Việc tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bán ba con tàu Phú Tân, VN Sapphire và VNL Dynamic với giá bán sắt vụn và vụ “lùm xùm” quanh kết quả thắng chào giá mua ba con tàu trên khiến dư luận nghi ngờ: Nhà nước có thất thoát tiền từ vụ bán tàu với giá phế liệu? Có hay không việc Vinalines chấp nhận hồ sơ chào giá không hợp lệ?… Phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn ông Bùi Quốc Anh, phó tổng giám đốc Vinalines.
Thưa ông, vì sao Vinalines quyết định bán ba con tàu đang hoạt động bình thường trên?
Ảnh minh hoạ.Ảnh: TL internet |
Việc bán tàu nằm trong kế hoạch đổi mới đội tàu. Những con tàu này đều có tuổi đời 20 – 22 năm, đang hoạt động nhưng không hiệu quả.
Nghị quyết từ buổi họp ngày 8.10.2010 của hội đồng thành viên Vinalines ghi: “Cho phép bán giải bản ba con tàu…” Bán giải bản là sao, thưa ông?
Có hai loại giá bán tàu là giá thương mại và giá giải bản. Chúng tôi đã chào bán ba con tàu này ra nước ngoài theo giá thương mại nhưng không ai mua và chúng tôi chấp nhận bán giải bản, nghĩa là bán nguyên trạng con tàu theo giá sắt vụn.
Giá thương mại chào bán ở nước ngoài là bao nhiêu?
Khoảng 2 triệu USD/tàu.
Sao Vinalines không chào giá thương mại ở trong nước?
Chào giá thương mại ở Việt Nam không ai mua.
Làm sao ông có thể khẳng định khi chưa chào bán?
Tàu container có đặc thù riêng. Chào giá thương mại chắc chắn không ai mua.
Vinalines chỉ cần bán, còn người mua tàu mua để làm gì là việc của họ, kể cả việc rã tàu để lấy sắt vụn?
Diễn biến vụ bán tàu ở Vinalines Theo Vinalines, ba con tàu đem bán giải bản là tàu container sức chở trên 1.000 TEUs, tổng trọng tải trên 14.000 DWT, đã có tuổi khai thác trên 20 năm. Vinalines bán ba con tàu trên theo nghị định 29 của Chính phủ về “đăng ký và mua bán tàu biển” thông qua chào giá cạnh tranh. Theo đó, mỗi tổ chức, cá nhân tham gia chỉ được trả giá một lần duy nhất bằng phiếu trong hồ sơ chào giá. Công ty cổ phần An Lộc Thành (Hải Phòng) trả cao hơn giá khởi điểm của Vinalines ba tỉ đồng nên thắng thầu. Tuy nhiên, theo giấy xác nhận lập hồi 17 giờ ngày 18.10.2010 tại trụ sở của Vinalines, không có tên công ty cổ phần An Lộc Thành (thành lập ngày 8.11.2007 theo hồ sơ đăng ký kinh doanh số 0200768977 do sở Kế hoạch và đầu tư Hải Phòng cấp) trong danh sách các doanh nghiệp nộp hồ sơ chào giá cạnh tranh mua tàu. |
Đúng vậy. Tôi chắc chả ai dám sử dụng tiếp tàu này.
Vì sao Vinalines không bán tàu theo dạng thanh lý?
Tàu đang hoạt động không thể bán theo kiểu thanh lý đó được. Chúng tôi chấp nhận bán giải bản theo giá sắt vụn chứ không phải thanh lý.
Diễn biến của việc nhận hồ sơ chào hàng cạnh tranh tại trụ sở Vinalines hôm 18.10 là thế nào, thưa ông?
Tôi rất bất bình. Trong quy định về thủ tục chào giá cạnh tranh, chúng tôi nói rõ là nhận hồ sơ trực tiếp hoặc nhận qua đường công văn gửi về ban kinh doanh đối ngoại của Vinalines trước 17 giờ ngày 18.10. Thực ra thị trường mua ba con tàu này rất hẹp, chỉ loanh quanh ở Hải Phòng. Chúng tôi cũng nhận định chỉ vài doanh nghiệp là có khả năng mua thật sự, còn lại là “chân gỗ”. Vậy mà họ đã quây lại, chặn hội khác không cho tham gia.
Họ là ai và chặn như thế nào?
Chặn không cho người khác vào nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Họ đến từ rất sớm, thuê cả đầu gấu, xã hội đen doạ dẫm để người khác không đến nộp hồ sơ được. Hội này chỉ trả giá sàn nên nếu không có ai mua, họ sẽ trúng.
Ông có gì để chứng minh điều mình vừa khẳng định?
Có chứ. Cái đó tất cả cán bộ cơ quan chúng tôi đều biết hết.
Thưa ông, 21 doanh nghiệp đang khiếu nại cho rằng đơn vị trúng thầu không có tên trong danh sách chốt hồ sơ mà cán bộ Vinalines lập?
Đại diện của doanh nghiệp này đến sớm nhưng bị chặn lại. Họ phải đi cầu thang bộ lên nộp hồ sơ mà vẫn bị đuổi, bị chặn không cho nộp.
Ai chặn, ai đuổi, thưa ông?
Đấy, cái số 21 người (21 doanh nghiệp – PV). Họ thuê nhân viên, thuê đầu gấu… nên doanh nghiệp kia phải nộp hồ sơ tại văn phòng của tôi.
Tức là ở phòng họp số 2 tầng 17?
Không, tầng 16. Tầng 17 là chỗ của ban kinh doanh đối ngoại. Doanh nghiệp này trước đó đã lên tầng 17 để nộp hồ sơ nhưng bị 21 doanh nghiệp kia đuổi. Tôi bắt cán bộ của tôi lên nộp cũng bị đuổi. Nó láo thế, đóng cửa không cho nộp.
Sau đó ông chỉ đạo doanh nghiệp này nộp hồ sơ tại phòng ông ở tầng 16?
Tôi chỉ đạo nộp ở tầng 16 cho ban kinh doanh đối ngoại. Lúc đó khoảng 16 giờ 30.
Trường hợp nộp như thế này có phải là ngoại lệ không, thưa ông?
Không ngoại lệ. Tôi là người chỉ đạo việc này. Tôi là người có quyền nhận hồ sơ và tôi nhận trong giờ hành chính, trước 17 giờ. Nếu hồ sơ đó không nộp về cho ban kinh doanh đối ngoại mới là sai.
Khi thấy an ninh bất ổn, tại sao Vinalines không hoãn nhận hồ sơ?
Không thể hoãn được. Hồ sơ đã bán ra rồi. Làm vậy, những người khác họ kiện thì sao? Đây không phải là trường hợp bất khả kháng, chúng tôi vẫn làm được.
Thưa ông, có doanh nghiệp nói rằng họ đã hỏi và xác định ngoài phòng họp số 2 ở tầng 17, không có nơi nào khác nhận hồ sơ nữa?
Đấy là việc người ta bịa đặt. Không có ai dám trả lời câu đấy ngoài tôi. Cán bộ nhân viên không thể biết được.
Ông Đậu Mạnh Hùng ký biên bản xác nhận 21 doanh nghiệp nộp hồ sơ ở tầng 17 có biết một doanh nghiệp khác nộp hồ sơ ở tầng 16 và hồ sơ ấy đã thắng giá chào hàng không, thưa ông?
Theo quy định, doanh nghiệp tham gia gửi hồ sơ về ban kinh doanh đối ngoại. Anh Hùng chỉ là cán bộ cấp dưới, làm sao biết được.
Theo ông, doanh nghiệp mua ba con tàu này có cần có chức năng mua bán tàu cũ không?
Chả cần. Người ta mua xong, nếu không quản lý được thì bán cho người khác.
Vậy doanh nghiệp thắng trong việc chào giá cạnh tranh mua tàu có báo cáo tài chính các năm 2007, 2008, 2009 không?
Trong hồ sơ xem xét người ta phải có đủ điều kiện. Nghị định 29/2009/NĐ-CP cho phép tư nhân cũng mua được, tư nhân thì làm gì có báo cáo tài chính.
Vinalines quy định thủ tục chào hàng cạnh tranh ba con tàu này, cụ thể, ở điểm 3.1 ghi: “Hồ sơ chào giá hợp lệ bao gồm báo cáo năng lực tài chính của đơn vị chào giá trong các năm 2007, 2008 và 2009”. Nếu 21 doanh nghiệp kia chứng minh được doanh nghiệp đã thắng trong cuộc chào giá cạnh tranh không có báo cáo tài chính năm 2007, nghĩa là họ vi phạm quy định, thì kết quả có được xem xét lại?
Không. Tôi không xét lại. Họ không có quyền kiện chúng tôi. Tiền đặt cọc họ đã lấy lại và họ đã chấp nhận thua đấu giá. Cũng chả có quy định nào bắt buộc công ty phải thành lập từ năm 2005, 2006 cả.
Nhưng chính Vinalines quy định điều đó bằng văn bản như là tiêu chí xem xét hồ sơ hợp lệ?
Tôi đưa ra như vậy nghĩa là doanh nghiệp có báo cáo tài chính năm nào thì đưa tôi năm đó trong các năm 2007, 2008, 2009. Tư nhân thì chả cần có báo cáo tài chính. Miễn là có tiền.
( Theo QUỐC DŨNG // Báo SG Tiếp Thị Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com