Rất nhiều công ty kinh doanh gas đã mong chờ được tham gia đấu giá gas của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhưng cuối cùng số tham gia rất ít. Lượng gas đấu giá quá nhỏ kèm điều kiện khó khăn khiến nhiều công ty bỏ cuộc.
Trong số bốn công ty tham gia đấu giá thành công có ba đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (Petrovietnam). Và cũng chính ba đơn vị này được ưu tiên mua 50% lượng gas còn lại của nhà máy không phải qua đấu giá.
Ưu đãi trong ngành
Ông Nguyễn Hoài Giang, tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc Petrovietnam, cho biết đã gửi thông báo đấu giá cho 23 đơn vị đầu mối kinh doanh gas trên cả nước đủ tiêu chuẩn được Bộ Công thương thừa nhận.
Nhưng theo các doanh nghiệp phản ảnh, chỉ có năm đơn vị tham gia đấu giá và bốn đơn vị thành công. Ngoài Công ty cổ phần dầu khí An Pha SG, ba đơn vị khác đều thuộc Petrovietnam là Tổng công ty Khí VN (PV Gas), Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc và Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam.
Ông Giang cũng xác nhận 50% gas không bán đấu giá của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được dành bán cho ba đơn vị trên. “Để bảo đảm duy trì nhà máy vận hành an toàn, phòng những khi ế hàng, chúng tôi cần những đơn vị đó bao tiêu”, ông Giang giải thích. Công suất sản xuất gas của Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 300.000-450.000 tấn/năm, tính bình quân mỗi tháng xuất xưởng khoảng 24.000 tấn, nhưng lượng gas bán đấu giá chỉ 12.000 tấn/tháng.
Trước đây, khi bắt đầu đấu giá bán gas của Nhà máy khí Dinh Cố, Petrovietnam cũng chỉ đấu giá 50% sản lượng, phần còn lại dành cho Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc và Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam. Sau đó rút xuống còn 25% dành cho Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam, 75% còn lại đem bán đấu giá. Mỗi tháng nhà máy này sản xuất khoảng 15.000- 20.000 tấn gas.
Vì sao không tham gia?
Một số công ty có thị phần lớn, thương hiệu uy tín như Saigon Petro, Petrolimex Gas, Shell, Elf... không tham gia đấu giá, trong khi trước đây những đơn vị này ủng hộ mạnh mẽ phương án bán đấu giá nguồn gas sản xuất trong nước.
Đại diện Công ty Saigon Petro cho biết sau khi nhận được thông báo từ BSR, dù đã cố làm nhanh thủ tục nhưng cuối cùng vẫn không thuê được tàu nên phải bỏ cuộc. Trưởng phòng kinh doanh công ty này cho biết thông thường các công ty gas ở VN mua gas trong nước hay nhập khẩu đều chọn phương thức bên bán giao hàng, nay BSR đưa ra điều kiện các đơn vị mua phải có tàu hoặc thuê tàu nhận hàng tại Dung Quất nên trong thời gian ngắn khó thuê được tàu.
Đại diện Petrolimex Gas thì cho rằng vì mua gas Dung Quất về phải pha trộn với gas từ nguồn khác mới bán được, và nếu làm như vậy đòi hỏi kho chứa phải gấp hai lần nên công ty không tham gia.
Lãnh đạo một doanh nghiệp cho rằng dành 50% sản lượng gas để đấu giá bán theo hợp đồng kỳ hạn (sáu tháng) là hợp lý, nhưng 50% còn lại cũng phải bán đấu giá theo hợp đồng chuyến hằng tháng mới hấp dẫn các công ty gas. Dành quá nhiều gas bán ưu đãi cho doanh nghiệp thành viên trong Petrovietnam là điều gây bức xúc cho giới kinh doanh gas.
Việc PV Gas “bao thầu” gas trong nước để kết hợp với nguồn nhập khẩu bán lại cho các đơn vị bán lẻ là hợp lý bởi PV Gas đang đảm trách vai trò bán sỉ nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Điều bất hợp lý là hai đơn vị được dành ưu tiên, Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc và Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam, đều là hai nhà bán lẻ và đã được cổ phần hóa từ mấy năm nay.
Năng lực bán lẻ của hai công ty này không thể tiêu thụ hết nguồn gas được dành ưu tiên từ nhà máy Dung Quất và Dinh Cố nên họ lại làm thêm vai trò bán sỉ, cạnh tranh với “người anh em” PV Gas (PV Gas hiện nắm giữ 79,13% vốn trong Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam và 73,75% vốn trong Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc).
Thêm 300.000 USD nếu đấu giá
Giải thích việc dành ưu đãi 50% sản lượng cho các đơn vị thành viên Petrovietnam, ông Nguyễn Hoài Giang cho rằng làm như vậy để đảm bảo sự an toàn cho nhà máy vận hành. Nhưng giải thích này thật khó thuyết phục, bởi nếu các công ty kinh doanh gas đều được ký hợp đồng với BSR để tiêu thụ thì lo gì nguồn gas ở đây bị ế. Nguồn gas trong nước chỉ cung ứng được tối đa 50% nhu cầu thị trường. Hơn nữa, ngành gas VN cũng đã có kinh nghiệm gần 15 năm đi nhập khẩu thì chắc đã thuộc nằm lòng việc làm thế nào để bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Xin nhắc lại một câu chuyện cũ đã xảy ra cách nay bốn năm tại Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (Bà Rịa - Vũng Tàu). Thời điểm đó nhà máy thừa 15.000 tấn gas, đơn vị quản lý điều hành nhà máy phải giảm 20USD/tấn và “xuống nước” năn nỉ các công ty kinh doanh gas mua hàng. Nhưng các công ty kinh doanh gas lúc đó đã tẩy chay, không mua chỉ vì nguồn gas ở đây được ưu ái cho đơn vị trong Petrovietnam phân phối, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh.
Kết thúc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, một trong những nội dung quan trọng trong nghị quyết về dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất là các đại biểu của dân yêu cầu nâng cao tối đa hiệu quả của dự án này. Ông Nguyễn Hoài Giang xác nhận mỗi tấn gas bán đấu giá công ty thu lợi hơn 1 USD so với phương thức bán cũ. Như vậy, nếu bán đấu giá tất cả gas của nhà máy, ít nhất mỗi năm được lợi thêm 300.000 USD, sao không làm?
( Tuổi trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com