Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trở thành tỷ phú chỉ nhờ... trồng cỏ

Giữa thời buổi nhà nhà, người người vùng ven đô bỏ ruộng, bán đất xây nhà, còn anh lại rời vị trí chỉ huy trong quân ngũ quay về làm nông dân. Nhưng có lẽ đến bây giờ, tỷ phú "chân đất" Nguyễn Thái Vinh cũng không hối hận vì quyết định ngược đời cách đây hơn chục năm của mình.

Thành tỷ phú do bị... "ấm đầu"

Một người bạn ở Hải Phòng bỏ tiền tỷ ra xây khách sạn. Gặp tôi, anh bảo: "Cô về thủ đô, mua cho tôi ít cỏ để tôi trồng. Nhớ là phải cỏ xịn đấy nhé". Thoạt nghe, tôi tưởng anh nói đùa nhưng anh cười bảo: "Ở Từ Liêm, Hà Nội ấy, người ta trồng cỏ để bán ầm ầm. Tôi còn nghe nói có người thành tỷ phú nhờ trồng cỏ cơ. Họ bán nhiều lắm rồi, các đại gia ở Hà Nội, Hải Phòng... đều mua cỏ về để trang trí cho biệt thự nhà vườn của mình". Nghe anh nói, tôi nhận lời đi tìm mua cỏ giống cho anh. Phần vì tò mò, phần vì nghi ngờ sao ở Hà Nội mà lại có "tỷ phú chân đất", tôi quyết định đi tìm cỏ.

Lòng vòng quanh các cửa hàng bán cây cảnh ở Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh... nhưng ở đây họ chỉ bán vài m2 cỏ. Dù khá bận rộn vào những ngày cuối năm nhưng tôi cũng không muốn để anh bạn "chê nhà quê", tôi quyết tâm tự tìm đến tận cánh đồng cỏ của người được mệnh danh là "tỷ phú chân đất" ở thủ đô để tìm hiểu thực hư.

Từ sáng sớm, anh Nguyễn Thái Vinh đã có mặt ở ruộng cỏ

Thoạt nhìn trên cánh đồng thôn Phú Diễn, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, tôi cứ ngỡ đó là những ruộng mạ phục vụ cho vụ cấy sắp tới. Nhưng đến gần tôi mới nhận ra đó là cỏ. Những luống cỏ thẳng tắp được đánh thành từng dãy trong những thửa ruộng. Bất cứ ai chỉ cần đặt nhẹ bàn chân trần lên đám cỏ đều cảm nhận được sự êm ái, dìu dịu của mùi cỏ đan xen với mùi ngai ngái của đất ẩm.

Mặc dù mới 7h sáng mùa đông, trời còn mù mịt sương, nhưng khá nhiều xe con, xe tải đã đỗ sẵn ven đường để chờ bốc cỏ chở đi tiêu thụ. Gặp người nông dân tỷ phú trên chính những thửa cỏ đang được thu hoạch, tôi mới hiểu được rằng để trở thành "tỷ phú chân đất" như anh quả thật không dễ.

Vừa dẫn tôi cùng đi xới cỏ lên bán cho khách, anh Nguyễn Thái Vinh, người đã có 15 năm trồng cỏ để bán chia sẻ: "Trước kia, tôi cũng từng trong quân ngũ, từng giảng dạy trong trường quân đội, nhiều năm lăn lộn khắp các vùng đất ở khu vực trung du Phú Thọ, Yên Bái. Cứ nghĩ mình sẽ gắn bó với thao trường cả cuộc đời. Tuy nhiên đến những năm 90, sau khi lập gia đình vì hoàn cảnh, tôi rời quân ngũ. Lúc mới về nhà, tôi cũng chẳng biết rồi cuộc sống gia đình mình rồi sẽ ra sao. Rồi làng quê yên ả của tôi cũng lao vào guồng đô thị hóa. Nông dân từ bỏ trồng lúa chuyển sang kinh doanh buôn bán. Lúc đó, tôi vẫn nghĩ là mình phải tìm cách để có thể tồn tại trên chính mảnh đất mà gia đình tôi đã gắn bó từ bao đời nay".

Qua tìm hiểu, nắm bắt được nhu cầu trang trí nhà cửa, công trình bằng những nguyên liệu tự nhiên, anh Vinh đã mạnh dạn thuê hơn 1 mẫu ruộng bỏ hoang của bà con để trồng cỏ. Lúc đầu, không ít người cho rằng anh bị "ấm đầu", cỏ người ta nhổ đi không được mà anh lại đem trồng hàng loạt. Lúc đó anh chỉ biết cười và nói rằng: Cỏ mọc tự nhiên là cỏ khác, cỏ gây hại, phải nhổ bỏ đi. Còn cỏ ươm giống để bán là cỏ làm cảnh, được gọi là cỏ nhung hoặc cỏ Nhật. Cỏ nhung này có giá trị nên không phải chỗ nào cũng có. Ngay như ở những sân golf nổi tiếng người ta cũng trồng loại cỏ khác, chỉ có ở những chỗ cạnh lỗ golf thì mới trồng cỏ nhung thôi. Cỏ nhung dùng để làm trang trí ở biệt thự, nhà hàng, khách sạn... làm cho kiến trúc thêm hoàn hảo hơn.

"Hữu xạ tự nhiên hương"

Đến nay, không chỉ anh Vinh mà hơn 40 hộ ở Phú Diễn cũng biến nhiều thửa ruộng bỏ hoang thành những thảm cỏ đẹp như trong mơ. Hộ trồng nhiều nhất là nhà anh Vinh với gần 2 mẫu cỏ, người trồng ít là vài sào. Anh Vinh kể rằng, trồng cỏ kinh tế hơn trồng lúa rất nhiều. Trước đây, có thời điểm, cả vụ trồng lúa, thu hoạch có khi còn lỗ 35.000 đồng, vụ nào lãi được nhiều nhất là vài trăm nghìn đồng/vụ. Trồng cỏ để bán, cho thu nhập nhiều hơn thế. Nhà anh Vinh trồng 2 mẫu cỏ giống để bán, trừ chi phí, thuê 10 nhân công, mỗi năm để dành được khoảng 200 triệu đồng. Có thể, số để dành, anh còn nói khiêm tốn. Tuy nhiên, đó là mức thu nhập khá cao, đáng mơ ước của người nông dân.

Ngoài thu nhập cao ra, anh Vinh còn là người được đi du lịch miễn phí rất nhiều nơi. Đó là những nơi anh đến giao hàng, chuyển giống, ươm cỏ cho khách như Sapa, Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc... Tôi ngạc nhiên khi thấy anh nhiệt tình hướng dẫn khách hàng bảo dưỡng, chăm sóc vườn cỏ và hỏi địa chỉ để gửi giống vào cho khách ở tận Quảng Trị, Quảng Ngãi... mà không lấy tiền giống. Quan điểm phục vụ khách của anh Vinh cũng khá đặc biệt. "Khách mua 1000m2 cỏ giống cũng nhận được sự phục vụ, tư vấn như khách mua 1m2 cỏ giống".

Người dân dùng dây đo từng m2 cỏ để bán cho khách

Anh Vinh giải thích: "Người mua 1m2 sẽ thành vài trăm m2, hàng nghìn m2 khi họ được phục vụ chu đáo, họ giới thiệu bạn bè đến mua. Người mua 1000m2 có thể cũng chỉ mua một lần. Vì thế, trong lĩnh vực dịch vụ, không phân biệt ít nhiều mà tiềm năng của khách hàng là như nhau nên sự phục vụ cũng giống nhau. Vì khách hàng đa dạng nên phục vụ theo nhu cầu là thích hợp nhất". Chính cách làm này đã đem lại cho anh Vinh nhiều khách hàng mà chủ yếu là nhờ người từng mua cỏ giới thiệu.

Hiện nay, giá cỏ nhung giống đang ở mức cao nhất trong năm là 40.000 - 50.000 đồng/m2 bởi nhu cầu trang trí nhà cửa, hoàn thiện công trình của các chủ đầu tư thường hoàn tất vào dịp cuối năm. Theo lời của những người trồng cỏ thì chỉ vài ba ngày nữa, cánh đồng cỏ nay sẽ chỉ còn là gốc cỏ. Loại cỏ này thích hợp với thổ nhưỡng 20 - 25% đất cát pha. Cách chăm sóc cũng rất đơn giản chỉ cần tưới nước bình thường. Một năm phun thuốc phòng sâu bệnh/lần; thức ăn của cỏ nhung rất đơn giản là phân lân Lâm thao, NPK... không nên bón phân đạm. Vì phân đạm bón vào sẽ bốc lá nhanh thì nhanh phải cắt tỉa, phay. Trồng loại cỏ này vào mùa xuân. Nếu thời tiết ấm, độ ẩm cao thì cỏ phát triển rất nhanh, hay phải phay cho bằng mặt. Cỏ nhung trang trí này thích hợp với khí hậu lạnh. Dù có tuyết rơi, tan chảy ở Sapa nhưng cỏ vẫn sống, không bị ảnh hưởng, không chết và khách sạn ở Sapa không phải mua giống để gây lại.

Tôi hỏi anh, 15 năm trồng cỏ rồi, sao anh không thành lập công ty để giao dịch cho "oách"?. Anh cho rằng "hữu xạ tư nhiên hương" nên anh cũng không mở công ty để giao dịch. Với anh cứ làm anh nông dân chính cống, bán cỏ thu tiền, đi du lịch miễn phí... sướng hơn nhiều. Cái thú của anh nông dân đơn giản thật đấy nhưng niềm đam mê với cỏ và mong muốn nhiều người nông dân ở thủ đô bám ruộng vẫn có thể làm giàu.

Gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu... cuối cùng tôi cũng hiểu, người nông dân này vì cái gì mà kinh doanh cỏ - cái thứ mà người ta nhổ đi không hết, còn người nông dân thì ghét cay, ghét đắng mỗi khi mùa vụ đến. Bởi với anh Vinh và nhiều người dân ven đô như anh nó còn là một niềm đam mê. Hơn thế cỏ lại là một sợi dây gắn bó anh với đồng ruộng và tự tin là sống khỏe trên chính mảnh ruộng gắn bó bao đời với họ. Anh Vinh cũng không giấu được một nỗi buồn sau những thành công từ trồng cỏ: "Chúng tôi dù hàng ngày vẫn đang gắn bó với những cánh đồng cỏ nhưng với cảnh vừa sản xuất, vừa lo ruộng bị thu hồi vì nằm trong dự án quy hoạch. Không biết liệu những cánh đồng cỏ như vậy có còn nhìn thấy trong những năm tới hay không?".
 
Theo nĐT

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • Nhiều 'đại gia' Việt 'lộ' kế hoạch lớn năm con Rồng
  • Chuyện ít biết về gia đình 'ông lớn' Doji và mốc doanh thu 28.000 tỷ
  • Trò chuyện với chàng giám đốc hốt bạc nhờ 'cho thuê người yêu'
  • Cú "PR" giá triệu đô cho Việt Nam
  • Xăng không đạt chất lượng, doanh nghiệp đầu mối nói gì?
  • Doanh nghiệp nhỏ vay ngân hàng: Khó ở đâu?
  • Triển khai Khu KTCK Xa Mát : Vướng giải ngân
  • Điêu đứng ở nội thị, điện máy dạt ra vùng ven
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao