Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hãy gắn kết với Việt Nam!

Bà Victokia Kwakwa - tinkinhte.com
Bà Victokia Kwakwa
Bà Victokia Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - người phụ nữ quyền lực của tổ chức tài chính quyền lực dành tình cảm đặc biệt đối với sự phát triển ấn tượng của kinh tế Việt Nam.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam - một nền kinh tế mới nổi đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tương đối tốt. Xin bà đánh giá tổng quan về những phản ứng linh hoạt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam

Có thể khẳng định rằng, Chính phủ Việt Nam đã có những ứng phó rất hiệu quả để đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 5,32% trong bối cảnh suy thoái nghiêm trọng của các nền kinh tế trên thế giới -  nhiều quốc gia tăng trưởng rất ít và thậm chí chỉ đạt mức tăng trưởng âm.

Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng, chuyển hướng ưu tiên từ ổn định kinh tế sang tăng trưởng bền vững trong năm 2009 bằng các biện pháp kích thích kinh tế, cụ thể là gói kích cầu đã có những tác động rất tích cực đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, điều mà Chính phủ Việt Nam cần làm tiếp là có chiến lược tổng thể để phát huy kết quả đã đạt được với các biện pháp kích cầu, đảm bảo sự tăng trưởng cao và ổn định của Việt Nam trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, còn có một yếu tố tạo nên hiệu quả của gói kích cầu, đó là Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá cao trong vài năm qua. Như vậy, về cơ bản, nhu cầu tiêu dùng trong xã hội đã tăng lên hàng năm cùng với mức tăng trưởng kinh tế, ngày càng nhiều người có thu nhập cao hơn và có nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ đưa ra các biện pháp kích cầu tiêu dùng đã đảm bảo nền kinh tế vận hành ổn định và tiếp tục tăng trưởng.

Một lý do khác không thể không nhắc tới, đó là sự “vững chãi” của quốc gia láng giềng Trung Quốc đã góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng chung trở lại của khu vực, trong đó có Việt Nam. Với mức tăng trưởng 8,5% trong năm 2009 và nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng tăng cao hơn nhu cầu thế giới, những nước xuất khẩu hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử và nguyên liệu thô cho Trung Quốc sẽ được hưởng những tác động tích cực.

Các nhà phân tích đã đưa ra nhiều lời giải thích cho sự thành công của các nước Đông Á sau Đại chiến Thế giới thứ hai, và họ đều nhấn mạnh tới việc chính phủ các nước này đã sử dụng các nguồn lực trong nước một cách đúng đắn và rất hiệu quả. Ý kiến của bà về vấn đề này ở Việt Nam?

Tôi cho rằng, sự vượt lên của các nước Đông Á trong thời gian chưa tới 20 năm là một kinh nghiệm tốt Việt Nam cần tham khảo và rút ra những bài học riêng cho mình. Chính phủ cần đưa ra những chính sách đúng đắn trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, và đầu tư thích đáng cho các lĩnh vực này với những nguồn lực trong nước và quốc tế. Tức là các nhân tố cơ bản phải được xây dựng đúng đắn ngay từ đầu. 

Việt Nam đang đi theo hướng quỹ đạo như vậy, Chính phủ đã và đang có những quyết sách đúng đắn và phù hợp với điều kiện và tốc độ phát triển của nền kinh tế, và điều đó thể hiện rõ trong năm vừa qua. Đầu tư cho các lĩnh vực chủ chốt như cơ sở hạ tầng, đô thị hóa, hệ thống tài chính, chính sách công, giáo dục, y tế… vẫn tiếp tục tăng và gói kích cầu đã giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để giúp họ tiếp tục sản xuất, kinh doanh, và không lâm vào tình trạng phá sản như chúng ta đã thấy ở một số nước. Việc bù lãi suất, miễn giảm thuế… cũng đã giúp nhiều doanh nghiệp đứng vững hơn sau khủng hoảng và suy thoái kinh tế và tiếp tục tăng việc làm, tăng thu nhập.

Như vậy, sự điều hành kinh tế vĩ mô của một đất nước phải được dựa trên khuôn khổ của các chính sách đúng đắn, đảm bảo các nguồn lực cho mục tiêu phát triển chung của cả đất nước, trong đó có các thành phần kinh tế (bao gồm khu vực công và khu vực tư nhân).

Bà có thể giải thích thêm về mối quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong việc phát triển kinh tế?  Và theo bà, thực trạng này ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào?

Không có một quốc gia nào phát triển, tăng trưởng và thịnh vượng chỉ dựa trên những nguồn lực của Chính phủ. Tôi cho rằng, khu vực tư nhân có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới đây. Điều cần lưu tâm là làm sao để mối quan hệ công - tư (Public Private Partnership - PPP) này được thực sự hiệu quả trong từng lĩnh vực cụ thể.

Chính vì vậy, cần xác định khung thể chế rõ ràng cho việc thực hiện các dự án theo mô hình PPP, với các trách nhiệm rõ ràng giữa các bên và cách thức thực hiện.  Khu vực tư nhân không thể tăng trưởng nếu như khu vực công không tạo môi trường thuận lợi cho các dự án thực hiện theo mô hình này, như giải quyết sự chậm trễ trong các thủ tục hành chính công, sự tắc nghẽn do dịch vụ, môi trường không lành mạnh…  Chính phủ cũng đã nhận thấy “khoảng trống” này và đang nỗ lực cải thiện thông qua các dự án cải cách hành chính công.

Việt Nam đã có những khởi động trong việc xây dựng các thể chế cho mô hình PPP, và cũng đang tích cực thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân đối với các dự án hạ tầng triển khai theo mô hình này. Điều kiện tiên quyết cho việc thành công với mô hình này là Việt Nam cần có một khuôn khổ hợp tác công - tư rõ ràng để có thể kết hợp năng lực, nguồn lực của các bên một cách hiệu quả.

Theo đánh giá của bà, những thách thức của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo là gì? Và vì Việt Nam đang tiến đến gần tới ngưỡng của nước có thu nhập trung bình, làm thế nào để Việt Nam có thể tránh được “bẫy thu nhập trung bình” một cách hiệu quả nhất?

Việt Nam được đánh giá rất thành công với Đổi mới, theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã thay đổi rất nhiều sau Đổi mới, nhưng tôi cho rằng, quá trình cải cách của Việt Nam vẫn chưa kết thúc.

Các bạn đã tiến xa và làm được nhiều điều mà cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhưng các bạn cần dừng lại đánh giá, nhìn nhận xem Việt Nam đang ở đâu trong quá trình tiến tới mục đích mà các bạn đã đặt ra. Việt Nam nên tìm ra những gì đã bị bỏ sót, hay còn chưa hoàn thiện trong quá trình cải cách của mình, như tại sao cơ sở hạ tầng, đường sá, giao thông, công nghệ và cả nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhu cầu hiện đại hóa của đất nước. 

Một vấn đề khác cũng nên được mổ xẻ phân tích và có giải pháp tốt là tại sao Việt Nam đạt nhiều thành tích về tăng trưởng, nhưng các hàng hóa gia công, sản xuất trong nước vẫn chỉ dừng lại ở “hạng rẻ”? Làm thế nào để cải thiện chất lượng hàng hóa và xây dựng quy trình quản lý chất lượng được hiệu quả hơn để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa trong nước?  Tôi cũng sẽ phải nhắc tới vấn đề giáo dục, vấn đề quan trọng và cốt lõi của sự phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.  Bạn không thể tiến xa nếu bạn không có những lao động có kỹ năng, có kiến thức, và điều đó chỉ có thể thông qua giáo dục, một vấn đề sẽ trở thành trở ngại cho việc phát triển kinh tế của Việt Nam

Một vấn đề cuối cùng là những tồn đọng về tình trạng đói nghèo ở Việt Nam. Các bạn đã tiến nhiều bước nhanh chóng để cải thiện tình trạng đói nghèo, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, tỷ lệ nghèo ở Việts Nam vẫn còn chưa được thu hẹp, đặc biệt ở các vùng cao.  Đó cũng là thước đo đánh giá sự phát triển của các bạn, vậy phải làm sao để những đối tượng này vẫn được đảm bảo các dịch vụ an sinh xã hội như bảo hiểm, y tế, giáo dục …

Tôi cho rằng, trở thành một nước có thu nhập trung bình về cốt lõi là quá trình cải cách nền kinh tế, cải cách cơ cấu kinh tế, cải cách những mô hình kinh tế - xã hội không còn phù hợp cho sự phát triển của một đất nước hiện đại. Hãy nhìn nhận nghiêm khắc về mức thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD mà các bạn đạt được, đó không phải là mức cao và Việt Nam không chỉ muốn dừng lại ở đó, các bạn muốn đi tiếp, và các bạn có khả năng làm được điều đó. Quá trình đó không chỉ cần thời gian mà cần sự nghiêm khắc, và nỗ lực của các bạn trong việc cải cách những gì còn chưa hiệu quả của nền kinh tế. 

Để làm được điều đó, Việt Nam cần thiết lập được cho mình một thể chế phù hợp cho giai đoạn mới, hiện đại và cũng phức tạp hơn.

Nhân dịp Năm mới, bà có thông điệp gì gửi tới các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tại Việt Nam?

Thông điệp đó là bạn không thể từ bỏ, cho dù công việc kinh doanh của bạn chưa được thuận lợi, hay chưa tiến triển như mong muốn, nhưng bạn hãy đi tiếp! Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng và nhà đầu tư nên gắn kết sự phát triển của mình với sự phát triển của đất nước Việt Nam

Bạn có thể nhận thấy rằng, trong khi nhiều nước chao đảo vì khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp phá sản hay chọn giải pháp sáp nhập, nhiều hệ thống tài chính gây thiệt hại không ít cho người dân…,  thì Việt Nam khá bình ổn.

Cho dù, còn những điều làm phiền lòng bạn như vấn đề giải ngân chậm, thủ tục hành chính rườm rà..., nhưng như người Việt Nam thường nói: “cái đẹp nằm trong mắt người thưởng thức” và các bạn đã chọn lựa, thì không có lý do gì để không gắn bó và gắn kết với Việt Nam.

(Theo Thuý Ngà // Báo đầu tư)

  • Nguy cơ thiếu điện vào mùa khô
  • Những công trình đậm dấu ấn CIENCO 4
  • Dự cảm đầu năm
  • Cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm
  • Phải đảm bảo quỹ đất giao thông cho đô thị mới
  • Số vốn bị mất của tập đoàn Nhà nước đã đi đâu?
  • Toyota cố tình che giấu bằng chứng
  • Sau Tết, nhiều doanh nghiệp khó tuyển lao động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao