Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tổng giám đốc BAOVIET Bank: Phải “sống” mới chống được lạm phát

Ngay sau khi Chính phủ ra Nghị quyết 11/NQ-CP đề ra nhiều biện pháp mạnh nhằm giảm lạm phát, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Đào Vũ – Tổng giám đốc NHTMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank). Trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ, ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) cần phải làm gì để có thể phát triển?



Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc NHTMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank

- Thưa ông, việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng lòng đưa ra các chính sách vĩ mô nhằm thắt chặt tiền tệ, giảm lạm phát sẽ tác động thế nào đến hoạt động của các NH, đặc biệt là các NH mới thành lập?

Để ổn định vĩ mô, Chính phủ đề ra rất nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp tác động trực tiếp nhất đến hoạt động NH là thắt chặt tiền tệ. Đi cùng với thắt chặt tiền tệ là lãi suất cao, tốc độ tăng cung tiền vào lưu thông sẽ giảm. Tín dụng sẽ giảm do yếu tố lãi suất cao và do chủ trương hạn chế tín dụng đối với các NHTM. Giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% sẽ được đặt ra cho các ngân hàng, tuy nhiên, với các ngân hàng mới và thị phần chưa lớn, thiết nghĩ, mức tăng trưởng sẽ không bị chốt “cứng” ở mức tối đa 20%. Tuy nhiên, với các ngân hàng này cũng khó có thể “mát ga” để đạt được các mức tăng trưởng cao gấp đôi như đã từng đạt được những năm trước.

- Nếu khó khăn như vậy, liệu các NH có cân nhắc đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng không, thưa ông?

Hầu hết các NH đều đưa ra các chỉ tiêu tăng trưởng và kế hoạch lợi nhuận cho năm 2011 từ cuối năm ngoái với những con số tích cực và mạnh mẽ. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ, các NH cũng phải cân nhắc kỹ đến việc điều chỉnh kế hoạch. Một số NH lớn mang tính chất dẫn dắt thị trường, đặc biệt là các NHTM của nhà nước có lẽ cũng phải xem lại chỉ tiêu tăng trưởng. Nhưng điều chỉnh lại các kế hoạch tăng trưởng ngay lúc này theo tôi là chưa cần thiết bởi hiện cũng mới chỉ là những tháng đầu năm. Với quyết tâm của Chính phủ và các Bộ Ngành trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tôi tin tưởng, những biện pháp kiên quyết như bây giờ sẽ phát huy hiệu quả tốt, giúp cho tình hình kinh tế nói chung và thị trường được cải thiện trong sáu tháng cuối năm. Các NH vẫn có thể mong đợi các cơ hội để tăng tốc khi đó.

- Thưa ông, điều gì khiến các NH đau đầu nhất trong bối cảnh hiện nay?

Lãi suất huy động trên thị trường chưa thể giảm mà dường như đang trong xu hướng tăng cao. Các ngân hàng vẫn đang phải bằng mọi cách để duy trì nguồn vốn huy động trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng về lãi suất. Mức trần lãi suất huy động 14%/năm có vẻ như khó giữ được, lãi suất cho vay vì thế đã tăng lên quá cao. Điều khiến các NH phải cân nhắc kỹ càng là làm sao để huy động được vốn, cho vay như thế nào để đảm bảo bài toán kinh doanh mà không phát sinh rủi ro tín dụng.

- Cũng vì lãi suất vay VND cao nên các DN có nhu cầu vay vốn muốn chọn hình thức vay bằng USD để đỡ gánh nặng lãi suất. Theo ông nhìn nhận, các DN có nên tiếp tục cách thức vay vốn này?

Lâu nay trên thị trường có một thực tế là lãi suất vay tiền VND rất cao. Vì vậy, nhiều DN tính toán vay USD vì chênh lệch lãi suất vay khá lớn. Tuy nhiên, tôi nghĩ các DN khi vay USD sẽ phải đối mặt với những rủi ro về tỷ giá. Chính vì vậy, DN nên hết sức linh hoạt để tùy từng lúc và tùy khoản vay đó là ngắn hạn hay dài hạn mà quyết định nên vay bằng đồng tiền nào. Có thể nói, trong lúc này, khi vay vốn, DN cần cân nhắc, đối với những khoản vay ngắn hạn có thể vay bằng USD. Còn vay USD trong trung hạn và dài hạn thì DN cần phải có công cụ để giảm thiểu, tránh được rủi ro tỷ giá.

- Thưa ông, hiện giờ các doanh nghiệp có mặn mà với những công cụ phái sinh?

Ở thị trường Việt Nam vẫn còn hạn chế những công cụ phái sinh. Một trong những lý do khiến các công cụ phái sinh hiện chưa phổ biến là vì cả ngân hàng và doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến các công cụ này. Vấn đề này đã được đề cập đến từ một số năm trước, song cho đến nay vẫn đang loanh quanh ở câu chuyên “con gà và quả trứng”. Theo tôi, các ngân hàng là người tiên phong đưa ra các công cụ, thị trường sẽ biết đến và chấp nhận khi thấy được sự hữu ích của các công cụ đó. Khi quen với sử dụng các công cụ phái sinh, doanh nghiệp có thể kiểm soát được rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất và do vậy sẽ kiểm soát được chi phi vốn khi thực hiện các phương án kinh doanh, đầu tư.

- Theo ông nhìn nhận, để ổn định được tỷ giá, những chính sách đưa ra đã đủ mạnh?

Việc điều chỉnh tỷ giá như vừa rồi theo tôi đã đủ liều. Điều quan trọng lúc này phải ổn định được tâm lý, tạo sự yên tâm về sự ổn định trong trung hạn. Nguồn USD trên thị trường không nhỏ, nếu yên tâm về sự ổn định của tỷ giá trong khi lãi suất tiền VND đang cao hơn nhiều so với USD như lúc này thì một nguồn đáng kể USD sẽ được chuyển đổi sang VND, tăng cung ngoại tệ cho thị trường ngoại hối. Thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ với việc các doanh nghiệp nhà nước không găm giữ ngoại tệ thì sẽ giúp thị trường sớm ổn định. Hiện nay Chính phủ, NHNN, các Bộ Ngành đang dốc toàn tâm toàn lực để giữ tỷ giá ở mức hiện nay. Theo tôi, nếu quyết tâm thì sẽ giữ được. Chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp.

- Theo ông, lãi suất huy động thời điểm này bao nhiêu là hợp lý?

Lúc này, với những khoản vay ngắn hạn, DN có thể vay bằng USD. Còn vay USD trong trung hạn và dài hạn thì cần công cụ để giảm thiểu, tránh được rủi ro tỷ giá.

Quan điểm cá nhân tôi, trong điều kiện lạm phát (kỳ vọng 10-12%), mức lãi suất huy động l4% là rất cao. Xét đến lãi suất cho vay, nếu huy động 14% cho vay cũng phải vào khoảng từ 17-18%. Trong khi CPI tăng cao như hai tháng đầu năm thì khả năng để giảm lãi suất xuống ngay lúc này là rất khó. Theo thông tin gần đây, một số ngân hàng đã đẩy lãi suất cho vay lên trên 20%. Xu hướng lãi suất tăng cao là khá rõ, lãi suất tăng sẽ giúp hạn chế tín dụng, tác động trực tiếp vào giảm tốc độ tăng giá, tuy nhiên mức lãi suất cao quá liều sẽ gây nên sự trì trệ của nền kinh tế và như vậy có thể phản tác dụng chống lạm phát. Vào lúc lạm phát cao, lãi suất phải cao nhưng thiết nghĩ phải có quan điểm khác hơn về lãi suất “thực dương”. Không nên để lãi suất cao hơn các mức nói trên vào lúc này, lãi suất cao để chống lạm phát nhưng phải ở mức mà DN thở được để còn hoạt động. DN phải sống được thì mới chống được lạm phát!

- Với riêng BAOVIET Bank, trong năm 2011, NH sẽ tập trung vào mảng hoạt động nào?

BAOVIET Bank là NH mới đi vào hoạt động cho nên hoạt động tín dụng vẫn giữ vai trò chủ đạo, mặc dù ngân hàng đã và đang rất tích cực để đưa vào thị trường những dịch vụ ngân hàng đem lại giá trị gia tăng. Đối với tín dụng, chúng tôi tập trung cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt hướng đến các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu. BAOVIET Bank đang xây dựng những gói sản phẩm phù hợp để hỗ trợ tốt nhất cho các DN. Mặc dù là ngân hàng mới nhưng BAOVIET Bank cũng có những lợi thế nhất định với tư cách là người đi sau như công nghệ hiện đại, mô hình quản lý tiên tiến. Vì vậy, chúng tôi đã nhanh chóng xây dựng được hệ thống các sản phẩm dịch vụ đa dạng với chất lượng dịch vụ chuẩn mực.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo Doanh nhân)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • Phải cày sâu cuốc bẫm
  • Triết lý cuộc đời của tân Tổng giám đốc FPT
  • Tân Tổng giám đốc FPT nói về chiến lược sắp tới
  • LienVietBank “se duyên” với VNPT: “Thương vụ góp vốn rất đặc biệt”
  • Điện tăng giá - Những thách thức cần lời giải
  • VNX: Chấm dứt tình trạng thua thiệt của hàng Việt
  • “Mùa gieo hạt”
  • Sếp Nokia tại Đông Dương 'bật mí' chuyện làm ăn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao