Tháng Chín vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1605/QĐ-TTg về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, dự kiến sẽ đầu tư 1.700 tỷ đồng dành cho các dự án có quy mô quốc gia từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Với mô hình mới, nhiều doanh nghiệp có thể tham gia tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng hơn trong việc hướng đến việc cung cấp giải pháp, dịch vụ, mà không đơn thuần chỉ dựa trên giá cả và mối quan hệ lâu đời. |
Mục tiêu của chương trình đến năm 2015 là xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử; ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Số kinh phí ban đầu là 1.700 tỷ đồng cho các ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đang được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT. Thời báo Vi tính Sài Gòn đã ghi nhận ý kiến của một số nhà doanh nghiệp CNTT về cơ hội kinh doanh này.Ông Phan Thanh Sơn.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc kỹ thuật Cisco Systems Việt Nam
“Đấu thầu dự án cần minh bạch”
Nhìn nhận về cơ hội kinh doanh cho các công ty CNTT, theo đánh giá của các nhà phân tích thị trường có uy tín trong giai đoạn 2011-2013, Việt Nam sẽ chi khoảng 3-4 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm (chiếm khoảng 3-3,3% GDP) cho CNTT, trong đó khối chính phủ chiếm khoảng 10%.
Với khoảng 90 triệu đô-la cho các dự án có quy mô quốc gia, nếu tính về số lượng so với tổng đầu tư của xã hội vào CNTT thì không lớn nhưng đây là đầu tư mang tính chiến lược tạo nền móng vững chắc cho các dự án đầu tư khác trong thời gian dài. Vì vậy, đây không chỉ là cơ hội cho cơ quan chính phủ để tạo một nền tảng vững mạnh cho việc triển khai chính phủ điện tử, cải cách hành chính và nâng cao năng suất lao động mà còn là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp kiến trúc và giải pháp tổng thể CNTT trong cơ quan chính phủ.
Trong hơn 10 năm hoạt động ở Việt Nam, Cicso và đối tác đã tham gia nhiều dự án của chính phủ với nhiều quy mô khác nhau. Nhận xét của cá nhân tôi trong quá trình triển khai dự án CNTT của Chính phủ là: thứ nhất, quy định chặt về xuất xứ hàng hóa khiến nhiều hãng CNTT gặp khó khăn trong việc tuân thủ, dẫn đến mất khả năng cạnh tranh và cơ hội cung cấp giải pháp. Thứ hai là việc thẩm định giá trong bối cảnh bên đấu thầu có nhiều nguồn hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có dịch vụ chính thống với giá thấp hơn giá thị trường thông thường. Thứ ba là việc chuẩn hóa thiết bị ban đầu chưa được thừa kế từ các chứng chỉ, công nhận quốc tế nên đã phát sinh nhiều công sức, nguồn lực và thời gian dẫn đến chậm trễ trong việc nhập hàng hóa làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Trong thực tế từ cuối năm 2009, đối tác của Cisco gặp khó khăn trong việc nhập hàng hóa cho các dự án thầu đang trong quá trình thực hiện. Vấn đề khó khăn liên quan đến sự chênh lệch giữa giá thực và giá sau giảm giá, đặc biệt cho từng dự án thầu có tính cạnh tranh cao và giá do phía Hải quan quy định cho hàng hóa của Cisco. Việc này làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong dự án thầu, đồng thời khiến người dùng cuối cùng phải trả giá cao hơn cần thiết nếu phía đối tác của Cisco trúng thầu.
Việc Nhà nước bước đầu thực hiện khoảng 20% số gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn sử dụng vốn nhà nước được thực hiện qua mạng; thí điểm chi tiêu chính phủ tập trung trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là chiến lược đúng đắn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả đấu thầu.
Đấu thầu qua mạng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt các thông tin về từng giai đoạn cụ thể, chi tiết hơn và có thể trao đổi nhanh chóng qua mạng trong quá trình tham gia và thực hiện thầu, từ đó hiệu quả kinh doanh cũng tăng lên so với mô hình cũ.
Với mô hình mới, nhiều doanh nghiệp có thể tham gia tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng hơn trong việc hướng đến việc cung cấp giải pháp, dịch vụ, mà không đơn thuần chỉ dựa trên giá cả và mối quan hệ lâu đời. Mô hình đấu thầu mới cũng giúp các gói thầu được chào giá cạnh tranh hơn, giúp cho bên gọi thầu nhanh chóng mua sắm được sản phẩm với giá cả hợp lý. Trong khi đó, bên bán rút gọn được thủ tục, có nhiều cơ hội tham gia thầu và hướng doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào các dự án thầu tư vấn, giải pháp phức tạp theo mô hình thầu truyền thống.
Hiện, Cisco đang nghiên cứu chuẩn bị cho các điểm thay đổi này trong việc đấu thầu các dự án CNTT trong khu vực nhà nước. Là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài không hoạt động kinh doanh trực tiếp mà thông qua các đối tác, chúng tôi mong muốn có một kênh thông tin trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan xây dựng chính sách, quy chế thầu để có thể trình bày các khó khăn, bất cập giúp cơ quan nhà nước có thể kịp thời điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Ông Chu Tiến Dũng. |
Ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung
“Hợp tác công-tư trong dự án CNTT nhà nước”
Với 1.700 tỷ đồng cho các dự án CNTT của Chính phủ, chắc chắn đây sẽ là cơ hội lớn về thị trường cho các doanh nghiệp CNTT. Tuy nhiên, mức độ tác động này tới thị trường CNTT còn tùy thuộc vào cách Chính phủ tiêu dùng nguồn ngân sách này như thế nào.
Nếu Chính phủ dùng khoản tiền này tập trung đầu tư trực tiếp các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và Chính phủ tự tổ chức xây dựng, vận hành hệ thống dịch vụ dùng riêng cho hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước thì mức độ tác động là không lớn. Nhưng nếu dùng nó để thuê cơ sở hạ tầng và dịch vụ của doanh nghiệp để phục vụ chương trình của Chính phủ thì tác động sẽ lớn hơn rất nhiều, bởi 1 đồng chính phủ tiêu cho việc thuê, mua dịch vụ sẽ kích thích và thu hút thêm hàng chục đồng đầu tư từ các doanh nghiệp, và như vậy hiệu ứng sẽ mạnh hơn.
Nếu Chính phủ mạnh dạn chi tiêu theo hướng hỗ trợ và khuyến khích cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ công thì mức độ tác động sẽ lại càng lớn hơn.
Với góc độ đại diện cho hiệp hội ngành nghề của các doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn chính phủ tăng cường hình thức hợp tác công-tư (PPP – Public Private Partnership) trong các hoạt động phát triển ứng dụng CNTT ở các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân. Hình thức này sẽ phát huy được cả hai mặt vừa đa dạng hóa dịch vụ, bảo đảm chất lượng dịch vụ vừa góp phần phát triển hệ thống các doanh nghiệp làm cho công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT phát triển.
Việc công khai đấu thầu qua mạng là một chủ trương đúng đắn bởi Nhà nước càng ngày càng công khai, minh bạch và tạo thuận tiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các dự án của Chính phủ. |
Về việc tham gia dự án của Chính phủ, hiện khu Công viên Phần mềm Quang Trung có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đội ngũ cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm trong hoạt động cung cấp dịch vụ hạ tầng CNTT, viễn thông và Internet nên chúng tôi rất mong muốn tham gia cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho các trung tâm dữ liệu cung cấp dịch vụ của Chính phủ và các địa phương.
Việc công khai đấu thầu qua mạng là một chủ trương đúng đắn bởi Nhà nước càng ngày càng công khai, minh bạch và tạo thuận tiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các dự án của Chính phủ. Tuy nhiên, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng và rút kinh nghiệm từ những việc đã làm trước đây để làm sao cho chặt chẽ, hoàn chỉnh, tránh những sự cố làm ảnh hưởng đến kết quả của chủ trương đúng đắn này. Là doanh nghiệp, chúng tôi rất mong Chính phủ có cơ chế thông thoáng, mở rộng vai trò tham gia của các doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ CNTT cho các cơ quan, tổ chức thuộc Chính phủ, địa phương và cung cấp dịch vụ công cho người dân, trong đó Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, đặt hàng, và tạo ra cơ chế, chính sách bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia cung cấp dịch vụ cũng như hưởng thụ dịch vụ. Ông Nguyễn Hoàng Ly, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion) “Kỳ vọng ở dự án CNTT của Chính phủ” Mặc dù 1.700 tỷ đồng là không quá lớn đối với một chương trình tầm cỡ quốc gia, nhưng tôi nghĩ đây sẽ là một điểm khởi động tốt để các cơ quan nhà nước mạnh dạn đề xuất những nhu cầu ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính công và các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tham gia. Đặc biệt, một trong ba mục tiêu lớn của chương trình này là ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức cao và trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp. Có thể nói đây là chủ trương hết sức thuận lợi cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp thanh toán điện tử đang chờ một “cú hích” để phát triển. Bởi, với quy mô của một chương trình quốc gia, có sự tham dự của các đơn vị dịch vụ CNTT hàng đầu, “cú hích” này có nhiều khả năng sẽ khiến thị trường thanh toán trực tuyến bước vào giai đoạn bùng nổ. Hiện nay, VietUnion đã kết hợp với Viện Công nghệ viễn thông, cùng với Sở Xây dựng Kiên Giang triển khai thí điểm mô hình thanh toán dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp trực tuyến, đồng thời cũng đã xúc tiến làm việc cùng Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM để triển khai ứng dụng này. Khi tham gia vào dự án CNTT của Chính phủ, VietUnion cũng như các doanh nghiệp khác sẽ gặp rào cản chung, đó là ít nắm được các thông tin về nhu cầu, định hướng, ngân sách của các cơ quan chính phủ trong lĩnh vực CNTT. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa liên kết tốt với nhau để cung cấp những giải pháp hoàn thiện, đôi khi dẫn đến việc các cơ quan chính phủ phải đầu tư nhiều hạng mục nhỏ, sau đó khi kết nối với nhau lại không tốt. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nên có những quỹ hỗ trợ nghiên cứu cho các dự án tiềm năng của doanh nghiệp có thể góp phần phát triển CNTT của nước nhà. Có như vậy, các doanh nghiệp mới mạnh dạn nghiên cứu và phát triển các phần mềm, giải pháp, dịch vụ thay vì mua lại giải pháp của nước ngoài.Ông Nguyễn Hoàng Ly.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com