Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ai "chủ yếu", ai "chủ đạo"?

Trong khi doanh nghiệp nhà nước chưa chứng minh được vai trò chủ đạo, nhiều người lại nhìn sang khu vực doanh nghiệp tư nhân với hi vọng, đây sẽ là động lực cho nền kinh tế.
 
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh và một số đồng sự từng kề vai sát cánh để soạn thảo Luật Doanh nghiệp, một bộ luật mang tính cách mạng trong nền kinh tế Việt Nam cách đây 12 năm, đang có một ý tưởng "lạ". Họ đang vận động để khu vực kinh tế tư nhân được coi là "động lực chủ yếu" cho tăng trưởng kinh tế.

Sự yếu kém bất ngờ của doanh nghiệp tư nhân

Động thái của một số những nhà nghiên cứu kinh tế tên tuổi liệu có tạo ra thay đổi tư duy của các nhà quản lý, trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp nhà nước đã không chứng tỏ được vai trò chủ đạo và bị coi là một trong những nguyên nhân chính làm kinh tế rơi vào bất ổn vĩ mô do đầu tư kém hiệu quả? Ở một chừng mực nhất định, ý tưởng nói trên nhận được sự đồng cảm của cơ quan lập pháp. Trong một tài liệu được chuyển cho các vị đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 3 vừa kết thúc, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã ghi nhận quan điểm này. Bằng cách nêu lại quan điểm của nhóm chuyên gia, báo cáo cho rằng, cần coi khu vực kinh tế tư nhân là "động lực chủ yếu" hay "động lực quan trọng" của tăng trưởng kinh tế, đã gián tiếp ủng hộ cho ý tưởng nói trên.

Câu hỏi đặt ra là: liệu khu vực doanh nghiệp tư nhân mới được thừa nhận trở lại trong gần hai thập kỷ qua có sức khỏe thế nào để gánh váng được sứ mệnh này? Có vẻ, họ không được sung sức sau những trồi sụt suốt 5 năm qua của nền kinh tế và tệ hơn nữa là sự phân biệt đối xử trong kinh doanh. Trong bảng xếp hạng VNR500, các doanh nghiệp tư nhân lớn tiếp tục đứng đội sổ về hiệu quả kinh doanh, thấp hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp nhà nước. Sự yếu kém bất ngờ này của các doanh nghiệp tư nhân lớn có thể xuất phát từ nguyên nhân các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, vốn và thị trường trước áp lực cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, cũng như các doanh nghiệp xuyên quốc gia tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu của TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn thuộc diện siêu nhỏ. Vậy nên, không phải không có lý khi đặt ra một câu hỏi phản biện: Liệu khu vực kinh tế tư nhân này với sức khỏe như trên, có đảm đương được sứ mệnh mà họ được kỳ vọng sẽ gánh vác?

Căn bệnh đã trầm kha của doanh nghiệp nhà nước

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang chiếm giữ một nguồn lực rất lớn của nền kinh tế, nhưng hoạt động lại không hiệu quả. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng và 70% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại, 70% vốn ODA… Mặc dù vậy, sự đóng góp cho nền kinh tế hoàn toàn không tương xứng với những ưu ái trên. Hàng năm, các doanh nghiệp nhà nước mà nòng cốt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, chỉ đóng góp khoảng 35% GDP của cả nước, tạo ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu) - theo Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hàng năm có khoảng 12% doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ trong sản xuất kinh doanh và mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước lại cao hơn 12 lần so với các doanh nghiệp khu vực khác. Chỉ tiêu hệ số thu nhập trên tài sản và hệ số thu nhập vốn cổ phần của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 20,8%, thấp hơn nhiều so với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng thương mại. Đặc biệt, có đến 80% tổng số lợi nhuận trước thuế đến từ 4 tập đoàn: dầu khí, viễn thông quân đội, bưu chính viễn thông và cao su. Nghĩa là ở các tập đoàn, tổng công ty còn lại, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu còn thấp hơn nữa.

Doanh nghiệp nhà nước chiếm vị trí độc quyền hoặc gần như độc quyền ở nhiều lĩnh vực, không chịu áp lực cạnh tranh và do vậy kém hiệu quả. Và đó là một trong các nguyên nhân của bất ổn vĩ mô chứ không phải là công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ ổn định giá làm cho giá cả thị trường của các sản phẩm có liên quan bị bóp méo, khiến việc phân bổ và sử dụng nguồn lực trở nên bất hợp lý và kém hiệu quả. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp giá cả sau một thời gian bị "dồn nén" dẫn đến thua lỗ hoặc trợ cấp, bao cấp chéo lớn đến mức không thể tiếp tục "nén" được nữa thì phải bung ra. Điều đó tạo ra cú sốc lớn trong nền kinh tế, làm cho kinh tế vĩ mô vốn đã bất ổn, dễ bị tổn thương càng trở nên bất ổn và tổn thương hơn. Thực tiễn quản lý giá điện và xăng dầu ở nước ta trong thời gian qua là minh chứng đặc trưng cho những lý giải nói trên.

Những số liệu như trên cho thấy, một bức tranh đầy ảm đạm về sức khỏe của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân, lẫn doanh nghiệp nhà nước. Trong khi doanh nghiệp tư nhân vẫn còn non trẻ, èo uột thì doanh nghiệp nhà nước tỏ ra không thể gánh vác được vai trò chủ đạo mà họ được giao phó. Nhưng ít nhất, đề xuất của ông Doanh và các vị chuyên gia cho thấy một động lực mới mà khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể mang lại cho nền kinh tế đã rơi vào suy giảm hiện nay, động lực mà họ đã từng tạo ra khi giúp Việt Nam vượt qua tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực gần 15 năm trước. Vấn đề là ở chỗ, ý tưởng đó có nhận được sự ủng hộ hay không.
 

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội trình Quốc hội khóa 3 có đoạn: "Đổi mới tư duy về vai trò "động lực" của khu vực kinh tế tư nhân sẽ có ý nghĩa rất quan trọng góp phần làm thay đổi tư duy trong thiết kế và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ, tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng tới các nguồn lực phát triển quốc gia, thiết lập một môi trường kinh doanh bình đẳng để buộc các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác theo đúng cơ chế thị trường".

Theo số liệu Tổng cục Thống kê và Tổng cục Thuế, có khoảng 300 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay. Trong số đó có đến 95% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, lần lượt là 1,9% và 2,5%. Còn xét theo hình thức sở hữu, có đến hơn 96% các doanh nghiệp Việt Nam được coi như thuộc khu vực ngoài nhà nước. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,5% và khu vực kinh tế nhà nước chỉ chiếm 1,15% trong tổng số doanh nghiệp.

(Theo doanh nhân)

  • Petrolimex phản hồi nghi án dùng thủ thuật để tránh thuế
  • Gần 100 nghìn doanh nghiệp “không xác minh được”
  • TKV muốn thoái vốn toàn bộ tại các công ty liên kết
  • Kinh tế khó khăn, tiền vẫn đổ vào quảng cáo
  • CEO trong vòng xoáy đi - ở
  • Trung tâm thương mại cố giữ khách
  • Tập đoàn Cao su sẽ thoái 100% vốn ở 40 công ty
  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ lo bảo vệ dữ liệu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao