Tiền lương trong khối doanh nghiệp nhà nước mang nặng tính bình quân chủ nghĩa, do bội số tiền lương thấp. Ảnh: Hà Thanh |
Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, Đề án đã đưa ra nhiều biện pháp khá tốt, nhằm cải cách hiệu quả hơn những bất cập. Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương nhà nước cũng vừa có cuộc họp quan trọng để thảo luận về Đề án.
Theo nghiên cứu chuyên sâu của Công ty Tư vấn Macconsult, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân có được chính sách tiền lương hết sức thị trường, bài bản và linh hoạt, thì chính sách tiền lương của các doanh nghiệp nhà nước còn quá nhiều bất cập, gây không ít khó khăn trong việc thu hút, lưu giữ và phát triển nguồn nhân lực. Tiền lương trong khối doanh nghiệp nhà nước mang nặng tính bình quân chủ nghĩa, do bội số tiền lương thấp. Kể cả khi nhiều doanh nghiệp đã tự khắc phục bằng hệ số lương “mềm” hay “lương kinh doanh”, thì về cơ bản, thang lương được xây dựng vẫn không dựa trên đánh giá giá trị công việc, mà dựa trên thâm niên và bằng cấp. Do vậy, dẫn đến tiền lương còn cào bằng giữa lao động quản lý và nhân viên, giữa công việc phức tạp và giản đơn. Điều này phản ánh chưa đúng quan hệ lao động, tiền lương, làm giảm hiệu quả làm việc và là nguyên nhân của hiện tượng chảy máu chất xám.
Nhằm tiến sát hơn với tiền lương thị trường và phù hợp hơn với từng chức vụ, trách nhiệm, Đề án đưa ra phương án sẽ ban hành bảng lương mới. Trong đó, mỗi chức danh chỉ quy định một bậc lương để xếp lương phân biệt theo vị trí, còn lương thực lĩnh phải phụ thuộc vào kết quả điều hành hoạt động của từng năm, hay nhiệm kỳ theo cơ chế tiền lương, tiền thưởng.
Đối với người lao động, Đề án đề cho phép doanh nghiệp nhà nước tự xác định tiền lương gắn với các điều kiện cụ thể như: mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân. Trong đó, năng suất lao động tăng 1% thì tiền lương được tăng tối đa 0,6%, nếu năng suất tính theo giá trị và tối đa 0,8%, nếu năng suất tính theo hiện vật...
Như đã nói, theo đánh giá của bà Minh, các phương pháp tính mới đã đưa tiền lương trong DNNN tiến gần hơn tới lương thị trường. Tuy nhiên, bà Minh lại tỏ ra quan ngại khi lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái, xăng dầu, điện, than đều tăng. Vì vậy, Đề án cải cách tiền lương trong khối DNNN, mà cả việc tăng lương tối thiểu theo lộ trình hàng năm ở khối hành chính sự nghiệp từ ngày 1/5/2011, khó tạo ngay được sự thay đổi.
Phân tích nhận xét trên, bà Minh cho biết, chỉ số CPI đang ở mức cao, nên đồng nội tệ mất giá nhanh, khiến việc huy động vốn của ngân hàng gặp khó khăn. Để tạo sức hút, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, đồng nghĩa với việc tăng lãi suất cho vay, hiện đã lên tới 17-18%/năm.
Trong khi đó, việc tăng lương của DN phải dựa trên hiệu quả sản xuất - kinh doanh, DN làm ăn không hiệu quả đồng nghĩa với việc chưa thể điều chỉnh tăng lương theo thị trường. Đấy là chưa kể năng suất lao động của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, DNNN nói riêng còn rất thấp. Nếu không nâng cao được năng suất lao động, doanh nghiệp lại phải chịu thêm gánh nặng kép của việc tăng lương là rất khó khăn. Nếu không có biện pháp cứu cánh hiệu quả, nhiều doanh nghiệp có thể phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới cắt giảm việc làm. “Để cải cách tiền lương hiệu quả, bắt buộc phải đi cùng với việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cũng như các chính sách vĩ mô hợp lý”, bà Minh khẳng định.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com