Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

FPT Nhật Bản: Vững bước hơn sau cơn đại địa chấn

Vượt qua thảm họa, FPT ở Nhật Bản từng bước khẳng định vị trí ở thị trường vốn khó tính này. (Nguồn: Internet)
Trận động đất khủng khiếp dẫn đến thảm họa kép ở Nhật Bản ngày 11/3/2011 là một nỗi kinh hoàng không chỉ cho người dân xứ sở hoa anh đào. Song, dù tình cảnh có có khăn nhưng cũng không làm những “Người FPT” ở Nhật Bản nhụt chí. Họ vẫn trụ lại, từng bước đi lên, khẳng định Trí Tuệ Việt với ngành phần mềm Nhật Bản.

Vượt khó

Trò chuyện với Vietnam+, ông Trần Xuân Khôi, Giám đốc Công ty FPT Nhật Bản, thuộc Công ty FPT Software (Tập đoàn FPT) bảo rằng, ngay từ năm 1999, FPT đã chuẩn bị cho việc xuất khẩu phần mềm. Đến năm 2000 thì Công ty FPT Software ra đời để hiện thực hóa việc này.

Khách hàng Nhật Bản đầu tiên đến với FPT Software vào năm 2001 là NTT-IT với một dự án nhỏ. Song, đó lại là một thử thách đầu tiên của người Nhật với một công ty Việt. Sau khi hoàn thành xong dự án, cánh cửa thị trường Nhật Bản đã dần mở với FPT.

Năm 2003, một loạt các thương hiệu mạnh của Nhật như Hitachi, Nissen đã có hợp tác làm ăn với FPT. Đó cũng là lý do mà đến 2005, FPT quyết định thành lập FPT Nhật Bản để phục vụ gia công phần mềm cho đối tác.

Những ngày đầu ở Nhật, FPT gặp rất nhiều khó khăn. Tuy đã tìm hiểu về văn hóa, cách làm của người Nhật nhưng khi làm việc cùng vẫn còn những rào cản.

Hơn thế, cả công ty không có ai biết nói tiếng Nhật. Sau khi tìm kiếm mãi, FPT mới “chiêu mộ” được một người thông thạo tiếng Nhật – vốn làm ở khách sạn Nikko. “Cái khó là, phiên dịch không phải chỉ dịch đơn thuần mà còn phải truyền tải được ý của khách hàng cho đội dự án và ngược lại,” ông Khôi nói.

Ngoài ra, khách hàng Nhật nổi tiếng là khó tính và khắt khe về chất lượng. Các công ty Nhật đều có những chuẩn mực rất cao về chất lượng, đo đạc hàng ngày và đòi hỏi phân tích dữ liệu rất sâu mà ngay từ đầu tiên FPT chưa thể đáp ứng. Khoảng cách giữa kỳ vọng của khách hàng và năng lực sản xuất của phía FPT thời điểm ban đầu là khá lớn. Chuyện phải thức thâu đêm để làm dự án đảm bảo chất lượng và thời điểm bàn giao sản phẩm là chuyện bình thường khi đó.

Tám năm ở Nhật, người FPT có vô vàn kỷ niệm, nhưng đáng nhớ nhất chính là thảm họa 11/3 khiến cả thế giới hoảng sợ. “Khi chúng tôi đang làm việc trên văn phòng thì tòa nhà rung lắc dữ dội. Ngay sau đó các tuyến điện thoại bị ngắt không liên lạc được. Toàn bộ hệ thống tàu điện bị dừng và sau đó mấy hôm thì hết thực phẩm tại siêu thị, Tokyo bắt đầu bị cắt điện luân phiên. Thông tin về việc rò rỉ nhà máy điện hạt nhân tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Người nước ngoài lũ lượt rời khỏi Nhật Bản,” ông Khôi bồi hồi nhớ lại.

Khi ấy, những người lo lắng nhiều nhất không phải là anh chị em FPT Nhật Bản mà chính là gia đình ở Việt Nam. Các phụ huynh mong muốn con cái phải về nước, liên tục gọi điện và yêu cầu công ty có biện pháp giải quyết.

Lúc ấy, FPT đứng trước sự lựa chọn: Có sát cánh với khách hàng trong lúc khó khăn hay không? Đích thân Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Trương Gia Bình đã sang Nhật, thăm hỏi và động viên cán bộ, nhân viên. Thông tin về phóng xạ liên tục được cập nhật, và khi đã biết thông tin chính xác, FPT đã quyết định ở lại, cùng khách hàng vượt qua thảm họa. Tại Việt Nam, lãnh đạo FPT đã đến tận nhà của nhân viên để chia sẻ thông tin cho phụ huynh, giúp họ yên tâm về người thân ở Nhật.

Quả ngọt

Với quyết định ở lại ấy, FPT ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng. Thêm vào đó, thảm họa khiến nước Nhật bị tổn hại nặng nề, nhu cầu cắt giảm chi phí ngày càng nhiều trong khi FPT đã và đang đáp ứng đúng nhu cầu này. Thêm vào đó, đội ngũ nhân viên của FPT ngày càng trưởng thành và quen với cách làm việc của Nhật, số người nói tiếng Nhật tăng nhanh chóng…

Cười thật tươi, ông Khôi bảo kết quả kinh doanh năm 2011 đã đạt con số 33 triệu USD và dự kiến đạt 43 triệu USD trong năm 2012.

Cũng theo “đầu tàu” của FPT tại Nhật Bản, “quả ngọt” không chỉ bởi doanh thu tăng hàng năm, mà qua công việc, đã có những mối tình được đơm hoa kết trái. Trong FPT, nhiều người đã kết hôn với khách hàng Nhật sang làm việc tại Việt Nam. Còn ở Nhật Bản, đã có 5 cô gái Việt lấy chồng người Nhật.

Khi được hỏi về cơ hội của các doanh nghiệp công nghệ Việt ở thị trường vốn nổi tiếng là khó tính bậc nhất này, ông Trần Xuân Khôi thẳng thắn cho rằng, các công ty khác cũng có thể làm được. Bởi, nhu cầu vẫn còn rất nhiều và FPT mới chỉ làm một phần rất nhỏ trong miếng bánh công nghệ thông tin khổng lồ của Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng sang Nhật Bản cần đầu tư vào các trọng điểm như nguồn nhân lực kỹ sư nói tiếng Nhật, quy trình quản lý chất lượng theo kiểu Nhật và cơ sở hạ tầng có tính bảo mật cao (gồm văn phòng mạng, các quy tắc bảo mật an toàn dữ liệu).

Và, một điều không thể thiếu là “quyết tâm của lãnh đạo, kiên trì và làm đến cùng,” ông Khôi chốt lại.
 
Đỗ Lê Phạm (Vietnam+)

  • Doanh nghiệp hết vốn: Sau đám tang, sẽ là đám cưới
  • Kiến nghị thu hồi nhiều khoản tiền lớn tại Viettel
  • Doanh nghiệp lo sợ, nhìn nhau tăng giá
  • Vấn nạn của doanh nghiệp vận tải hàng hóa
  • Doanh nghiệp, nhà kinh tế chia sẻ kinh nghiệm “vượt bão”
  • Giải bài toán tuyển dụng cho DN
  • Kinh doanh trên mạng bắt đầu vượt vũ môn
  • Chủ tịch Vinamilk được Forbes vinh danh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao