Các căn biệt thự tại dự án Hayatt Đà Nẵng có giá lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng chủ đầu tư đã bán thành công 90%. |
Cùng với sự trầm lắng chung của thị trường bất động sản, phân khúc nghỉ dưỡng cũng đã và đang có những khó khăn nhất định do sự kén chọn của khách hàng ngày càng khắt khe hơn.
Tuy nhiên, không vì thế mà các chủ đầu tư trong phân khúc này “gục ngã” một cách nhanh chóng nếu như họ lựa chọn cho mình một chiến lược đầu tư đúng, cùng với đó là một địa điểm, vị trí đầu tư phù hợp với xu hướng tiêu dùng chung của khách hàng.
Sơn cước hụt hơi
Theo khảo sát của nhiều công ty nghiên cứu bất động sản, khi lựa chọn về ngôi nhà thứ hai, không ít khách hàng và giới đầu tư tỏ rõ sự ưu ái đối với những dự án ven biển khi mà họ không thể tìm thấy niềm vui hay một cảm giác thoải mái với các khu nghỉ dưỡng ở trên núi hay ven đô, hoặc những dự án nghỉ dưỡng được đầu tư dở dang do chủ đầu tư khó khăn về kinh tế.
Chia sẻ trên diễn đàn bất động sản, một doanh nhân ở Hà Nội cho biết: “trên thực tế, trong du lịch nghỉ dưỡng, hầu hết mọi người đều có xu hướng và tâm lý thích biển hơn là rừng núi. Chính vì thế, với những nhà đầu tư bất động sản hay những người có điều kiện, họ sẽ ưu tiên lựa chọn biệt thự nghỉ dưỡng ở ven biển hơn là các khu sơn cước ven đô”.
Nhận định của vị thương gia trên không phải là không có cơ sở, khi chính đại diện của chủ đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các vùng ven Hà Nội như Ba Vì, Lương Sơn… đều thừa nhận là họ đang gặp vô vàn khó khăn vì thanh khoản đầu ra sụt giảm nhanh chóng. Ngoại trừ chủ đầu tư dự án Flamingo Đại Lải hiện vẫn được xem là “sống khỏe” do có được lợi thế với một diện tích hồ mặt nước lên tới hơn 500 ha ngay trung tâm dự án, còn lại các doanh nghiệp như Archi Land, INT, Thăng Long Xanh… hiện đều cảm thấy như bị hụt hơi trong cuộc cạnh tranh với các dự án ven biển.
Thậm chí một doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng có tiếng với hàng loạt dự án tại Ba Vì vừa qua cũng đã phải đối mặt với một làn sóng “nhảy việc” khi khá nhiều nhân viên của công ty này do khó khăn về thu nhập đã quyết định dứt áo ra đi tìm bến đỗ mới. Đáng chú ý, thông tin cập nhật về tiến độ tại các dự án nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội, Hòa Bình… cũng thưa dần trên mặt báo.
Phó giám đốc một doanh nghiệp “con” của Tổng công ty Sông Hồng cho hay, theo kế hoạch doanh nghiệp này sẽ khởi công hạ tầng và các hạng mục cần thiết cho hai dự án nghỉ dưỡng tại Lương Sơn (Hòa Bình) vào đầu tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính cộng với triển vọng của thị trường không mấy sáng sủa, doanh nghiệp này đã quyết định hoãn vô thời hạn việc khởi công dự án nói trên.
Ngoài lý do sở thích nói trên, một nguyên nhân khiến khách hàng và giới đầu tư cảm thấy yên tâm hơn khi chọn phân khúc nghỉ dưỡng ven biển là tiến độ các dự án. Hiện hầu hết các dự án nghỉ dưỡng ven biển như Hayatt Regency Danang (Đà Nẵng), Cát Bà Amatina (Hải Phòng), Vinpearl (Nha Trang)… phần lớn đều đã được chủ đầu tư hoàn tất dự án. Trong khi đó, nhiều dự án nghỉ dưỡng ven đô Hà Nội dù giá bán đang được chủ đầu tư giảm liên tục từ 5 triệu đồng/m2 năm 2011 xuống còn 3,5 triệu đồng, rồi 2 triệu đồng/m2 như hiện nay song phần lớn lại đều chỉ là những khu vườn không trên núi.
Biển vẫn thắng thế
Trái ngược với sự thê thảm của các dự án nghỉ dưỡng miền sơn cước, một số chủ dự án nghỉ dưỡng ven biển hiện đang khẳng định sự tự tin của mình thông qua tính thanh khoản của dự án. Tại dự án Hayatt Regency Danang (do Indochina Land làm chủ đầu tư), hiện giá căn hộ thấp nhất được chủ đầu tư công bố là khoảng 7,5 tỷ đồng/căn, còn biệt thự là hơn 28 tỷ đồng/căn. Nếu so với mức giá biệt thự nghỉ dưỡng tại các vùng ven Hà Nội, mức giá một căn biệt thự tại Hayatt Regency Danang tương đương khoảng 5 - 7 căn biệt thự tại các khu vực đó.
Giá đắt như vậy, song theo ông Michael Piro, Giám đốc điều hành của Vietnam Sotheby’s International Realty (đại diện bán hàng của dự án Hyatt Regency Danang Residences), hiện đơn vị này đã bán được 90% lượng biệt thự tại dự án. Riêng số lượng căn biệt thự có diện tích nhỏ đã được bán hết từ đầu năm nay. Do đó, với khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, biệt thự có diện tích nhỏ tại dự án này hiện buộc phải mua lại của nhà đầu tư thứ cấp với giá đắt hơn giá chủ đầu tư đã bán ra khoảng 20%.
Cũng theo ông Piro, hiện có rất ít khách hàng đã mua căn hộ, biệt thự tại dự án này có ý định bán lại, ngoại trừ một số nhà đầu tư có chủ định bán để mua những căn lớn hơn hoặc tối ưu hóa lợi nhuận nhờ sự chênh lệch giá từ thời điểm khởi bán năm 2009. Dự kiến ngày 1 - 2/9 tới đây, Indochina Land sẽ ra mắt những căn hộ đã hoàn thiện của tòa tháp D thuộc dự án này.
Trao đổi với VnEconomy, ông Trần Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex-ITC), cho hay những năm trước đây, nhu cầu về nhà ở, văn phòng rất nóng, cho nên nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư vào mảng này, nhà đầu tư thứ cấp cũng vậy. Vào thời điểm ấy, du lịch nước ta phát triển còn chậm, nếu xây dựng các khu nghỉ dưỡng du lịch cao cấp mà không kéo được khách thì sẽ là thảm họa.
Hiện nay tình hình đã thay đổi, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, số người giàu ngày càng nhiều lên và kéo theo là nhu cầu được sở hữu bất động sản du lịch, vừa là nơi nghỉ dưỡng lại vừa có thể kinh doanh lâu dài. Do thị trường Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu nên cơ hội còn rộng mở cho nhiều nhà đầu tư, nhưng do vốn đổ vào một dự án có tầm quốc tế quá lớn, nên rất ít đơn vị làm được.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro, nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ các yếu tố như: quy mô dự án ở mức độ nào, có đảm bảo được sự phát triển bền vững? Năng lực của chủ đầu tư ra sao, bởi nhiều dự án công bố có giá trị đầu tư lớn nhưng thực tế không phải như vậy. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải nhìn vào bối cảnh chung, như điều kiện phát triển của khu du lịch qua từng năm và so sánh với các địa danh khác.
Lý thuyết là như vậy, nhưng theo ông Quang, không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng đánh giá và lựa chọn tốt, cho nên sự hấp dẫn của bất động sản du lịch chính là dành cho các nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược. 4 năm trước, sau khi cân nhắc các vị trí đầu tư “lên núi” hay “xuống biển”, doanh nghiệp này đã quyết định chọn biển là đích đến cho các dự án của mình. Kết quả mà doanh nghiệp này có được đến thời điểm này là gần 200 lô biệt thự ở khu Tùng Thu, Marina Bay Villas và Bazaar Avenue Villas của dự án Cát Bà Amatina đã có chủ.
Thậm chí, theo tìm hiểu của VnEconomy, cũng giống như chủ dự án Flamingo Đại Lải tăng giá bán biệt thự 200 triệu đồng/căn vào đầu tháng 6 vừa qua, dự kiến sắp tới, Indochina Land sẽ điều chỉnh tăng giá bán đối với tất cả các căn hộ, biệt thự còn lại tại dự án Hayatt Danang do những tính toán vì trượt giá và nhu cầu của khách hàng tăng cao. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể bao nhiêu hiện vẫn chưa được chủ đầu tư tiết lộ.
Ngoài ra, theo khảo sát của một công ty nghiên cứu, tiếp thị bất động sản thì phần lớn khách hàng, nhà đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng hiện nay đến từ Hà Nội. Chính lượng khách tiềm năng này đã khiến cho phân khúc bất động sản tại Đà Nẵng, Nha Trang…“sống khỏe” với khoảng 80% khách hàng mang hộ khẩu Hà Nội. Phần lớn khách hàng đều khẳng định, họ thích môi trường, không khí tại những thành phố biển miền Trung này.
Khảo sát của doanh nghiệp này cũng cho thấy, tính đến hết quý 2/2012, có đến gần 40% căn hộ hạng sang tại Đà Nẵng đã có chủ. Tất nhiên là có nguyên nhân từ việc đa phần các dự án thuộc phân khúc này đã được chào bán suốt từ năm 2010 đến nay nên có thời gian bán tương đối dài so với các dự án mới của hạng khác.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com