![]() |
DN muốn triển khai cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng vô tuyến dựa trên công nghệ LTE hơn là công nghệ wimax. Ảnh: Hà Thanh |
Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện chưa có quy hoạch về băng tần 4G, nên Bộ chưa thể tiến hành cấp phép. Bộ cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch và cấp phép theo hình thức cấp thẳng, thi tuyển hay đấu giá.
Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, có 9 doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm truy cập băng rộng vô tuyến với công nghệ wimax di động và giấy phép thử nghiệm của các doanh nghiệp này cũng đã hết hạn từ năm 2009 và đầu năm 2010. Danh sách doanh nghiệp được thử nghiệm wimax bao gồm VNPT, VTC, Viettel, Gtel, Saigon Postel, Đông Dương Telecom, Vishipel, FPT và EVNTelecom.
Đại diện một trong 9 doanh nghiệp đã thử nghiệm Wimax phân tích, tại thời điểm này, các doanh nghiệp đều dùng từ chung là xin cấp phép triển khai 4G/LTE, hoặc wimax. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp quan tâm hơn đến giải tần số được cấp, còn công nghệ thì có thể lựa chọn.
Một quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định, trong số các hồ sơ xin cấp phép 4G, các doanh nghiệp không nói rõ là triển khai dựa trên công nghệ gì và Bộ cũng trung lập về mặt công nghệ, nghĩa là không quan tâm đến việc doanh nghiệp lựa chọn công nghệ nào để triển khai 4G.
“Mặc dù vậy, có thể nói, các doanh nghiệp mong muốn triển khai cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng vô tuyến dựa trên công nghệ LTE hơn là công nghệ wimax, công nghệ mà đã được các doanh nghiệp hoàn thành việc triển khai thử nghiệm vào năm ngoái”, vị quan chức trên nói.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao đã có kinh nghiệm triển khai thử nghiệm wimax mà các doanh nghiệp lại thiên về công nghệ LTE (công nghệ chưa từng được cấp phép thử nghiệm)? Câu trả lời xin được trích lời ông Peter Lancia, chuyên gia cao cấp của Qualcomm, rằng “LTE sẽ tạo ra hướng phát triển song song với 3G và sẽ tạo động lực thúc đẩy quy mô và hệ sinh thái của các nhà cung cấp, các nhà điều hành mạng, người tiêu dùng và các nhà phát triển ứng dụng”.
Còn Hiệp hội Các nhà khai thác GSM (GSM Association) cũng đã chấp nhận LTE là công nghệ băng rộng di động tương lai của hệ di động GSM, hệ di động dự báo có thể chiếm 89% thị phần trên toàn cầu vào năm 2011.
Theo Dự thảo Quy hoạch băng tần cho truy cập băng rộng vô tuyến, dự kiến, mỗi doanh nghiệp sẽ được sở hữu độ rộng băng tần khoảng 30MHz. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của VTC, giải băng tần 2.3-2.5GHz dự định quy hoạch cho 4G nếu chia thì đủ cho 7 doanh nghiệp, nhưng không hiệu quả. Theo vị lãnh đạo này, mỗi doanh nghiệp phải được sở hữu độ rộng băng tần khoảng 50MHz trở lên, vì độ rộng băng thông lớn, thì khả năng cung cấp dịch vụ sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, các doanh nghiệp không có giấy phép 3G quan tâm nhiều hơn đến thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố cấp phép 4G. Lý do là, các doanh nghiệp có giấy phép 3G cũng cần phải có thời gian để 3G thực sự “sống khoẻ” (theo lý thuyết, mạng 4G có tốc độ truyền dữ liệu tối đa cao gấp 7 lần so với mạng 3G).
(Theo Huyền Anh // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com