Cùng với 4 tổng công ty quản lý và phân phối điện là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, miền Trung và miền Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) được thành lập ngày 5-2-2010, nhằm thực hiện minh bạch trong chi phí giá thành, từng bước tiến tới thị trường điện và sẽ cạnh tranh ở khâu phân phối điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công ty mẹ - EVN NPC trực thuộc Tập đoàn EVN được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 1 và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của Tập đoàn EVN tại các công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình.
|
Công tác dịch vụ viễn thông của EVN NPC là nhiệm vụ trong phát triển kinh doanh. Ảnh: Ngọc Hà |
Minh bạch trong giá thành
Những năm gần đây, mặc dù đã được Tập đoàn EVN phân cấp mạnh, các đơn vị điện lực cũng có nhiều nỗ lực để cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH tại các địa phương, song mô hình, cơ chế quản lý của các công ty điện lực, điện lực bị hạn chế trong việc chủ động khi thực hiện nhiệm vụ. Do không hạch toán độc lập, nên các điện lực không tính toán được hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), không tách được chi phí đầu tư và công ích tại địa phương.
Cùng với sự phát triển KT-XH của đất nước và chuyển đổi mô hình của EVN từ tổng công ty nhà nước sang tập đoàn kinh tế, quy mô các công ty điện lực và đơn vị trực thuộc cũng phát triển, khiến mô hình tổ chức, cơ chế quản lý không phù hợp với trình độ phát triển SXKD, là lực cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Do vậy, việc chuyển đổi các công ty điện lực có quy mô lớn thành các tổng công ty điện lực hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con để có điều kiện hạch toán hai cấp sẽ tạo điều kiện minh bạch trong chi phí giá thành, giảm bù chéo… Tổng Công ty Điện lực sẽ là đơn vị mua buôn và bán buôn, tập dượt khả năng cạnh tranh phù hợp với lộ trình hình thành và phát triển của thị trường điện. Các tổng công ty điện lực sẽ mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện và ngược lại, đơn vị phát điện cũng cạnh tranh để bán điện cho các công ty này; các tổng công ty điện lực lại tham gia cạnh tranh để bán điện cho đơn vị phân phối và khách hàng lớn.
Với việc thành lập tổng công ty điện lực, các điện lực tỉnh, thành phố sẽ trở thành pháp nhân độc lập, được trực tiếp vay vốn tại ngân hàng, sẽ chủ động hơn trong giải quyết thủ tục cấp điện, chủ động vay vốn đầu tư xây dựng công trình điện phục vụ khách hàng. Việc chủ động về tài chính sẽ giúp đơn vị nâng cao được khả năng sử dụng vốn có hiệu quả, thực hành tiết kiệm chi phí, chống lãng phí, tạo ra bức tranh tài chính minh bạch, tạo tín hiệu trung thực cho thị trường điện cạnh tranh.
Cơ hội đầu tư cho các tỉnh miền núi
Với việc quản lý và cung cấp điện trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc, Bắc Trung bộ, vốn là những tỉnh vừa khó khăn về địa lý, vừa khó khăn về kinh tế, đây là cơ hội để EVN NPC đầu tư cung cấp điện tốt hơn. Hiện nay, EVN NPC đã đạt sản lượng điện 20.890 triệu kWh/năm; tỷ lệ tổn thất là 6,09% với 5.511.554 khách hàng; doanh thu tiền điện đạt 17.781,6 tỷ đồng. Toàn Tổng Công ty đã có 5.637.849 hộ dân có điện lưới quốc gia và tiếp nhận bán điện đến 3.903.560 hộ dân nông thôn, là đơn vị dẫn đầu toàn ngành về công tác tiếp nhận. Công tác phát triển dịch vụ viễn thông công cộng được xác định là một trong ba nhiệm vụ kinh doanh chính, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của EVN NPC. Đây là lĩnh vực mới, tính thị trường cạnh tranh cao, khi thực hiện đã gặp nhiều khó khăn nhưng Tổng Công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được đánh giá là đơn vị dẫn đầu tập đoàn.
EVN NPC luôn nỗ lực duy trì và mở rộng mối quan hệ với đối tác truyền thống cũng như các tổ chức quốc tế nhằm thu hút vốn đầu tư, như việc đẩy mạnh mối quan hệ với Công ty Lưới điện Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) trong các hợp đồng mua bán điện. Triển khai đúng tiến độ dự án Thủy điện Séo Choong Hô với Công ty Lưới điện Vân Nam, Hà Nam (Trung Quốc) trong việc sản xuất tủ bảng điện, cải tạo các trạm 110kV. Hợp tác với Công ty OMNI System - Hàn Quốc thực hiện dự án sản xuất công tơ điện tử. Ký hợp đồng liên doanh với Công ty Điện lực An Huy (Trung Quốc) thành lập Công ty CP An Việt, với ngành nghề kinh doanh là SXKD lắp ráp công tơ điện tử, hệ thống quản lý thông tin đo lường điện lực và thiết bị điện. Những năm qua, EVN NPC đã làm việc với các bộ, ngành, tổ chức nước ngoài để tìm nguồn vốn ODA và nguồn vốn khác cho các dự án. Nguồn vốn ODA đã tăng đáng kể, phần nào đáp ứng nhu cầu đầu tư, giảm gánh nặng về vốn của Tổng Công ty trong điều kiện khủng hoảng kinh tế và nguồn vốn trong nước còn hạn hẹp. Công tác quản lý dự án của NPC đã được Tập đoàn EVN cũng như các tổ chức cho vay vốn nước ngoài đánh giá cao.
Chiến lược kinh doanh của EVN NPC trong giai đoạn 2010-2015 là mọi hành động đều hướng tới con người, vì con người. Theo đó, EVN, NPC nêu cao ý thức trách nhiệm với công việc, tận tụy với khách hàng, tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần bán điện, phát triển lưới điện 110kV trở xuống đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải hằng năm 14-17% trong giai đoạn 2010-2015. Tập trung khai thác có hiệu quả dịch vụ viễn thông hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng và sự phát triển. Phát triển thuê bao các loại lên 1,3-1,8 triệu trong năm 2010 và đạt 4 triệu vào năm 2015; phát triển sản xuất thiết bị vật liệu điện, kinh doanh bất động sản, du lịch, khách sạn, đầu tư tài chính… phù hợp với khả năng của mình.