Nhiều dự án điện cũng khát vốn. Ảnh: Hoài Nam |
Ban Tài chính – Kế toán của EVN cũng cho biết, sẽ có 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được EVN phát hành trong đợt đầu vào ít ngày tới và 3.000 tỷ đồng sẽ được phát hành trong thời gian sau. Tuy nhiên, ông Mai Quốc Hội, Kế toán trưởng EVN cho hay, 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành đợt đầu chỉ đủ bù lại các khoản chi từ năm ngoái cho các dự án (đang đầu tư) mà EVN đã phải ứng trước từ nguồn vốn sản xuất của mình khi việc giải ngân vốn cho các dự án này gặp khó khăn, dù chủ đầu tư đã có đầy đủ hồ sơ.
Trước đó, tại báo cáo kiểm tra các dự án nguồn điện thuộc Quy hoạch điện VI đang được đầu tư của Bộ Công thương đưa ra vào tháng 11/2009 cũng đã chỉ ra rằng, thực trạng vốn huy động cho các dự án điện từ các chủ đầu tư nói chung rất khó khăn.
Theo báo cáo này, các dự án như Hải Phòng II, Quảng Ninh II,Vũng Áng I, Nhơn Trạch II, Hủa Na, Đắk Rinh, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 vẫn chưa thu xếp được hoặc chưa đủ nguồn vốn. Ngoài ra, tình hình giải ngân vốn từ quý IV/2009 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại trong nước cho hầu hết các dự án đều bị chậm. Với nhiều dự án điện ở khu vực Tây Nguyên như Buôn Kuop, Đồng Nai 3, Serepok 3 hay Buôn Tua Srah dù đã ở vào giai đoạn hoàn tất xây dựng nhưng cũng gặp khó khăn trong việc giải ngân nốt các phần vốn còn lại theo các hợp đồng tín dụng đã được ký kết trước đó.
Còn hiện nay, không chỉ phải đối mặt với tình trạng giải ngân nhỏ giọt, chưa cải thiện được nhiều ở nhiều dự án đang triển khai dở dang hay khó thu xếp cho các dự án mới, đang chuẩn bị triển khai, EVN còn phải đối mặt với đề nghị của các tổ chức tín dụng trong nước về việc nâng lãi suất cho vay lên mức 14-15%, cao hơn trước.
Năm 2010, theo dự kiến, EVN thu về từ khoản khấu hao khoảng 5.000 tỷ đồng và từ cổ phần hóa thêm khoảng 1.000 tỷ đồng nữa. Nhưng khoản thu này cũng được ông Hội cho hay là “chỉ đủ để trả nợ các khoản vay đã đến hạn với số nợ cũng khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm nay”. Vì vậy, ngoài việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với con số là 5.000 tỷ đồng trong năm nay (năm ngoái EVN cũng phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp), EVN còn đề nghị được vay khoảng 500 triệu USD từ nguồn phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ để đảm bảo vốn cho các công trình nguồn điện và lưới điện, như trường hợp Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được vay một số tiền lớn trong đợt phát hành 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ mới đây.
“Dù phía chủ đầu tư chỉ phải thu xếp 15% vốn đối ứng cho các khoản vay để thực hiện các dự án nhưng có những dự án có quy mô tới hơn 1 tỷ USD thì phần vốn đối ứng phía Việt Nam cũng đã rất lớn, tới 150 triệu USD trở lên, nên thu xếp cũng vất vả”, ông Hội nói.
Việc tăng giá điện mới từ ngày 1/3/2010 dù giúp cho EVN tăng thu trong năm nay thêm khoảng 5.000 tỷ đồng nữa, nhưng theo các chuyên gia của EVN, do năm nay khô hạn, nước ít, phải tăng cường mua điện từ các nguồn chạy dầu có giá thành cao hơn nhiều so với giá bán bình quân hiện nay, nên phần thu từ tăng giá điện cũng không còn nhiều để bổ sung cho đầu tư. Chưa kể khoảng 1.200 tỷ đồng của nguồn thu này từ tăng giá điện này được chuyển sang cho ngành than vì giá than cho điện cũng tăng.
Chỉ đơn cử Dự án Nhiệt điện Ô Môn 1 mới đi vào hoạt động có giá thành điện lên tới gần 4.000 đồng/KWh do phải chịu các chi phí đầu tư đã tăng mạnh so với các đầu tư trước đây, kèm theo nhiên liệu đầu vào cho phát điện của nhà máy này là dầu tính theo giá dầu thế giới. Như vậy nếu bán điện cho EVN bằng với giá bán lẻ bình quân mới đang áp dụng hiện nay là 1.058 đồng/KWh thì 1 KWh điện của Nhà máy nhiệt điện Ô Môn cũng lỗ khoảng 3.000 đồng. Với kế hoạch phát 900 triệu KWh điện trong năm nay bằng nguồn dầu, con số lỗ có thể lên tới 2.700 tỷ đồng, xấp xỉ khoảng 1/2 con số thu được thêm từ tăng giá điện của năm nay. Thực tế này cũng cho thấy, tìm vốn đầu tư cho các dự án điện còn nhiều gian nan.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com