Tuy nhiên, với sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể lãnh đạo, CBCNV, PV Gas đã vượt qua mọi khó khăn để đạt những thành tích đáng tự hào qua từng năm. |
Với tên gọi ban đầu là Công ty Khí đốt được thành lập với chức năng chính là thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí, PV Gas đã bước vào một lĩnh vực hoạt động hoàn toàn mới, gặp không ít khó khăn, thách thức ban đầu.
Những dự án tầm cỡ
Năm 1993, dự án sử dụng khí Bạch Hổ được triển khai, với tổng mức đầu tư 600 triệu USD. Tháng 5/1995, dòng khí đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ được đưa vào bờ để cung ứng cho Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa với công suất 1 triệu m3 khí/ngày. Năm 1998, PV Gas hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, hệ thống kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng PV Gas - một sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Đây là lần đầu tiên khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và ngưng tụ (condensate) được sản xuất tại Việt Nam.
Tháng 12/2002, dự án khí Nam Côn Sơn được hoàn thành. Dự án có sự tham gia của các đối tác nước ngoài là những Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia lớn nhất trên thế giới như BP của Vương Quốc Anh và ConocoPhillips của Mỹ, với tổng mức đầu tư gần 600 triệu USD, công suất 7 tỷ m3 khí/năm.
Tháng 4/2007, dự án đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau hoàn thành, bắt đầu vận chuyển khí thiên nhiên được khai thác tại bể Mã Lai – Thổ Chu thuộc khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia về Việt Nam để cung ứng cho các hộ tiêu thụ (Nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2) bằng đường ống dài trên 300 km. Dự án có tổng mức đầu tư trên 214 triệu USD và công suất vận chuyển 2 tỷ m3 khí/năm.
Năm 2010, PV Gas tiếp tục khởi công xây dựng đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn - dự án quan trọng có tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD, trong đó PV Gas tham gia 51% và các đối tác nước ngoài tham gia 49%. Mục tiêu của Dự án khi hoàn thành sẽ vận chuyển khí thiên nhiên được khai thác từ các Lô B & 48/95 và 52/97 thuộc vùng biển Tây Nam Việt Nam với công suất 18,3 triệu mét khối khí/ngày (tương đương 6,4 tỷ mét khối khí/năm) để cung ứng cho các nhà máy điện tại Trung tâm Ðiện lực Ô Môn, Trà Nóc của Cần Thơ (tổng công suất 3.000 MW), cung ứng bổ sung một phần khí cho Khu công nghiệp Khí-Ðiện-Ðạm tại tỉnh Cà Mau cũng như các hộ tiêu thụ khác ở Tây Nam Bộ.
Với cơ sở vật chất đồng bộ và hoàn chỉnh, hiện nay, PV Gas đang cung ứng nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất 36 tỷ kWh điện/năm, tương ứng 40% tổng sản lượng điện quốc gia, gần 800.000 tấn đạm/năm, tương ứng 30% tổng sản lượng đạm cả nước, 100.000 tấn xăng/năm, tương ứng 5% sản lượng xăng sản xuất trong nước và cung cấp khoảng 700.000 tấn LPG/năm, đáp ứng 70% nhu cầu LPG toàn quốc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường LPG và góp phần bình ổn giá LPG trong nước.
Bằng những con số trên 28.000 tỷ đồng doanh thu/năm, gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận/năm và nộp ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng /năm, đóng góp cho an sinh xã hội hàng trăm tỷ đồng/năm và thu nhập bình quân đầu người trên 15 triệu đồng/người/tháng trong giai đoạn hiện nay, PV Gas luôn là một trong các đơn vị đứng đầu trong số các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao về sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu giai đoạn 2006-2010 là 15%/năm.
Khẳng định thương hiệu
20 tuổi, PV Gas đã có những bước phát triển nhanh, đồng bộ và bền vững, đặt nền móng cho ngành công nghiệp khí nước nhà. |
Để đảm bảo sự phát triển bền vững ngành công nghiệp khí, góp phần thỏa mãn tối đa nhu cầu ngày càng tăng về khí và các sản phẩm khí của đất nước, ngoài việc vận hành an toàn các hệ thống khí hiện có, PV Gas còn đang tích cực triển khai nhiều dự án có giá trị hàng tỷ USD để đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2011-2015 như: dự án Hải Sư Trắng/Hải Sư Ðen, Tê Giác Trắng, Hải Thạch-Mộc Tinh, Chim Sáo, kho chứa LPG lạnh 60.000 tấn, nhập LNG, sản xuất LNG tại Nga, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2, nhà máy xử lý khí Cà Mau, sản xuất ethane.... Mục tiêu hàng đầu của PV Gas là đóng vai trò chủ đạo trong công nghiệp khí trên toàn quốc, phát triển ra thị trường quốc tế và có tên trong các Tập đoàn Khí mạnh của châu Á.
Để phù hợp với những chuyến biến của nền kinh tế thị trường, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/4/2009, Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định cổ phần hóa PV Gas với vốn điều lệ gần 19.000 tỷ đồng. Đầu quý IV/2010 tới đây, PV Gas chính thức tổ chức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với 25% tổng số cổ phần được bán ra (bao gồm cả phần bán cho cổ đông chiến lược). Với sự đột phá này, PV Gas sẽ còn phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm lực của mình cùng với uy tín đã tạo dựng trong quá trình phát triển, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư khi sở hữu cổ phiếu của PV Gas.
Với kinh nghiệm 20 năm trong ngành công nghiệp khí, PV Gas đã chứng minh năng lực điều hành trong hầu hết các dự án khí của Việt Nam qua những thành quả đầy ấn tượng. Do đó, khi chuyển sang mô hình cổ phần hóa, bằng sự sáng tạo, năng động và quyết tâm của toàn thể cán bộ công nhân viên với trình độ và kinh nghiệm chuyên môn cao, PV Gas chắc chắn sẽ là con tàu lớn đại diện cho ngành công nghiệp khí Việt Nam vươn ra biển lớn của thế giới.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com