Không chỉ người dân, lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhiều ngành hàng cũng tỏ ra lo lắng, quan ngại về chiều hướng giá cả bất lợi thời gian tới. Tiếp tục theo sát tình hình và chuẩn bị các phương án đối phó là trạng thái chung của cộng đồng.
Xưa nay trong nhiều trường hợp, hoàn cảnh, giới kinh doanh luôn được nhìn nhận là lực lượng hào hứng với việc tăng giá sản phẩm dịch vụ. Lợi dụng tình hình, biến động để tâng giá không phải là chuyện hiếm gặp, song thực tế của bối cảnh đầu ra của sản phẩm ngày càng co lại khiến nhiều doanh nghiệp hiện cũng "phát sợ" trước diễn biến tăng của chi phí đầu vào.
Anh Lê Thành Sơn - lãnh đạo Công ty Giấy Anh Phú, chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng giấy ăn, bao bì, tập vở tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh ngao ngán cho biết, nhiên liệu tăng cao được nhiều người quan tâm nhưng ít ai biết rằng với doanh nghiệp, vừa rồi phí môi trường được áp lên tới 20% cũng là một áp lực lớn hơn cả.
Nhiều năm lăn lộn trên thương trường và chuyên chỉ trong nghề giấy, anh Sơn đánh giá, giá xăng dầu, nhiên liệu tăng sẽ tác động đến giá thành phẩm của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế. Song nếu nguồn tài chính của nhà nước và doanh nghiệp vững mạnh, thanh khoản tốt thì giá xăng dầu, gas có tăng cũng chỉ là những yếu tố "nhỏ nhặt", không hề hấn gì đến giá cả đầu ra của doanh nghiệp.
"Những đơn vị làm ăn thực thụ, cẩn thận tính toán, lấy chất lượng làm chỗ đứng thì trong thời điểm khó khăn, họ vẫn phát triển, doanh số và khách hàng vẫn tăng lên. Hiện nay, nếu doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ổn định thì mức độ tăng giá sản phẩm do xăng dầu sẽ là không đáng kể, chỉ trong 5-7%. Còn ngược lại, tiếp cận tài chính còn quá khó khăn với chi phí cao, khi mọi thứ đều lạm phát thì doanh nghiệp cũng không giữ được mình" - anh Sơn bộc trực.
Lãnh đạo hệ thống phân phối bán lẻ Fivimart - bà Vũ Thị Hậu nhận định, mức tăng của các yếu tố đầu vào của sản xuất như hiện giờ, giá cả các mặt hàng dự báo sẽ ít nhiều được điều chỉnh theo chiều hướng tăng lên nhưng sẽ khó tạo thành một làn sóng đồng loạt như các đợt tăng giá trước kia.
Lý do là theo bà Hậu, sức tiêu thụ của thị trường hiện khá chậm. Như dịp Tết vừa qua, doanh số cũng đã kém hơn cùng kỳ các năm trước. Do đó, các nhà sản xuất, cung cấp lúc này có muốn tăng giá thì cũng phải tính toán, cân đối rất kỹ vấn đề tiêu thụ sản phẩm và tốc độ tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, một số DN taxi tại Hà Nội cho biết, với việc tăng giá xăng 10% thì theo tính toán cước taxi sẽ phải tăng thêm 500 đồng/km mới tương đương. Sắp tới các DN taxi chắc chắn sẽ tăng giá. Thời gian vừa qua hàng loạt hãng taxi đã gặp khó khăn về tài chính, lãi suất ngân hàng cao. Xăng tăng lần này càng khiến hoạt động của taxi thêm khó khăn.
Nhưng hiện tại chưa thấy DN taxi nào tăng vì vậy vẫn đang phải nhìn nhau. Theo ông Nuyễn Văn Khởi, giám đốc Công ty CP Du lịch và Vận tải Vy Linh, có trụ sở tại Yên Nghĩa Hà Đông kinh doanh dịch vụ taxi thì với dịch vụ taxi, muốn tăng giá cũng không phải dễ. Theo quy định, nếu muốn tăng cước, các hãng taxi thì với taxi, muốn tăng giá ngay cũng không được trình Sở giao thông vận tải, Sở tài chính, cơ quan thuế, sau đó chờ trung tâm kiểm định tháo niêm chì để lập trình lại hệ thống thanh toán tự động.
"Trong thời gian chưa được các cơ quan chức năng cho phép tăng cước, các hãng taxi vẫn phải chấp nhận chịu lỗ bằng cách bù lỗ tiền xăng cho các lái xe", ông Khởi nói.
Còn với chuyên chở khách du lịch, ông Trần Anh giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Hoàng Mai (Thanh Xuân Hà Nội) cho biết kinh tế khó khăn, số lượng người đi du lịch, lễ hội giảm hẳn dẫn đến muốn tăng giá vận chuyển cũng khó khăn. Dù giá xăng tăng cao, nhưng giá cước khó tăng mạnh bởi cạnh tranh gay gắt giữa các DN. Cứ phải nhìn nhau, nếu các DN cùng tăng thì sẽ tăng theo, nếu tự ý tăng rất dễ mất khách. Hoạt động vận chuyển khách du lịch thời gian qua đã khó khăn nay sẽ gặp khó khăn hơn.
Thành Dũng - Trần Thủy (VEF)
(VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com