Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự án điện chậm tiến độ: Quy trách nhiệm cho ai?

Nhiệt điện Na Dương chậm tiến độ tới 4 năm

Vừa qua, báo DĐDN có bài viết “Các dự án nhiệt điện chạy than: 100% chậm tiến độ”. Thiết nghĩ, điện là “mạch máu” của nền kinh tế và với tình trạng này điện sẽ còn thiếu đến bao giờ và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những dự án điện bị chậm ?

Theo tính toán của Bộ Công Thương, từ nay đến năm 2015, nước ta sẽ tiếp tục đầu tư và đưa vào vận hành nhiều nhà máy điện mới. Năm 2010, theo dự báo việc tiêu thụ điện tăng khoảng 14-15% so với những năm trước và việc đáp ứng rất căng thẳng. Trong khi đó, trao đổi với DĐDN, ông Hoàng Tiến Dũng - Viện phó Viện năng lượng nhận định: Những năm trước việc thiếu điện đã diễn ra triền miên và không có dự phòng, nếu trong trường hợp có một tổ máy bị hỏng hay gặp trục trặc sẽ không có  thay thế. Theo dự báo, năm nay tình trạng này vẫn diễn ra trong khi việc đáp ứng nhu cầu điện (trường hợp không có sự cố) đạt khoảng 90-95%. Tuy nhiên rủi ro trong lĩnh vực điện, nhất là thuỷ điện thì khó lường trước được.

Bao giờ hết cảnh "ăn đong" ?

Theo Bộ Công Thương, để đáp ứng nhu cầu phát triển, mỗi năm, cả nước cần bổ sung vào hệ thống lưới điện quốc gia 3.000- 5.000 MW (chưa tính nguồn điện dành để dự phòng). Nhưng do hầu hết dự án điện đều chậm tiến độ từ một đến hai năm nên hệ thống điện quốc gia luôn nơm nớp lo thiếu điện 20 - 30%.

Ông Đỗ Hữu Hào - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định: Với tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia hiện nay là 14.000 - 15.000 MW, cả nước luôn trong tình trạng "ăn đong", phát điện được bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu. Trong khi đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, hệ thống điện quốc gia phải có 20-30% công suất dự phòng, nghĩa là VN phải có ít nhất 4.000 - 5.000 MW dự trữ. Nguồn dự trữ này sẽ đảm bảo khi có sự cố nguồn điện hay khi đến lịch sữa chữa, bảo dưỡng của một công trình điện thì tình hình điện sẽ không bị căng thẳng

 Năm 2010, dự báo có một số nhà máy đi vào vận hành. Chẳng hạn Hải Phòng I, Quảng Ninh I, Cẩm Phả... đi vào vận hành nên việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện có thể giảm căng thẳng hơn so với những năm trước. Tuy nhiên việc thiếu điện vẫn khó tránh khỏi. Năm nay, hệ thống điện dự kiến huy động thêm 4.960 MW, nhưng nhiều dự án phải sang 2012 mới có thể khai thác như nhiệt điện Ô Môn 1 (công suất 300 MW), turbin khí hỗn hợp Nhơn Trạch 2 (750 MW)... Đặc biệt, theo báo cáo của Ban chỉ đạo quy hoạch điện VI, công trình càng lớn, càng bị chậm tiến độ như: nhiệt điện Vũng Áng 1 (600 MW) do Lilama làm chủ đầu tư, nhiệt điện Mạo Khê 2 (220 MW) do TKV làm chủ đầu tư.

Mặc dù trong bối cảnh điện phải "ăn đong" thì lẽ ra các dự án điện phải nhanh chóng đi vào hoạt động, nhưng tình hình lại hoàn toàn ngược lại. Tình trạng chậm tiến độ dẫn đến thiếu điện đã diễn ra từ nhiều năm trước và vẫn tiếp tục dai dẳng. Theo tìm hiểu của người viết, hầu hết nguyên nhân gây chậm tiến độ các dự án điện chủ yếu do thiếu tập trung chỉ đạo nên bị chậm trong chuẩn bị đầu tư. Công tác thiết kế và phê duyệt thiết kế chậm, thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu chưa kịp thời. Các nhà thầu do ôm đồm quá nhiều công trình nên không thể đáp ứng yêu cầu nhân lực và thiết bị thi công. Bên cạnh đó, những rào cản về thủ tục phê duyệt, thanh toán cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công trình. Đặc biệt, với những công trình yêu cầu nguồn vốn lớn trên 20.000 tỷ đồng phải mất hàng năm để làm thủ tục liên quan. Hậu quả của việc chậm trễ này là ngành điện luôn "hụt hơi" chạy theo nhu cầu phụ tải, chưa nói đến việc đi trước, đón đầu nền kinh tế.

Khó chữa căn bệnh mãn tính

Theo một đại diện của Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương, các dự án đạt kết quả không như mong muốn vì bản thân các chủ đầu tư là các tập đoàn nhà nước lớn như: EVN, PVN, TKV... chưa làm tốt trách nhiệm, khiến dự án bị kéo dài và mất nhiều chi phí đầu tư.

Một chuyên gia trong lĩnh vực điện lại cho rằng, tình trạng không thống nhất về định mức, tổng dự toán, không ký hợp đồng nhưng vẫn đưa thiết bị, công nhân đến, rồi làm lễ khởi công “hoành tráng”, không đúng với thiết kế được duyệt diễn ra ở khá nhiều công trình điện thời gian qua mới là mấu chốt của bài toán chậm tiến độ.

Lấy ví dụ, ngoài việc các dự án chậm tiễn độ thi công, thì việc cung ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất điện, mà cụ thể là than cho các dự án nhiệt điện chạy than đang gặp nhiều khó khăn. Theo tính toán, nhu cầu than cho các nhà máy điện của EVN và các nhà máy do EVN nắm cổ phần chi phối năm 2010 khoảng 9,6 triệu tấn và 49 triệu tấn vào 2015. Nhưng TKV cho biết, TKV chỉ có thể đáp ứng với điều kiện giá than là giá thị trường và TKV nắm giữ luôn 30% cổ phần tham gia trong các dự án nhiệt điện của EVN.

Để đảm bảo nguồn than mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác trong nước, khả năng nhập than đã được EVN tính đến. Nhưng hai nguồn than EVN đã có những khảo sát sơ bộ là Australia và Indonesia thì trong những năm tới, việc nhập khẩu cũng gặp trở ngại vì một số nước trong khu vực cũng đang cạnh tranh mua than của các nước này để cung ứng cho các nhà máy trong nước... Chưa nói đến những khó khăn về việc phải thu xếp một khối lượng vốn đầu tư khổng lồ (dự kiến trên 466.000 tỷ đồng từ nay đến 2015), thì việc đảm bảo nguồn nhiên liệu than với giá tốt, ổn định lâu dài để cung ứng đầu vào cho các dự án của EVN xem ra chưa thuận buồm xuôi gió.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, nhận định: “Nếu không được giải quyết triệt để, ngành điện khó chữa được căn bệnh mãn tính, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cả nền kinh tế”.

Khó quy trách nhiệm

Câu hỏi được đặt ra cho những dự án điện chậm tiến độ là “Ai sẽ chịu trách nhiệm ?” thật khó có câu trả lời khi mà với hàng chục công trình chậm tiến độ đều rất khó quy trách nhiệm thuộc về ai. Như phân tích ở trên thì sự chậm trễ này có rất nhìeu nguyên nhân, mỗi khâu chỉ cần làm chậm đi một chút thì cả công trình sẽ phải chậm hàng năm.

Về nguyên tắc thì ai làm chậm sẽ phải chịu phạt là đương nhiên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, phạt rất khó, bởi quá trình thực hiện dự án phải theo cả dây chuyền. Ông Đỗ Hữu Hào - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Lý do dẫn đến hầu hết các dự án thuỷ điện chậm tiến độ còn do công tác chuẩn bị chưa tốt, di dân tái định cư khó khăn, một số nhà thầu không đủ nhân lực để triển khai. Hiện nay, pháp luật chưa quy định về trách nhiệm người đứng đầu nếu để dự án chậm tiến độ nên, việc thưởng, phạt các nhà thầu rất khó thực hiện. “Chúng ta đang thiếu tổng công trình sư có trách nhiệm đứng ra bao quát, quản lý, điều hành để các dự án vận hành đúng kế hoạch” - ông Hào nói.

Một chuyên gia tư vấn về các dự án điện cho rằng, rất khó có thể quy trách nhiệm cho một cá nhân hay một nhóm người ở một khâu nào đó trong cả dự án. Bởi theo vị chuyên gia này thì việc chậm tiến độ các công trình lớn này nhiều khi là bất khả kháng. Ví dụ: Ở nhiều công trình, các nhà thầu cung ứng thiết bị của nước ngoài (chủ yếu là các nhà thầu Trung Quốc) thường cung ứng bản vẽ công nghệ chậm nên tư vấn trong nước không thể đưa ra bản vẽ thi công; Cung ứng các chi tiết đặt sẵn chậm khiến tiến độ thi công bê tông bị chậm...; Hoặc do không thể giải phóng mặt bằng... Ngoài ra, nhiều công trình chậm tiến độ do điều kiện khách quan, đó là những biến cố bất thường về địa chất thuỷ văn như mưa lũ, sạt lở...

Trong khi đó, ông Hoàng Tiến Dũng - Viện phó Viện Năng lượng nhận định: Chậm các dự án điện thuộc về nhiều phía, bên nào cũng có "đóng góp" vào sự chậm trễ, từ phía cơ quan quản lý nhà nước quy hoạch chưa tốt, theo dõi giám sát, phê duyệt còn chậm. Phía chủ đầu tư cũng có trách nhiệm, năng lực có thể kém, không thu xếp đủ vốn. Phía địa phương cũng có trách nhiệm do giải phóng mặt bằng chậm. Chậm hàng năm trời cũng còn do nhà thầu năng lực kém.

"Nếu để phạt cho sự chậm trễ lại càng khó, với nhà thầu tổng thầu EPC, họ có ràng buộc trong hợp đồng nếu chậm 1 ngày thì bị phạt 0,05% giá trị hợp đồng, tối đa chỉ bị phạt 10% (tương đương 6 tháng). Trong trường hợp nhà thầu chậm quá 6 tháng đôi khi họ sẽ không quan tâm tới sự chậm trễ nữa, bởi vì đằng nào cũng chỉ bị phạt 10%. Tuy nhiên, càng chậm thì nhà thầu càng thiệt hại, mặc dù không còn bị sức ép về mặt tiến độ nhưng vẫn phải bỏ tiền thuê nhân công, máy móc để làm việc trên công trường" - ông Dũng khẳng định.

Thay lời kết

Các chuyên gia cho rằng, điện là loại hàng hoá sản xuất ra không giữ được nên nhu cầu tiêu thụ bao nhiêu thì phải có kế hoạch sản xuất bấy nhiêu để đáp ứng. Trên cơ sở dự báo nhu cầu điện mới xây dựng kế hoạch sản xuất. Việc chậm tiến độ đồng nghĩa với việc không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều người cho rằng việc chậm các công trình điện là "bất khả kháng", tuy nhiên trên thực tế việc chậm là có nguyên nhân rõ ràng, chỉ có điều phải rút kinh nghiệm để lập các quy hoạch phù hợp hơn với thực tế. Chẳng hạn cần phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Việc thời gian thi công cũng cần xem xét lại, có thể phải kéo dài hơn, thông thường là 36 tháng nhưng do nhiều nguyên nhân (hiện các dự án điện trên thế giới rất nhiều - PV) nên các nhà sản xuất không thể đáp ứng đủ... Vì vậy, có thể kéo dài hợp đồng, không phải 36 tháng mà có thể là 48 tháng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào khẳng định: “Chúng ta đang thiếu tổng công trình sư có trách nhiệm đứng ra bao quát, quản lý, điều hành để các dự án vận hành đúng kế hoạch”.

Trong nhiều lý do thiếu điện, chậm tiến độ, chủ đầu tư các dự án điện thường lấy lý do thiếu vốn. Nhưng ngoài lý do này, vấn đề cốt lõi còn lại phải là thủ tục hành chính và năng lực của chủ đầu tư cần được xem xét kỹ và có giải pháp hiệu quả hơn.

Lời giải cho bài toán chậm tiến độ các dự án điện vẫn còn ở phía trước. Không biết với những giải pháp được cho là cấp bách hiện nay, liệu các công trình điện có được đẩy nhanh tiến độ để ngành điện không lâm vào cảnh "ăn đong" như hiện nay ? Bởi việc chậm các dự án điện khiến Nhà nước đang phải chịu thiệt hại hàng triệu USD trong khi điện thì vẫn thiếu trầm trọng nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm. Trước tình trạng ỳ ạch làm điện của các chủ đầu tư, không ai dám đảm bảo rằng, năm 2010 cả nước sẽ không chịu cảnh thiếu điện, cắt điện luân phiên. Và việc mất cân đối cung cầu của ngành điện hoàn toàn có thể xảy ra.

Thiết nghĩ, cần phải quy rõ trách nhiệm về một mối bởi việc chậm các dự án điện không chỉ ảnh hưởng tới việc cung ứng nguồn điện quốc gia mà quan trọng hơn, nó ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế - xã hội. Và như vậy, việc chậm các dự án điện sẽ kéo theo sự ì ạch của nền kinh tế.
 
Các dự án đạt kết quả không như mong muốn vì bản thân các chủ đầu tư là các tập đoàn nhà nước lớn như: EVN, PVN, TKV... chưa làm tốt trách nhiệm. Hơn nữa, tình trạng không thống nhất về định mức, tổng dự toán, không ký hợp đồng nhưng vẫn đưa thiết bị, công nhân đến, rồi làm lễ khởi công “hoành tráng”, không đúng với thiết kế được duyệt diễn ra ở khá nhiều công trình điện thời gian qua cũng là mấu chốt của bài toán chậm tiến độ.

(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Doanh nghiệp gỗ lúng túng
  • Chính thức khai thác tuyến bay TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Phú Quốc
  • Hai ngày, ra mắt hai tập đoàn kinh tế mới
  • Vietnam Airlines mở thêm 4 đường bay mới
  • Dịch vụ tư vấn tài chính cho cá nhân tại Habubank: An cư mới lạc nghiệp
  • FPT Telecom mở thêm 7 chi nhánh mới
  • TGM trở thành đối tác của Adam Khoo tại Việt Nam
  • Đổi mới công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao