ... Đối với nhà khoa học thì chuyên tâm nghiên cứu ra các loại giống thích hợp nhất để cho người nông dân gieo trồng. Như vậy mới tạo ra lợi thế cạnh tranh của từng công đoạn và tối ưu hóa từng công đoạn càng cao thì lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng càng cao. Bởi vì khi anh chuyên tâm nghiên cứu về cây giống thì chắc chắn đưa ra giống tốt, phù hợp với thị trường, kết hợp được với người nông dân bằng khả năng gieo trồng của người nông dân sẽ nâng cao được sản lượng cây lúa và bên cạnh đó có được người thu hoạch chuyên nghiệp hạn chế được hao hụt, bị vỡ nát như kiểu phơi lúa truyền thống của người nông dân sẽ tạo ra ưu điểm, lợi thế rất lớn của cây lúa VN. Thực tế, với những cách thu hoạch như hiện nay của người nông dân thì tỷ lệ gạo tấm của chúng ta đang ở mức rất cao, thường chiếm khoảng trên 30% mà nguyên nhân chính là cách thu hoạch chưa phù hợp. Trong khi đó ở các nước phát triển họ tổ chức được việc thu hoạch sau khi trồng thì tỷ lệ này rất thấp chỉ khoảng 1 đến 5%. Như vậy thì chỉ cần nhìn vào đây thôi sản phẩm lúa gạo VN đã khó có thể cạnh tranh được với nhiều nước trong khu vực và cũng thật dễ hiểu giá lúa của chúng ta luôn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Do đó, việc chuyên môn hóa từng công đoạn sẽ giải quyết được rất nhiều bất cập.
- Hàng năm, VN xuất khẩu lúa gạo luôn đứng nhất, nhì thế giới nhưng trong nước hầu hết chưa có một loại sản phẩm lúa gạo đích thực cho người tiêu dùng trong nước ?
Chúng ta thấy rõ ràng xuất khẩu gạo rất nhiều nhưng vẫn chưa định vị được lợi thế cạnh tranh của gạo VN như thế nào? Còn đối với người tiêu dùng trong nước, khi mà đời sống đã được nâng cao thì đòi hỏi ngày càng cao hơn. Trong đó, đòi hỏi của người tiêu dùng trong nước như tôi ăn gạo gì, phải có cam kết tối thiểu của nó như nồng độ thơm, dẻo như thế nào, hạt gạo dài, đảm bảo an toàn... Để làm được điều đó chúng ta phải có được trình tự theo dõi chuỗi giá trị trong quá trình canh tác như về giống lúa gì, trồng bao lâu rồi, quy trình trồng như thế nào, thu hoạch sớm hay trễ. Tuy nhiên, chúng ta muốn thay đổi suy nghĩ này cần nghiên cứu giá trị từ lúc giống đến thu hoạch, đóng gói ra được sản phẩm gạo. Do đó, cần phải được gắn bó giữa người nông dân với nhà chế biến sau thu hoạch và nhà khoa học tạo ra được chuỗi giá trị cho hạt gạo. Mà chất lượng và tên tuổi của loại gạo đó chủ yếu theo những lời nói được những thương lái tự đặt ra là chính. Do đó, chúng ta cần phải tập trung vào việc xây dựng một chuỗi thương hiệu gạo theo một chuẩn về trọng lượng, chất lượng, loại gạo trước khi đưa ra thị trường.
- Thực tế, tại VN đã có rất nhiều nhà đầu tư đến với cây nông sản nói chung và cây lúa nói riêng nhưng số người thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy phải chăng họ chưa đi đúng hướng ?
Việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của VN hiện đang chứa đựng quá nhiều những rủi ro. Đất nông nghiệp thì manh mún, khó tập hợp, đồng nhất với nhau, giữa nông dân và DN, giữa DN và DN. Theo tôi cần có được quy hoạch từ nhà nước tạo thành những vùng nông nghiệp, nguyên liệu chuyên canh lớn, mô hình HTX nông nghiệp, hoặc tổ chức này là DN và nơi này sẽ ký kết trực tiếp với người nông dân. Ngoài ra, vấn đề về thuế cũng đang ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư, bởi so với thương lái thì nhà đầu tư cầm chắc phần thua. Bởi nhà đầu tư thì phải báo cáo thuế đàng hoàng bởi khi thu mua của người nông dân thì làm gì có thuế GTGT nhưng khi bán hàng bắt buộc phải có báo cáo thuế. Ngay như DN muốn bán hàng vào các siêu thị đều phải có thuế nếu không siêu thị ép giá. Còn đối với thương lái thì họ hoàn toàn có thể lách qua được và như vậy giá bán sản phẩm đã phải chênh lệch khoảng 10% rồi thì chắc chắn mất đi tính cạnh tranh lớn về giá.
- Vậy theo ông giải pháp nào để ổn định và phát triển bền vững cho cây lúa của VN ?
Nói về cây lúa VN hiện tại thì làm sao phải gắn với nhau để tạo ra sản lượng lớn, gắn với nhau, lúc đó mới có được bộ giống nguồn giống. Gắn kết với nhau tạo thành HTX, tôi thấy ở An Giang đã tổ chức được mô hình HTX mà do GS Võ Tòng Xuân khởi xướng với đồng nhất một loại giống. Tuy nhiên hiệu quả chưa cao bởi vẫn chưa có nhà chế biến sau thu hoạch hợp tác mà vẫn để người nông dân tự thu hoạch, chế biến thì vẫn bị vướng vào chuyện chất lượng thấp, hao hụt cao và lợi thế cạnh tranh không lớn. Mà trong này muốn phát triển bền vững thì vẫn cần có sự liên kết thực hiện chặt chẽ giữa người nông dân – nhà khoa học - người thu hoạch thì mới có thể phát triển bền vững được. Nếu người dân chỉ dừng ở mức độ trồng thôi thì tôi cho là thất bại bởi ai sẽ là người tạo dựng ra những thương hiệu lúa gạo tốt, chuẩn nhất để đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, theo tôi ở thời điểm hiện tại cái mà tại VN chưa DN làm được chính là những việc làm sau thu hoạch lúa cho người nông dân để giảm tối thiếu những hao hụt không đáng có mà người nông dân đang gánh chịu.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Viết Đoàn // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com