Việc chuyển đổi sang mô hình cổ phần hoá sẽ giúp EVNTelecom có thêm nguồn vốn đầu tư và những quyết sách mới. Ảnh: Đức Than |
EVNTelecom sẽ cổ phần hoá theo nguyên tắc giữ nguyên phần vốn của Nhà nước hiện có trong doanh nghiệp và thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, các cổ đông và cán bộ công nhân viên. Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, để mua được cổ phần của EVNTelecom, nhà đầu tư nước ngoài phải thoả mãn các điều kiện, như có kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông trên thế giới, có kinh nghiệm triển khai mạng 3G....
Việc chuyển đổi sang mô hình cổ phần hoá sẽ giúp EVNTelecom có thêm nguồn vốn đầu tư, cũng như những quyết sách mới trong tiến trình hoạt động kinh doanh, nhằm thoát khỏi vị trí cuối trong Bảng xếp hạng các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. Theo con số mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra mới đây, EVNTelecom đang đứng thứ 7 trong số 7 doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng với thị phần tính theo số lượng thuê bao là 1,1%.
Song hành cùng việc cổ phần hoá, EVNTelecom cũng không ngừng nỗ lực đẩy mạnh việc ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác, để phát triển các dịch vụ viễn thông, trong đó có dịch vụ 3G. Gần đây nhất, EVNTelecom ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán điện lực và viễn thông (EC Pay) về việc tích hợp giải pháp thanh thoán điện tử trên SIM 3G của EVNTelecom, giúp khách hàng có thể thanh toán trực tiếp hoá đơn điện, điện thoại bằng tài khoản thuê bao di động của EVNTelecom.
Cùng với EVNTelecom, S-Fone cũng đang trông chờ vào việc hồ sơ chuyển đổi từ mô hình hợp tác kinh doanh (BCC) sang mô hình liên doanh dự kiến sẽ được phê chuẩn trong tháng này. Lãnh đạo S-Fone khẳng định, việc chuyển đổi mô hình sẽ “cởi trói” cho nhà mạng này, đặc biệt là trong vấn đề tài chính và chiến lược kinh doanh.
Theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, nếu thời gian chuyển đổi mô hình hoạt động của S-Fone kéo dài, thì khó khăn của Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT, đơn vị cùng với SK Telecom Việt Nam ký kết hợp đồng BCC thành lập S-Fone) sẽ càng lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro không nhỏ.
Dự kiến, nếu phương án thành lập liên doanh được phê chuẩn, SPT sẽ nắm giữ 80% vốn trong liên doanh, còn SK Telecom Việt Nam nắm giữ 20%. SPT cũng dự định sẽ vay vốn để mua lại 20% tỷ lệ vốn góp của SK Telecom Việt Nam sau khi mô hình liên doanh được thông qua. Đồng thời, SPT sẽ lựa chọn nhà đầu tư mới và chào bán 20-30% tỷ lệ vốn góp của mình trong vốn điều lệ của liên doanh. Giá bán sẽ được quyết định trên cơ sở đánh giá cơ hội thị trường và lợi ích cao nhất có thể có cho cổ đông.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com