Đình công đang là cơ chế thương lượng, mặc cả hữu hiệu nhất đối với người lao động. Hiện tại chưa có cơ chế nào hữu hiệu hơn thế. Nghe lý sự này thì có vẻ hơi “cùn” nhưng sự thực là như vậy. Ông Nguyễn Mạnh Cường, vụ trưởng, giám đốc trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, bộ Lao động – thương binh và xã hội đã nhận định như thế khi trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị trước xu hướng đình công tăng nhanh từ đầu năm đến nay.
Công nhân công ty Endo (Hà Nội) đình công vì quy định hà khắc như làm việc 12,5 giờ mỗi ngày, muốn đi vệ sinh phải xin ba chữ ký... Ảnh: Tây Giang |
Ông Cường cho biết: gần 3.000 cuộc đình công xảy ra từ năm 1996 trở lại đây đều là đình công tự phát. Nhưng sau các cuộc đình công này, hầu hết mức lương của người lao động đã được tăng lên và kéo theo mức lương tại nhiều doanh nghiệp khác cũng phải tăng theo. Trong trường hợp nếu không được tăng lương thì người lao động có thể dịch chuyển sang những nơi có lương cao hơn, thậm chí họ sẽ không tham gia thị trường lao động nữa mà về quê. Lật lại vấn đề, nếu không có đình công thì ai sẽ mang lại cho người lao động những quyền lợi như vậy?
Ông nghĩ sao khi số vụ đình công tăng nhanh từ đầu năm tới nay?
Tôi không ngạc nhiên, vì có những vấn đề đã thành quy luật, một cuộc, năm cuộc hay một trăm cuộc cũng đều là câu chuyện như vậy. Nếu chưa được giải quyết tận gốc thì nó sẽ vẫn thế.
Theo ông, gốc của câu chuyện đình công ở nước ta ở đâu?
Đó là cơ chế thương lượng. Người lao động chưa thể thương lượng được với chủ sử dụng, vì vậy họ phải đình công.
Hiện tại các cuộc đình công chủ yếu do lao động muốn tăng lương, giá cả tăng cao mà lương lại thấp. Ông nghĩ sao về nguyên nhân này?
Nói đình công do lương thấp là đúng. Nhưng nếu muốn hạn chế đình công bằng cách tăng lương tối thiểu thì không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi hôm nay người lao động có thể đình công về lương, mai về bảo hiểm xã hội, ngày khác về nội quy lao động hay tiền làm thêm giờ… Rất nhiều thứ có thể khiến người lao động đình công. Nhưng nếu cứ theo đuổi giải quyết những chuyện đó thì cũng chỉ là cách chữa triệu chứng của một căn bệnh mà không thể chữa được căn nguyên của nó.
Ba tháng gần 100 vụ đình công Tổng kết sơ bộ cho thấy trong ba tháng đầu năm đã có gần 100 cuộc đình công, gần bằng 1/2 số cuộc đình công của năm 2009. Bình Dương là địa phương xảy ra nhiều đình công nhất cả nước. Các cuộc đình công chủ yếu vẫn xảy ra trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. |
Tôi nghĩ để làm giảm bớt các cuộc đình công thì điều quan trọng là xây dựng được một cơ chế thương lượng. Làm cách nào đó để người lao động ngồi đàm phán được với chủ sử dụng về các vấn đề lương, bảo hiểm xã hội, tiền làm thêm giờ… Cả hai bên thoả thuận được với nhau về lợi ích để cùng hợp tác. Nếu hai bên chưa thể ngồi với nhau để thoả thuận thì chuyện đình công sẽ mãi mãi không giải quyết được.
Theo ông sự khan hiếm lao động từ đầu năm tới nay tại rất nhiều khu công nghiệp có khiến đình công gia tăng hay không?
Khi thị trường lao động nhiều người thuê nhưng lại ít lao động thì rõ ràng người lao động ở vị thế cao, đắt giá hơn và có quyền đòi hỏi một mức lương mới. Đình công hiện đang được người lao động sử dụng như một cách hữu hiệu để kéo chủ sử dụng ngồi vào bàn đàm phán.
Cơ chế thương lượng nói mãi mà vì sao vẫn chưa làm được?
Một trong những điều quan trọng nhất khi xây dựng cơ chế thương lượng là người lao động phải có người đại diện thực sự của mình. Đây vẫn là điểm yếu trong quan hệ lao động ở nước ta.
(Theo Tây Giang // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com