Nội lực của doanh nghiệp luôn đóng vai trò quyết định, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. |
Sáng 10/4, Liên hoan Các doanh nghiệp Thương hiệu mạnh Việt Nam lần thứ 7, một sự kiện nằm trong Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, đã diễn ra trọng thể tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự tham dự của đông đảo quan khách và đại diện cộng đồng doanh nghiệp.
Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện lớn kỷ niệm 20 năm thành lập Thời báo Kinh tế Việt Nam, nhằm tạo ra một diễn đàn quy tụ các thương hiệu mạnh trên cả nước, đồng thời bày tỏ sự tri ân đối với các doanh nghiệp đã và đang đồng hành cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam trong suốt những năm qua.
Tại Liên hoan, 120 thương hiệu đạt các tiêu chí Thương hiệu mạnh năm 2010 đã được vinh danh. Đây là những thương hiệu được hội đồng xét duyệt của Chương trình Thương hiệu mạnh khảo sát và bình chọn từ hàng trăm doanh nghiệp tiêu biểu do sở công thương các tỉnh thành trong cả nước đề cử, kết hợp với ý kiến bình chọn từ độc giả trên cả nước thông qua các ấn phẩm Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Cũng tại đây, VnEconomy đã ghi nhận ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, phản ánh góc nhìn của họ về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2011, một năm chứng kiến nhiều biến động kinh tế vĩ mô ngay từ những tháng đầu.
Không bị ảnh hưởng nhiều vì chủ trương thắt chặt tiền tệ
Ông Ngô Anh Trí, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường
Việc được công nhận là Thương hiệu mạnh rất có ý nghĩa với Nam Cường.
Năm nay, đối với các doanh nghiệp, sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm.
Các doanh nghiệp đều có chiến lược và kế hoạch riêng của mình. Tập đoàn Nam Cường cũng sẽ đi theo lộ trình đã xây dựng chứ không đi theo lộ trình đặc biệt nào cả. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi vẫn phải là phát triển bền vững.
Dù nhìn nhận nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, song chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển các dự án mới trên địa bàn Hà Nội, tất nhiên là phải trên cơ sở quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt. Hiện Nam Cường cũng đã xây dựng cho mình một lộ trình triển khai các dự án mới, bên cạnh đầu tư, phát triển các dự án cũ một cách bền vững.
Tôi cho rằng, chủ trương thắt chặt tiền tệ của Chính phủ trong năm nay sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Nam Cường. Bởi thực tế thì chúng tôi cũng không vay nhiều vốn từ ngân hàng, nên hầu như không ảnh hưởng đến nguồn vốn và tiến độ các dự án hiện nay.
Tìm cách giúp doanh nghiệp giải bài toán vốn
Bà Cao Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB)
MB rất vinh dự khi đây là lần thứ 5 được công nhận là Thương hiệu mạnh. Điều này nhắc nhở chúng tôi luôn hướng tới một giá trị tốt đẹp của một thương hiệu, giữ vững một thương hiệu giá trị mà mình đã có được.
Quý 1 năm nay, hoạt động ngân hàng nhìn chung là khó khăn, do chính sách thắt chặt tiền tệ, ổn định vĩ mô của Chính phủ. Mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều thử thách.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của tôi, khó khăn trong quý 1 là tất yếu, nhưng từ cuối quý 2 đến quý 3, lạm phát sẽ duy trì ở mức ổn định. Khi các chính sách phát huy hiệu quả thì nền kinh tế sẽ ổn định và hoạt động của các doanh nghiệp, các ngân hàng sẽ tiến triển tốt hơn.
Nhìn nhận về kinh tế năm nay, tôi cho rằng đang có nhiều triển vọng hơn, khi kinh tế thế giới đi vào chiều hướng ổn định, trong khi doanh nghiệp chúng ta chủ yếu hướng về xuất khẩu.
Chỉ có điều, năm nay khó khăn của doanh nghiệp được cho là ở ngay trên “sân nhà”, bởi lãi suất chưa hạ được và nhiều doanh nghiệp lại đang trong giai đoạn tái cơ cấu.
Trước bối cảnh đó, MB sẽ xây dựng các giải pháp cụ thể để cho những doanh nghiệp nhỏ, lớn đều có cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Chúng tôi cho rằng khó nhất đối với các ngân hàng hiện nay là tư vấn tiếp cận nguồn vốn, xử lý dòng tiền, nguồn hàng một cách hợp lý nhất. Phải làm sao cho doanh nghiệp không phải lúc nào cũng phải đi vay bằng mọi giá, mà có thể tận dụng nội lực của mình để giải bài toán vốn. Hiện MB đang đi theo hướng đó.
Tất nhiên, chúng tôi cũng sẽ có ưu tiên đối với những khách hàng có năng lực kinh doanh tốt, có tiềm năng chứ không chỉ nhìn vào những doanh nghiệp lớn.
Thông điệp của chúng tôi là sẽ chia sẻ với doanh nghiệp và cũng mong doanh nghiệp chia sẻ với ngân hàng. Và tôi tin rằng, một khi các bên cùng chia sẻ với nhau thì mọi khó khăn sẽ vượt qua.
Cố gắng để không phải tăng giá nhiều
Ông Lương Duyên Toàn, Giám đốc Chi nhánh Công ty Vinacafé Biên Hòa tại Hà Nội
Tỷ suất lợi nhuận năm nay, dù mới đi hết quý 1, nhưng tôi nghĩ sẽ không thể bằng năm trước được. Bởi vì giá cà phê hạt năm nay tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đường, sữa, bột kem, giá nhân công… tất cả các thứ đều tăng lên. Trong khi đó Vinacafé cũng muốn chia sẻ với người tiêu dùng về giá cả, chúng tôi chỉ điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý thôi.
Thay vào đó, chúng tôi gia tăng năng suất, thiết lập lại hệ thống phân phối, chỗ nào không hợp lý, không cần thiết thì thu hẹp lại. Trong khó khăn thì chúng tôi vẫn nhìn thấy những cơ hội trong khó khăn đó. Vì thị trường Việt Nam như hiện nay thực tế vẫn còn trống nhiều.
Một trong những giải pháp của chúng tôi là phát triển thị trường sâu hơn, rộng hơn, mở rộng về các vùng nông thôn và tìm các thị trường trong và ngoài nước có thể khai thác được để lấp đầy.
Để giảm tác động đến chi phí đầu vào, một trong những cách của chúng tôi là đàm phán với các đơn vị vẫn làm ăn, các đối tác cung ứng bao bì, dịch vụ vận chuyển… Chẳng hạn nếu chi phí vận chuyển tăng 30%, thì vì họ làm ăn lâu dài với mình, chúng tôi đàm phán với họ là chỉ tăng giá vừa phải. Qua nhiều yếu tố như vậy, chúng tôi đưa ra giá sản phẩm phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay.
Ngoài ra, việc giảm đến mức tối thiểu tồn kho, thu hẹp thời gian thanh toán của khách hàng… chúng tôi coi là đương nhiên. Vì với bối cảnh tình hình tài chính hiện nay, lãi suất tăng cao và những tác động khác nữa là những bài toán chúng tôi rất quan tâm.
Về dài hạn, với lợi thế công nghệ và kỹ thuật vượt trội của mình, chúng tôi đã đưa ra được sản phẩm có thể nói là khác biệt trên thị trường. Hiện nay, Vinacafé là một trong số doanh nghiệp rất ít còn sử dụng hương tự nhiên của nguyên liệu cà phê cho sản phẩm. Đó cũng là bí quyết tạo nên sự thành công của chúng tôi, sẽ vẫn tiếp tục được duy trì và nâng cao.
Ngoài việc ổn định về chất lượng và gia tăng khai thác thị trường còn trống thì chúng tôi cũng rất quan tâm đến vùng nguyên liệu. Để có một sản phẩm tốt thì phải có nguyên liệu tốt, mà muốn có nguyên liệu tốt thì chúng tôi cũng phải quan tâm đến người nông dân, những người trực tiếp trồng cà phê.
Chúng tôi đồng hành cùng bà con nông dân, hỗ trợ bà con trong giai đoạn khó khăn do giá cả vật tư tăng cao, phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng như hiện nay. Vì điều này, có thể trong giai đoạn sau bà con cũng yên tâm hợp tác với mình hơn. Đó là những giải pháp cơ bản của chúng tôi trong giai đoạn khó khăn này.
Đang bị sức ép do thiếu lao động
Ông Đoàn Văn Trường, Giám đốc Nhân sự và Đối ngoại - Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát
Năm 2010, kết quả sản xuất kinh doanh của chúng tôi khá tốt. Trong 3 tháng đầu năm nay, tình hình hoạt động tại công ty cũng có những con số khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn về giá cả lên cao, chúng tôi hiện đang bị sức ép do thiếu lao động, ảnh hưởng đến việc tiếp cận những cơ hội mới.
Năm nay, kế hoạch của chúng tôi là mở rộng thêm nhà máy mới. Tuy nhiên, việc tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu phát sinh mới khá khó khăn.
Ví dụ sản lượng theo kế hoạch tháng 4/2011 của chúng tôi là 2.000 tấn sản phẩm thì lao động hiện chỉ đủ đáp ứng. Nhưng với các đề nghị cung cấp sản phẩm mới từ ngay những khách hàng lâu năm hiện nay, nếu không có công nhân thì chắc chắn chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều. Nhưng việc tuyển dụng khá là khó khăn.
Bởi vì, thị trường lao động tại Hải Dương, địa bàn chúng tôi hoạt động, chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 10 nghìn nhân công, trong khi nhu cầu lao động cần đến 15-18 nghìn người. Cho nên, có khoảng 5 nghìn lao động luôn dịch chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, đặc biệt là lao động phổ thông. Chính vì thế chúng tôi chịu thêm nhiều chi phí tuyển dụng và đào tạo lại.
Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã có kế hoạch tuyển dụng lao động xa hơn, vào tận Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, hay khu vực Tây Bắc như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… là những nơi chúng tôi đang tuyển dụng lao động bổ sung, đặc biệt là lao động phổ thông.
Thậm chí để tuyển mới được lao động, chúng tôi cũng có chế độ chi trả người giới thiệu lao động cho công ty. Nếu doanh nghiệp nào có nguồn cung lao động tốt cho chúng tôi thì có thể ký hợp đồng dài hạn với các đơn vị này.
Năm nay có nhiều yếu tố tích cực hơn
Ông Lương Văn Tư, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Nhôm Đô Thành
Nhôm Đô Thành rất vinh dự được công nhận là Thương hiệu mạnh, đây là phần thưởng cho những nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên của công ty.
Trong năm nay, chúng tôi nhìn nhận rằng, dù nền kinh tế được dự báo sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng chắc chắn trong khó khăn đó, Nhôm Đô Thành sẽ tranh thủ nắm bắt những cơ hội cho mình.
Việc Chính phủ chủ trương thắt chắt tiền tệ, tín dụng sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải “thắt lưng buộc bụng”, đồng tâm hiệp lực để cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nếu so sánh năm nay với năm 2009 thì năm nay có nhiều yếu tố tích cực hơn, vì không phải rơi vào cảnh suy giảm kinh tế. Chính vì thế, chúng tôi vẫn tin tưởng và mở rộng sản xuất gấp đôi năm ngoái.
Hiện có nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thu hẹp sản xuất, song Nhôm Đô Thành vẫn mở rộng sản xuất vì nhu cầu sản phẩm nhôm trên thị trường là tương đối lớn. Dự kiến năm nay chúng tôi mở rộng sản xuất lên 150%.
Quan trọng là cách thức xoay xở trong khó khăn
Ông Đồng Xuân Việt, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong
Tình hình kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2011. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều quan trọng là cách thức mà doanh nghiệp xoay xở trong thời điểm khó khăn.
Chẳng hạn năm ngoái, trong khi tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, xây dựng của cả nước chỉ đạt tỷ lệ tăng trưởng 7,7% thì tốc độ tăng trưởng doanh thu của Nhựa Tiền Phong đã lên tới 30%, đạt gần 2 ngàn tỷ đồng, tăng 446 tỷ đồng so với năm trước. Cũng trong năm này, trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao thì lợi nhuận trước thuế của Nhựa Tiền Phong vẫn đạt trên 350 tỷ đồng.
Nói vậy không phải là không có những khó khăn, chẳng hạn trong vấn đề tỷ giá, chúng tôi nhập khẩu tới gần 90% nguyên liệu phục vụ sản suất nên năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Chúng tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là vấn đề chất lượng sản phẩm, một khi sản phẩm đã xác lập được uy tín của mình trên thị trường bằng yếu tố chất lượng thì thực sự không đáng lo. Chính chất lượng sản phẩm là yếu tố giúp chúng tôi vượt qua được những thời điểm khó khăn.
Về vấn đề xây dựng thương hiệu, chúng tôi cho rằng đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Thương hiệu Nhựa Tiền Phong của chúng tôi đã được xây dựng trên cơ sở chất lượng sản phẩm, và trong những thời điểm khó khăn như thế này thì điều đó đã giúp chúng tôi rất nhiều.
Kinh doanh phải gắn với trách nhiệm xã hội
Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC)
Trong thành công của chúng tôi, yếu tố xuyên suốt, căn bản chính là uy tín và chất lượng luôn được đảm bảo. Yếu tố thứ hai là chúng tôi luôn luôn chú trọng việc gìn giữ thương hiệu, coi đó là một trong những công việc ưu tiên trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Một vấn đề khác là chúng tôi luôn chú trọng đến các hoạt động xã hội, chúng tôi đã thực hiện nhất quán trong hơn 20 năm qua. Đây không phải là việc làm hình thức mà là xuất phát từ cái tâm của người kinh doanh muốn chia sẻ với cộng đồng. Về vấn đề này, chúng tôi chú trọng ba điểm.
Thứ nhất là phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, thể hiện qua việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, do đó phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Thứ hai là kinh doanh nhưng không chạy theo lợi nhuận đơn thuần mà phải hướng tới phát triển bền vững và tham gia bảo vệ môi trường. Thứ ba là từ thành quả kinh doanh phải đến được với những người khó khăn, cùng chung tay với nhà nước và các doanh nghiệp khác để giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội.
Tỷ giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể
Ông Đoàn Thiên Hưng, Phó tổng giám đốc Nhân Luật Group
Chúng tôi vừa trải qua một năm đáng nhớ, vì trong khó khăn nhưng vẫn mở rộng được hoạt động kinh doanh.
Trong năm 2010, Nhân Luật đã mở mới thêm chi nhánh Kon Tum, nâng tổng số cơ sở kinh doanh thép Nhân Luật lên con số 20. Từ đây, mạng lưới kinh doanh phân phối thép Nhân Luật được trải dài trong cả nước, với đầy đủ các kho hàng, thiết bị vận chuyển, nhanh chóng và thuận tiện trong việc đảo bảo giao dịch, cung ứng kịp thời cho tiến độ, yêu cầu của khách hàng.
Nhờ đó, chúng tôi đã chiếm được 1% thị trường thép nội địa cung ứng trực tiếp đến tận người tiêu dùng và Nhân Luật giữ vị trí 4 năm liên tiếp nằm trong nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
2011 tiếp tục được đánh giá là một năm khó khăn. Đối với chúng tôi, vấn đề tỷ giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi đang bước vào năm hoạt động 2011 với quyết tâm mạnh mẽ hơn trên nền tảng của năm 2010. Ngoài ngành thép, chúng tôi đang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, năng lượng và đào tạo để hướng tới phát triển theo mô hình một công ty đa ngành.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com