Ban Chấp hành HH Vận tải hàng hóa TP HCM họp về vấn đề kiểm tra tải trọng xe |
Khắc phục các bất cập, di dời và nhân rộng mô hình Trạm cân Dầu Giây là quan điểm của các ngành chức năng. Còn DN thì cho rằng trạm cân chỉ gây... lãng phí và tham nhũng. Mới đây, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM đưa ra sáng kiến: Cân tải trọng tại gốc để xóa trạm cân. Liệu đây có phải là đáp án hợp lý ?
Việc giảm thiểu nạn chở hàng quá tải gây hư hỏng đường sá là việc làm cần thiết. Tuy nhiên nên làm như thế nào ?
Cơ quan chức năng: Di dời và nhân rộng
Khắc phục các bất cập, di dời và nhân rộng mô hình Trạm cân Dầu Giây là quan điểm của các ngành chức năng. Sở GTVT Đồng Nai đã có kiến nghị Bộ GTVT di dời Trạm cân Dầu Giây, khắc phục nhược điểm vị trí này có quá nhiều đường tránh. Một cán bộ Ban an toàn giao thông ĐN trao đổi: Một lý do quan trọng để chọn vị trí này là do đây là vị trí của trạm cân cũ, đất và trụ sở có sẵn... giúp chi phí lập trạm giảm. Vị trí này trước đây không có nhiều đường tránh... Tuy nhiên, thực tế là các đường giao thông quanh vị trí đặt Trạm cân Dầu Giây đã phát triển từ vài năm trước. Vì vậy có thể nói quyết định đặt trạm cân tại đây là thiếu sót nghiêm trọng. Nếu dời Trạm cân Dầu Giây thì sẽ phải phá bỏ trạm cũ, tìm mặt bằng mới xây trụ sở, lắp thiết bị... thiệt hại hàng chục tỷ đồng (tổng kinh phí xây dựng Trạm cân Dầu Giây chưa tính giá trị đất là gần 7,7 tỷ đồng).
Kiểm tra tại gốc là ban hành chế tài quy trách nhiệm cụ thể và xử lý nặng đối với đối tượng vi phạm về tải trọng như lãnh đạo nơi xuất phát hàng, chủ hàng... Khi tham gia GT, nghi ngờ xe chở quá tải, lực lượng thanh tra GT sẽ tận dụng các bàn cân tại các nơi xuất hàng, nhà máy hoặc cân lưu động để kiểm tra. |
Cục đường bộ VN cũng kiến nghị lập thêm khoảng 17 trạm cân xe nữa tại các quốc lộ - tỉnh lộ, và lập các đội cân xe lưu động những vùng không có trạm. Điều này đồng nghĩa Nhà nước phải chi nhiều trăm tỷ cho cơ sở, đào tạo và trả lương nhân viên. Rồi đây đội cân xe lưu động sẽ chặn bất cứ xe tải nào, gây hoang mang bất ổn cho DN, mất mỹ quan.
Chủ trương của việc cân xe là hạn chế tối đa sự tham gia của con người, vì vậy tại trạm cân cố định có camera giám sát con người thì sẽ không có thiết bị giám sát các đội cân xe lưu động. Ai có thể khẳng định sẽ không xảy ra tiêu cực, chung chi vòi vĩnh. Nhất là xe chở hàng chủ yếu chạy ban đêm. Đã xảy ra việc nhân viên Trạm cân Dầu Giây Nguyễn Đình Quốc, bị bắt quả tang nhận hối lộ 500.000 đồng ngoài trạm cân.
DN: Nên bỏ hẳn
Trái ngược với ý kiến của các cơ quan chức năng, Công văn số 37/HHVT của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM mới đây gửi Thủ tướng, UBND tỉnh ĐN, Cục đường bộ VN và Khu quản lý đường bộ 7 lại phân tích: Đề án cân tải trọng xe mà Trạm cân Dầu Giây là mô hình thí điểm đã không đạt hiệu quả, gây lãng phí lớn, phát sinh nhiều tiêu cực, thiết bị không đạt yêu cầu, gây bất bình đẳng về cước vận tải giữa xe qua trạm và xe không qua trạm, gây thiệt hại cho DN, rối loạn cách tính cước... Hiệp hội đề xuất nên bỏ hẳn việc cân tải trọng xe, thay vào đó là kiểm tra ngay tại gốc.
Ông Thái Hữu Chung - Tổng Thư ký Hiệp hội nhấn mạnh: Kiểm tra tại gốc là ban hành chế tài quy trách nhiệm cụ thể và xử lý nặng đối với đối tượng vi phạm về tải trọng như lãnh đạo nơi xuất phát hàng, chủ hàng, chủ xe, tài xế... Lượng hàng bốc lên xe chủ yếu do các phương tiện và lực lượng của nơi xuất hàng quyết định. Xe chỉ rời nơi xuất hàng khi được cho phép, và lưu hành trên đường phải có vận đơn, xác nhận số lượng, loại hàng... của các bên liên quan. Khi nghi ngờ xe quá tải, xe bị tai nạn thì lực lượng thanh tra GT có thể tận dụng các bàn cân tại các nơi xuất hàng, nhà máy hoặc cân lưu động để kiểm tra. Tuy nhiên, việc cân xe chỉ như trọng tài xác định xe có quá tải không, lỗi của ai. Nếu xe không quá tải thì lực lượng kiểm tra phải bồi thường thỏa đáng.
VN đã gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và đang triển khai Hiệp định GMS - tạo điều kiện thông thương người và hàng hóa tiểu vùng Mê Kông. Vì vậy, việc kiểm tra, xử phạt về tải trọng phải theo thông lệ quốc tế. Hiện VN chỉ mới có quy định chung về quá tải xe cơ giới, vì thế việc xử lý các xe thiết kế tải trọng theo thông lệ quốc tế là rất khó. Ví dụ: Xe container chở hàng theo thiết kế, đã đóng Seal, niêm phong chạy từ nước này sang nước khác, từ KCX- KCN ra cảng vẫn có thể bị quá tải theo quy định của VN, trong khi đơn vị vận tải không có quyền mở Seal, mở niêm phong và hạ tải.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội, nên bỏ cách cân xe theo tải trọng trục, mà chỉ cân tổng tải trọng, hoặc tính toán lại trọng tâm chịu tải của từng loại xe khác nhau. Theo Hiệp hội, hiện đang lưu hành cơ bản ba loại xe chở hàng có trọng tâm chịu tải khác nhau: Xe tải thân liền có 1 đến 3 trục, có thể dàn đều trọng lượng theo trục. Loại xe đầu kéo Sơmi rơmooc container có khoảng cách từ cabin đến container khoảng 0,9 đến 1m, nên có tải trọng trục sau thường quá 30% cho phép, tải trọng trục trước chỉ đạt 50 - 70% tải trọng cho phép. Loại xe đầu kéo Sơmi rơmooc container hàng quá khổ, khoảng cách từ cabin đến hàng hóa 4 - 5m, nên tải trọng trục trước chỉ đạt 25 - 50% tải trọng cho phép, tải trọng trục sau vượt từ 50 - 100% cho phép.
(Theo Khắc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com