Chỉ còn 7 tháng nữa là Việt Nam phải thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng ngoại nhập, mở cửa thị trường dịch vụ theo đúng cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Không ít khó khăn đang đặt ra phía trước buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.
Chất lượng sản phẩm tốt cùng với hệ thống rộng rãi sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước . |
Cảnh báo này được đặt ra tại hội thảo “Những cam kết WTO mà Việt Nam phải thực hiện trong năm 2011…” do VCCI tổ chức ngày 16-5 tại TPHCM.
Từ 1-1-2012, thời gian thực hiện chế độ ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước đã hết, khi đó Việt Nam phải mở cửa để nước ngoài đầu tư 100% vốn dịch vụ hàng hóa, điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa nước ngoài sẽ ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong khi đó, theo TS Luật Phạm Văn Chắt, báo cáo viên Bộ Công Thương về Hội nhập Kinh tế quốc tế khẳng định, quy mô mạng lưới phân phối của nước ta chủ yếu là vừa và nhỏ. Bình quân doanh thu của một siêu thị trong nước chỉ bằng 35% siêu thị nước ngoài. Hệ thống bán lẻ lớn như Co.opMart của Việt Nam cũng còn chưa có sản phẩm “đóng đô” được trên thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng qua đạt 26,9 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái do một số mặt hàng chủ lực tăng mạnh, tạo ra sự vươn lên vững chắc của hoạt động xuất khẩu. Song kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 11,7 tỷ USD trong tổng kim ngạch (kém khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 15,2 tỷ USD).
Điều này bộc lộ rõ sức đóng góp của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Ngoài ra, một mặt nào đó thể hiện tình hình sản xuất và sức cạnh tranh của khối doanh nghiệp trong nước chậm được cải thiện. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp trong nước chưa đảm nhận được vai trò chủ đạo, dẫn hướng cho hoạt động xuất khẩu.
Vấn đề chất lượng sản phẩm cũng được xem là thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.
Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể đưa sản phẩm chất lượng vào thị trường nước ngoài, doanh nghiệp phải chọn mặt hàng và dịch vụ có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh cao để đầu tư, đảm bảo tính hài hòa giữa quy mô và tốc độ đầu tư tạo nguồn hàng xuất khẩu. Muốn làm được như vậy, doanh nghiệp buộc phải tự đổi mới từ khâu quản lý, tổ chức và sản xuất.
Nhận định về khả năng của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng, chúng ta phải tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tái cấu trúc doanh nghiệp phù hợp nhu cầu thị trường.
Các doanh nghiệp cần phải chủ động tái cấu trúc ngay từ bây giờ, đừng để nước đến chân mới nhảy, bởi nếu thế nguy cơ doanh nghiệp bị thua cuộc sẽ rất cao.
(Theo Nguyễn Hiền // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com