Khách hàng đến tận phòng Thiết kế của Công ty in Tài Chính, chi nhánh TPHCM, để sửa mẫu hóa đơn. Ảnh: Minh Tâm. |
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng hóa đơn tự đặt in thay vì mua của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định 51/NĐ-CP. Tuy nhiên, trên địa bàn TPHCM hiện nay, hầu hết các nhà in lớn, có kinh nghiệm in hóa đơn trong nhiều năm qua lại đang ở tình trạng quá tải khi số lượng khách hàng tăng đột biến nhưng tiến độ thực hiện cho từng đơn hàng rất chậm.
Trong khi đó, các cơ sở, công ty có đủ điều kiện in hóa đơn lại không nhiều. Nhiều doanh nghiệp lo rằng sẽ khó có hóa đơn để sử dụng vào đầu năm tới như quy định.
Quá tải
Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp in trên địa bàn thành phố do Cục Thuế TPHCM tổ chức cuối tuần qua, đại diện nhiều đơn vị trong số 15 doanh nghiệp đã được Tổng cục Thuế, Cục Thuế TPHCM cho phép phối hợp in hóa đơn nhiều năm nay phản ánh: họ đang ở tình trạng quá tải khi số lượng khách hàng tăng đột biến nhưng tiến độ thực hiện cho từng đơn hàng rất chậm.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cán bộ thuế tại chi cục thuế địa phương chỉ dẫn mỗi nơi mỗi kiểu, các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng không thống nhất khiến doanh nghiệp nhiều lần phải sửa mẫu hóa đơn.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó giám đốc Xí nghiệp in Thống kê TPHCM, đơn vị được phép in hóa đơn từ năm 2000, cho biết những ngày qua khách đến đặt hàng rất đông, phải xếp hàng chờ đợi. Tuy nhiên, thời gian thực hiện cho mỗi đơn hàng thường kéo dài 1-2 tháng nên xảy ra tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Theo ông Dũng, xảy ra tình trạng trên là do doanh nghiệp đặt in liên tục yêu cầu sửa mẫu hóa đơn theo yêu cầu của cán bộ thuế tại địa phương.
“Rất nhiều khách hàng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến hóa đơn mới đều bị cán bộ thuế tại chi cục bắt bẻ, bác bỏ mẫu trong khi theo quy định, chi cục thuế hoàn toàn không có chức năng duyệt mẫu hóa đơn. Vì vậy, mẫu hóa đơn bị sửa tới sửa lui. Mỗi lần muốn điều chỉnh, khách hàng không thể xác nhận ngay mà phải mất 15-20 ngày chờ ý kiến của cán bộ thuế. Thời gian thực hiện từng đơn hàng kéo dài hàng tháng trời là vì thế”, ông Dũng nói.
Theo tính toán của các doanh nghiệp nhận in hóa đơn, nếu doanh nghiệp đặt in với số lượng một cuốn hóa đơn, giá 1,5 triệu đồng/cuốn (mỗi cuốn có 50 số và có từ 2-11 liên). Hiện số doanh nghiệp đặt in 10 cuốn hóa đơn trở xuống chiếm gần 50% tổng đơn hàng. |
Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy vi tính Liên Sơn, cũng cho rằng doanh nghiệp nhận in hóa đơn thời gian qua “chóng mặt” vì chính sách, văn bản hướng dẫn của cả cơ quan Trung ương lẫn địa phương thay đổi liên tục, không thống nhất và cán bộ thuế tại các chi cục thì chỉ dẫn mỗi nơi mỗi kiểu.
Ông Linh dẫn chứng: Thông tư 153/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 51 ban hành cuối tháng 9-2010 của Bộ Tài chính quy định về liên hóa đơn ghi liên 2 “giao cho người mua”. Trong khi đó, Cục Thuế TPHCM lại có công văn hướng dẫn ghi liên 2 “giao cho khách hàng”. Chỉ vì hai chữ “người mua” và “khách hàng” mà doanh nghiệp đặt in lẫn doanh nghiệp nhận in phải mệt mỏi xác định để cuối cùng chọn chữ “người mua”. Chưa hết, Bộ Tài chính sau khi ban hành Thông tư 153 thì đến đầu tháng 11 đã ban hành Quyết định 2905 để đính chính một số điểm trong thông tư trên khiến doanh nghiệp lại một phen phải điều chỉnh. “Thông tư hướng dẫn ra đời trong thời gian quá cấp bách và có nhiều thiếu sót nên gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Linh nói. Cũng theo ông Linh, cán bộ thuế lại mỗi người một ý, hiểu hoàn toàn khác nhau về văn bản rồi bắt bẻ doanh nghiệp. Chẳng hạn, về quy định chữ xen vào, văn bản của Bộ Tài chính ghi “chữ xen vào phải nhỏ hơn chữ nhỏ nhất của nội dung bắt buộc”. Dựa vào đây, cán bộ thuế tại chi cục không cho doanh nghiệp in logo to hoặc mờ chìm ở giữa tờ hóa đơn với lý do làm như vậy sẽ che khuất cũng như to hơn chữ của nội dung bắt buộc. Ngược lại, có chi cục lại “chê” logo chìm mờ quá… Trường hợp khác, một số doanh nghiệp trên địa bàn quận Tân Bình và Tân Phú lại bị cán bộ thuế yêu cầu phải thông báo phát hành hóa đơn dù chưa in xong, điều mà theo ông Linh là hoàn toàn không thể khi doanh nghiệp chưa thực hiện việc ký hợp đồng với công ty dịch vụ, trong khi đó hóa đơn cũng chưa có. Theo ông Nguyễn Hải Minh, Giám đốc chi nhánh Công ty in Tài chính, đơn vị này đã phải sửa mẫu cho gần 1.000 khách hàng đã ký hợp đồng trước ngày 9-11, thời điểm Quyết định 2905 ban hành đính chính một số điểm trong Thông tư 153. Ông tính toán: “Mỗi khách hàng in từ 2-3 mẫu, nhân với 1.000 hợp đồng thì số hóa đơn phải sửa không hề nhỏ”. Đến hạn, khó có hóa đơn Với mục tiêu nắm bắt tình hình in hóa đơn, Cục Thuế TPHCM đã tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp, cơ sở có hoạt động in ấn trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, chỉ có 75 đại diện doanh nghiệp đến dự dù Cục Thuế phát hơn 300 thư mời. Doanh nghiệp tham dự cuộc họp cũng đã kê khai thông tin vào bảng câu hỏi nhằm xác định có đủ điều kiện in hóa đơn. Tuy nhiên theo ban tổ chức cho biết chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp đủ điều kiện. Bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết cục sẽ sớm thực hiện việc khảo sát tại các doanh nghiệp trên, công bố danh sách trên trang web của Cục Thuế và một số tờ báo. Trước đó, Cục Thuế TPHCM cũng đã gửi thư tới 1.700 doanh nghiệp, cơ sở có hoạt động in ấn trên địa bàn thông báo việc đăng ký dịch vụ in hóa đơn, nhưng chỉ nhận được phản hồi của 20 đơn vị. Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát của phòng Ấn chỉ, có 7/20 doanh nghiệp đủ điều kiện (bao gồm có giấy phép ngành in và đủ thiết bị máy móc). Theo bà Hương, vấn đề chung của doanh nghiệp là chưa xây dựng hệ thống lưu trữ, chưa tách biệt khu vực bảo quản hóa đơn với các sản phẩm khác, chưa trang bị những loại máy móc chuyên biệt trong việc in hóa đơn như máy số nhảy, máy in hóa đơn giấy vi tính liên tục… Với tư cách là Ủy viên Ban thường vụ Hội In TPHCM, ông Linh ở Công ty Liên Sơn, cho rằng các doanh nghiệp mới hầu hết không muốn, không thích in hóa đơn. Việc đầu tư trang thiết bị in tốn kém nhưng doanh thu không cao, việc quản lý phức tạp. “Chiếc máy in số nhảy trị giá trên 15 tỉ đồng, không phải đơn vị nào cũng có khả năng trang bị”, ông Linh nói. Theo ông Hoàng Minh Ước, Giám đốc Xí nghiệp In đường sắt Sài Gòn, việc nhiều doanh nghiệp lo lắng không thể có hóa đơn sử dụng vào ngày 1-1-2011 là hoàn toàn có cơ sở. Nguyên nhân là số lượng đặt hàng quá lớn nhưng công suất của nhà in khó tăng. Ông Ước nói: “Không ai dám đầu tư thêm trang thiết bị với chi phí quá lớn mà chỉ để in hóa đơn trong vài tháng”. Ông Minh của in Tài Chính thừa nhận: hiện nay, tại công ty có bảy nhân viên thiết kế, mỗi ngày có thể thực hiện được khoảng 140 mẫu hóa đơn, không kịp đáp ứng công suất của máy in. Tuy nhiên, công ty không thể tuyển thêm người vì xong thời kỳ cao điểm này thì không biết dùng tiếp thế nào. Đại diện Công ty Xuất nhập khẩu ngũ cốc (Grainco) cho biết công ty đã ký hợp đồng đặt in với chi nhánh Công ty in Tài chính từ cuối tháng 11 nhưng phải tới ngày 10-1-2011 mới có hóa đơn. Cũng theo người này, nhiều công ty bạn chỉ đặt in chậm hơn vài ngày nhưng đến tận tháng 2, tháng 3 năm sau mới nhận được hóa đơn. Theo Thông tư 153/TT-BTC, tổ chức nhận in hóa đơn phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh còn hiệu lực và có giấy phép hoạt động ngành in. Bên cạnh đó, các đơn vị nhận in phải có trách nhiệm in hóa đơn theo đúng hợp đồng đã ký, không được giao lại toàn bộ hoặc bất kỳ khâu nào cho tổ chức khác; quản lý, bảo quản các bản phim, bản kẽm và các công cụ có tính năng tương tự; phải niêm phong lưu giữ các bản phim, bản kẽm nếu tiếp tục sử dụng; hủy hóa đơn in thử, in sai, in trùng, in thừa, in hỏng; các bản phim, bản kẽm và các công cụ có tính năng tương tự…Điều kiện để doanh nghiệp được nhận in hóa đơn
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com