Cơ sở hạ tầng yếu kém của Hà Nội là một trong những cản ngại đối với công việc kinh doanh của Canon hiện nay |
Một doanh nghiệp có vốn nước ngoài bỗng nhiên bị thúc nộp hàng tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng chỉ vì “Hà Tây nay đã về Hà Nội”. Đó là một ví dụ nhỏ khiến Hà Nội mất điểm về môi trường kinh doanh.
Chính sách bất nhất, thủ tục rườm rà
Theo đại diện một công ty có vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất các sản phẩm cho ngành y tế đóng tại cụm công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai), công ty này đang “choáng váng” vì bị yêu cầu đóng thuế đất và bồi thường giải phóng mặt bằng, mặc dù khi làm thủ tục đăng ký đầu tư vào Thanh Oai (lúc đó thuộc tỉnh Hà Tây cũ), công ty được trả lời không phải trả tiền đền bù giải phóng, bồi thường mặt bằng cho người dân. Tuy nhiên, khi Thanh Oai được hợp nhất về Hà Nội thì chính sách thay đổi, khiến cho thực tế trở nên khác biệt rất lớn với những tính toán kinh doanh ban đầu.
Bên cạnh đó - hoàn toàn không bất ngờ - những lời phàn nàn về thủ tục hành chính rườm rà vẫn là “âm hưởng chủ đạo” trong phát biểu của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tuấn Khải - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Quốc tế và ông Nguyễn Minh Khang - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 ghi nhận, Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính đang phát huy hiệu quả tại các bộ ngành trung ương và Hà Nội. “Nhưng những thủ tục liên quan đến thuế, điều kiện thanh toán với hải quan còn rườm rà lắm”, ông Khang “than”. Vị Phó Tổng đưa ra một ví dụ: Tổng công ty cổ phần May 10 có trường mầm non với hơn 400 trẻ, có cơ sở y tế với hơn 10 giường bệnh và trường đào tạo nghề cho lao động đạt tiêu chuẩn, đã được miễn thuế nhiều năm nay, nhưng năm nào đơn vị cũng phải làm đơn với cơ quan chức năng để được xét lại.
Hạ tầng kém!
Một lợi thế không thể phủ nhận của Thủ đô là cơ sở hạ tầng tốt hơn hẳn các tỉnh lân cận, hay nói như Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, nhiều tỉnh bạn “thèm” lợi thế của Hà Nội về mặt này. Vậy mà cơ sở hạ tầng thiếu thốn lại chính là nỗi bức xúc của ông Sachio Kageyama, Tổng giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, đóng tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh).
Vị Tổng giám đốc người Nhật nói, công ty ông đã bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh tốt vì thiếu nhân lực. Và một trong những lý do khiến doanh nghiệp không thể thu hút nguồn nhân lực tốt và ổn định là khu vực không có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho đời sống của người công nhân như đường sá, chợ và nhất là nhà ở. Và mặc dù không phải là vấn đề của riêng Hà Nội, ông kiến nghị đầu tư khai thác thêm nhiều nguồn điện khác (ngoài nhiệt điện và thủy điện), nhằm đảm bảo điện phục vụ sản xuất.“Do phụ thuộc nhiều vào thủy điện, mỗi năm có tới vài tháng cao điểm tình trạng mất điện xảy ra khá thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao, dây chuyền được tự động hóa và đòi hỏi độ chính xác lớn”, ông Sachio Kageyama phân tích. Công nghiệp phụ trợ (hầu như chưa có gì) rất cần được chú trọng đầu tư cũng là luận điểm được nhà đầu tư kiên trì nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là tuy vẫn có doanh nghiệp kiến nghị thành phố tạo điều kiện cho thuê thêm mặt bằng để mở rộng sản xuất, nhưng đây không trở thành nỗi bức xúc gay gắt nhất như một vài năm trước đây.
Chính quyền và doanh nghiệp cùng phải “tăng tốc”
Đáp lời các doanh nghiệp, người đứng đầu chính quyền thành phố đã có thái độ khá thẳng thắn. Ông công nhận, cơ chế của Hà Nội còn chậm đổi mới, thực tế vẫn còn không ít trường hợp phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp. Độ nhạy kém và thái độ né tránh trách nhiệm được biện hộ là “thận trọng” của một số cơ quan ban ngành thành phố cũng là một hiện trạng đang gây tắc nghẽn lộ trình phát triển. Chủ tịch thành phố hứa, tới đây thành phố sẽ tiếp tục rà soát lại cơ chế, chính sách, nhất là những gì liên quan đến môi trường kinh doanh để khắc phục những yếu kém, thúc đẩy phát triển. Thành phố sẽ luôn lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp cũng như từ mọi người dân cả nước nói chung để hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách của thủ đô.
Nhưng không phải bản thân các doanh nghiệp cũng không có những nhược điểm cốt tử. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đưa ra dẫn chứng, một khi xảy ra khủng hoảng, các “cơ thể lớn” thường chịu nhiều va đập hơn, nhưng năm 2009, GDP của TPHCM vẫn tăng trưởng trên 7%, trong khi Hà Nội chỉ 6,7%. Quả thực, trong 3-5 năm gần đây, Hà Nội không có thêm nhiều doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh mà “quanh quẩn mãi vẫn vài ba dáng điệu” - như TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội có lần nói vui. Một số liệu đáng lưu ý khác được Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường nêu ra cũng cho thấy phần nào sự thiếu năng động, ít sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm mới, sức hút mới của các doanh nghiệp Thủ đô: trong quý I vừa qua, Hà Nội là địa phương duy nhất có lượng khách quốc tế đến tham quan giảm (Hà Nội giảm 7%, cả nước tăng 36%). Trong khi đó, cần lưu ý rằng, năm 2010 là năm Đại lễ và rất nhiều sự kiện lớn được tổ chức tại thành phố.
Chi phí cơ hội đáng bao tiền? Chủ đầu tư dự án Khách sạn Novotel Hanoi on the Park (trước đây có tên SAS Royal) mới đây đã có công văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội cấp thêm đất để “đền bù” cho những thiệt hại từ việc không được xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất. Theo phân tích của chủ đầu tư, “thiệt hại” trong việc không được xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất lên tới gần 80 triệu USD. Cụ thể, các thiệt hại bao gồm: vốn góp bằng tiền mặt: 8,4 triệu USD; vốn vay: 4,536 triệu USD; khoản vay bổ sung: 220 ngàn USD; phải trả cho nhà thầu và công ty tư vấn: 1,57 triệu USD; chi phí phát sinh từ ngày 1/5/2009: 1,198 triệu USD. Đáng lưu ý hơn cả là “chi phí cơ hội”: 63,756 triệu USD. Chủ đầu tư đề nghị TP Hà Nội, ngoài việc cấp hơn 7.600 m2 đất tại Lò Đúc, cấp thêm cho họ một lô đất khác rộng 25 ngàn m2 trên đường Phạm Hùng (nơi dự kiến xây Nhà hát Thăng Long). Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết sẽ mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để có thêm cơ sở đưa ra quyết định thỏa đáng. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ chưa đồng tình, cả với cách tính toán lẫn phương thức đền bù bằng hai lô đất như đề nghị. |
(Theo Bình An // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com