Ông Ngô Hùng Phương. |
Các doanh nghiệp cho rằng đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” là sự khích lệ quan trọng cho việc theo đuổi các chiến lược kinh doanh của mình, họ đang kỳ vọng vào tính hiệu quả trong quá trình thực thi đề án để có thể tăng tốc thật sự.
Ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc CSC Vietnam “Quá trình thực thi là yếu tố then chốt” CSC đang phát triển các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam nên nhận thấy sự cam kết của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) thông qua đề án này là một tín hiệu đáng mừng. Chúng tôi đón nhận đề án này một cách lạc quan và tích cực. Từ trước đến nay, đã có nhiều chính sách cho ngành CNTT nhưng không dễ thành công. Theo tôi, quá trình triển khai và thực thi là yếu tố then chốt để đề án này thành công hơn các đề án trước đây. Chính vì vậy, cần có lộ trình chi tiết cho từng năm với những mục tiêu cụ thể và việc đo lường, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan là rất quan trọng để đạt được những mục tiêu cuối cùng của đề án. Đề án này một lần nữa khẳng định Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và muốn phát triển lĩnh vực CNTT-TT thành ngành kinh tế mũi nhọn và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trên thế giới cũng có rất nhiều nước có cùng mối quan tâm và mong muốn này. Điều làm nên sự khác biệt sẽ là sự tăng tốc và đột phá trong các chính sách với các kế hoạch cụ thể. Đây là điều sẽ làm nên dấu ấn của đề án.Ông Ngô Văn Toàn.
Ông Ngô Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Global CyberSoft (GCS)
“Lắng nghe yêu cầu thực tiễn”
Thực tế cho thấy, ngành CNTT quốc gia không thể tự mình phát triển đơn lẻ, mà điều cốt yếu là phải dựa vào nền tảng động lực là sự nhận thức và ứng dụng rộng rãi CNTT trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Đề án đã đề cập đến nhiều mục tiêu thúc đẩy ngành CNTT-TT phát triển cả cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, ứng dụng có hiệu quả CNTT trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Đề án cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc định hướng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT, đồng thời là quyết tâm xây dựng nền tảng hạ tầng CNTT và nền công nghiệp CNTT. Đây cũng là nền tảng để điều chỉnh các chính sách thúc đẩy nền công nghiệp CNTT phát triển.
Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là quá trình thực thi, phải như thế nào để đạt hiệu quả cao. Chúng ta từng có những chính sách định hướng rất tốt, nhưng thường khâu thực thi và giám sát lại chưa tốt. Để việc thực thi có hiệu quả hơn, theo tôi cần lắng nghe các yêu cầu thực tiễn và tuân thủ các quy luật khách quan của thị trường. Để đạt được các mục tiêu, cần có sự đồng bộ từ nhiều phía, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực với những quy định khác nhau. Dấu ấn mà đề án tạo ra không hoàn toàn nằm trong chính đề án, mà nó chỉ có thể được khẳng định qua việc thực thi để đạt được các mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Hữu Lệ |
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions
“Tài nguyên chất xám bắt đầu được nhấn mạnh”
Những chính sách như vậy thể hiện chiến lược, sự cam kết quốc gia và là điều kiện quan trọng để quảng bá hình ảnh của ngành và của doanh nghiệp. Điều này sẽ làm tăng thêm niềm tin trong kinh doanh, thu hút đầu tư cũng như gián tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
Hai điểm quan trọng mà tôi quan tâm là phát triển nguồn nhân lực và ưu tiên đầu tư cho việc nghiên cứu sáng tạo. Chính sách nhân lực dù vẫn còn rất chung nhưng cho thấy Nhà nước đã nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển chất xám – nguồn tài nguyên quan trọng nhất để thực hiện chính sách. Nếu không có lộ trình kịp thời về tài nguyên con người chúng ta sẽ mất ưu thế cạnh tranh và làm giảm niềm tin của các doanh nghiệp trong ngành. Về nghiên cứu sáng tạo thì đây là lần đầu tiên đề án đặt vấn đề cụ thể về việc khuyến khích các hoạt động R&D. Hy vọng các chính sách hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thúc đẩy đầu tư cho hoạt động nhiều rủi ro này.
15 năm qua đã có nhiều chính sách phát triển ngành CNTT nhưng không mấy thành công. Với đề án này, hy vọng tốc độ thực thi sẽ nhanh và có hiệu quả hơn. Kinh nghiệm là yếu tố quan trọng giúp cho ngành CNTT đạt được những thành quả thiết thực. Vì cho dù kết quả chưa như kỳ vọng nhưng ngành CNTT vẫn phải phát triển theo xu thế toàn cầu – bởi nó đóng vai trò quan trọng trong tất cả các mặt của đời sống kinh tế-xã hội, từ gia công, dịch vụ, sản xuất cho đến ứng dụng và kết nối đến từng cá nhân. Việc tăng tốc để rút ngắn khoảng cách với thế giới là điều tất yếu và giúp chúng ta tiếp tục cuộc đua trong thời đại thông tin.
Ông Trần Lương Sơn |
Ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc Công ty Vietsoftware
“Cơ hội để khôi phục ngành phần mềm trong nước”
Đề án đã khẳng định lại chiến lược quốc gia về CNTT, là hạ tầng cơ sở mới trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Theo tôi, các doanh nghiệp phần mềm trong nước giai đoạn qua đối mặt với quá nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng. Hy vọng đề án này là cơ hội để các chính sách, chương trình mới đi vào thực tế giúp doanh nghiệp trong nước hồi phục trên thị trường. Mặt khác, một đề án cấp Chính phủ sẽ là thông điệp có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng quốc tế, tăng niềm tin vào việc đầu tư và phát triển thị trường của họ tại Việt Nam.
Vấn đề là trên thực tế, chúng ta sẽ thực hiện như thế nào. Theo tôi, nhân lực là khâu đầu tiên giải quyết vòng xoáy bế tắc. Tôi kỳ vọng các chính sách hỗ trợ phù hợp và thị trường chính phủ sẽ mở rộng để tạo đà cho khối doanh nghiệp ngành phần mềm trong nước khôi phục cũng như xây dựng các lĩnh vực dịch vụ mới như dịch vụ CNTT, gia công quy trình… Đồng thời các hoạt động giai đoạn tới sẽ chú trọng đến sự liên kết trong ngành nhằm giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh quốc gia.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com