Khắp mọi nẻo đường, khắp mọi ngôi nhà ở các vị trí đắc địa tại TP HCM, đâu đâu cũng có quảng cáo.
Vô thiên lủng mọi thứ từ đồ dùng vệ sinh chị em đến nước rửa chén bát, từ cô gái hở ngực hở rốn đến chiếc ô tô nhả khói, cái bánh ngọt mời gọi... ngự trị khắp nơi nơi. Hết ngã ba, ngã tư, quảng cáo còn chui cả vào học đường, "đè" cả các trường học con trẻ.
Ra ngõ đụng bảng biển
Dạo quanh một vòng Ngã tư Hàng Xanh (Bình Thạnh), quang cảnh các bảng hiệu, băng rôn quảng cáo treo trên các tòa nhà với đủ kiểu dáng khiến nhiều người không khỏi choáng ngợp. Đập vào mắt người đi đường là tấm bảng quảng cáo lớn của hãng SYM với mặt hàng xe Attila kèm... một cô gái xinh tươi, thời trang. Bên cạnh chiếc xe và cô gái tân thời là sản phẩm xúc xích dinh dưỡng dành cho giới trẻ. Chen vai thích cánh là tên tuổi các ngân hàng như Daiabank; BaoViet bank... Đối diện góc bên kia ngã tư, là một loạt hình ảnh các trung tâm ngoại ngữ, các sản phẩm bia rượu... án ngữ. Mỗi một ngôi nhà gánh trên vai mình một hoặc nhiều tấm bảng quảng cáo. Quảng cáo vây kín toàn bộ mặt tiền nhà, chỉ chừa có mỗi cánh cửa ra vào mà thôi.
Anh Phạm Minh Phước, người dân gần Ngã tư Hàng Xanh cho biết: "Chỉ cần một tấm bảng quảng cáo treo trên tường ngôi nhà, mỗi năm chủ nhà bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Nếu nhân lên theo số năm thì khoản thu quả là hấp dẫn, nên họ sẵn sàng bán ngay không gian dành cho quảng cáo. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp kinh doanh thì so với việc quảng cáo trên báo đài, ti-vi phải trả hàng triệu đồng/giây thì đăng quảng cáo thông qua bảng dù số tiền thuê không gian không nhỏ nhưng được ngự trị lâu dài, người đi đường biết đến có khi còn thuộc lòng".
Các bảng quảng cáo “ngự trị” tại một góc Ngã tư Hàng Xanh (Q. Bình Thạnh). |
Trường học cũng không tha
TP Hồ Chí Minh hiện có trên 1.500 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông và đây cũng chính là mảnh đất mầu mỡ của quảng cáo tấm lớn. Trước cổng Trường tiểu học Hồng Hà (Bình Thạnh) và một số trường học khác, bên cạnh những dòng chữ "Cổng trường em xanh sạch đẹp..." lại treo kèm hình ảnh... chiếc bánh Cream-O. Loại hình quảng cáo ở các trường học khá đa dạng song tập trung chủ yếu ở phân khúc bánh kẹo, sữa hay các khóa rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, các khóa ôn thi đặc biệt, các trung tâm ngoại ngữ. Nào là Trung tâm ngoại ngữ Đông Du; Tân văn; Hoa Văn; Thương Mại, EMG Education (Your Bridge To International success)...
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP.HCM) tỏ sự bức xúc: "Hiện nay, các nhãn hàng PR, quảng cáo rất tinh vi. Đơn cử những hãng bánh kẹo, nước uống, bằng cách tài trợ cho mỗi trường một vài cái bảng để nhà trường làm bảng tin trong, ngoài trường theo đó bên trên bảng sẽ ghi tên công ty, hình ảnh nhãn hàng... Tôi không hiểu tại sao nhiều trường lại có thể dễ dàng tiếp nhận điều này. Bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan trường học".
Thực tại cho thấy, chưa bao giờ tại TP HCM lại rộ quảng cáo đến vậy. Chẳng riêng Hàng Xanh, đi khắp thành phố từ ngoài đường cho đến trong trường học, quảng cáo hiện diện khắp nơi. Theo thống kê của Sở VH, TT&DL TP.HCM thì trong 5 năm qua, sở đã cấp hơn 22.500 giấy phép thực hiện quảng cáo ngoài trời cho các cơ sở, doanh nghiệp. Thế nhưng nhìn toàn diện thành phố, đi đến đâu cũng gặp quảng cáo thì con số trái phép quả không nhỏ. Đấy là chưa kể, dọc các con đường, các bảng quảng cáo di động bày khắp vỉa hè. Thậm chí, trên các cột đèn, cây xanh, quảng cáo cũng ngự trị từ bảng vuông cho đến các loại băng rôn căng, buộc ngổn ngang. Chưa kể, quảng cáo còn biến tướng thành tờ rơi, tờ bướm dán khắp cột đèn, cột điện với nội dung quảng cáo từ trung tâm gia sư, nhận dạy kèm, đến rút hầm cầu...
Vô tư vi phạm
Quyết định 39/2009/QĐ-UBND về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố của UBND TP HCM quy định biển quảng cáo thuộc trục đường xa lộ thì chỉ đặt trên đất trống và cách nhà dân trên 20m, kích thước tối đa của một biển hiệu quảng cáo là 1,2mx8m... Tuy nhiên, nhìn vào các bảng biển quảng cáo đặt ở khắp nơi trong thành phố cho thấy các đơn vị quảng cáo không tuân thủ, chấp hành một khuôn mẫu, một nguyên tắc nào cả. Riêng khu vực Ngã tư Hàng Xanh, nổi bật lên đó là màu đỏ rực của các trung tâm ngoại ngữ, diện tích mỗi bảng to hơn hơn rất nhiều so với quy định.
Không chỉ kích cỡ vượt rào, để thu hút sự chú ý người đi đường, không ít đơn vị quảng cáo bất chấp quy định, đưa những hình ảnh khá nhạy cảm khiến nhiều người dân bức xúc. Đơn cử, bộ lịch quảng cáo cho một hãng nước giải khát với hình ảnh ba cô người mẫu ăn mặc hở hang bị nhiều người cho là phản cảm, mất tính thẩm mỹ, "nhức mắt" người dân. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở VH, TT&DL TP.HCM cho biết: "Quy định đã đưa ra nhưng nhiều đơn vị vẫn vô tư vi phạm về ma-ket, nội dung, hình ảnh, thậm chí cả nhiều câu chữ. Mặc dù trước khi quảng cáo đã được Sở kiểm duyệt, nhưng ra đến thị trường lại khác đi".
Đối với quảng cáo trong môi trường học đường, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết Sở không trực tiếp quản lý việc đưa ra quyết định cho phép treo các bảng hiệu, băng rôn quảng cáo, nhưng điều đó không có nghĩa cho phép các trường học tham gia quảng cáo một cách tự do. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết đối với các trung tâm ngoại ngữ thường hợp đồng, mở trung tâm đăng ký, tiếp nhận học sinh ngay trong trường, sau đó mua ngay không gian trước cổng trường để quảng cáo, giới thiệu nội dung, chương trình giảng dạy đến phụ huynh.
(Theo Giadinh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com