Nhiều người không tin, bảo: "Ở bên tây, ai lại ăn món mắm có “mùi đặc trưng” ấy?". Thế nhưng, đó là câu chuyện có thật ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Về vùng biển Hậu Lộc (Thanh Hóa), hỏi đến công ty xuất khẩu mắm tôm của gia đình ông Đặng Văn Soai ở xã Hòa Lộc, chúng tôi được nhiều người dân chỉ dẫn tường tận lối vào nhà ông.
Ông Đặng Văn Soai và sản phẩm mắm tôm xuất khẩu đi nước ngoài. |
Năm nay, lão ngư Đặng Văn Soai đã bước sang tuổi 74, nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và ra dáng một người sành sỏi về kinh doanh... mắm tôm.
Dẫn tôi đi thăm cơ ngơi của bố con mình, ông kể: Quê gốc của ông cũng ở vùng biển (Ngư Lộc), rồi định cư lên thôn Hòa Hải, xã Hòa Lộc làm ăn, sinh sống. Trước kia, bố con ông thường đi biển đánh cá, nhưng từ năm 2006, do tuổi già, sức yếu nên ông trao tàu, thuyền cho các con tiếp tục bám biển. Ông ở nhà, buồn tay, buồn chân nên nghĩ đến việc kinh doanh hàng hải sản.
Sau khi đăng ký thành lập Công ty TNHH Chế biến hải sản Hòa Hải, 4 bố con lão ngư này hùn vốn lại với nhau được hơn 1,5 tỷ đồng, tập trung mua đất đai, xây dựng nhà xưởng để sản xuất mắm tôm.
Ông bảo, nghề làm mắm tôm ở quê ông là nghề cha truyền con nối. Thế nên, khi bắt tay vào làm mắm tôm để xuất khẩu thì chỉ “tlăn ăn” một điều là phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm mà thôi. Bởi lẽ, người dân quê ông từ xưa đến nay ai mà chả biết làm mắm tôm truyền thống. Nhưng khi sản xuất hàng xuất khẩu thì phải tuân thủ đúng quy trình về khâu bảo đảm vấn đề bảo vệ môi trường, đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn hiện hành của ngành thủy sản Việt Nam…
Ông Đặng Văn Soai - Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Hòa Hải đang hướng dẫn công nhân khuấy mắm tôm xuất khẩu. |
Đứng bên những bể mắm tôm chỉ đạo công nhân khuấy mắm, ông Soai cho biết: Quy trình làm mắm tôm xuất khẩu rất khắt khe. Vấn đề pha trộn hàm lượng muối và moi phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Hàm lượng muối trong mắm phải đạt được từ 16-17 độ mặn. Thời gian ngâm ủ trong bể chứa phải thực hiện đủ từ 45 ngày trở lên. Trong suốt thời gian từ 6-7 tháng phơi mắm, cứ 3 ngày một lần, công nhân phải liên tục khuấy mắm tại các bể chứa. Như vậy, mỗi năm chỉ sản xuất được hai mẻ mắm để xuất khẩu.
Sau khi Công ty Hòa Hải được Cục Quản lý chất lượng thủy sản thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến thủy sản, bố con ông Soai bắt tay vào việc sản xuất mắm tôm để xuất sang thị trường các nước như: Mỹ, Nga, Pháp, Hàn Quốc, Canada... Doanh nghiệp của bố con lão ngư Đặng Văn Soai là doanh nghiệp sản xuất mắm tôm xuất khẩu đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.
Từ khi bắt tay vào sản xuất mắm tôm xuất khẩu, năm đầu tiên (2008), ông dồn hết vốn liếng của gia đình, thu mua 80 tấn nguyên liệu để sản xuất mắm. Sang năm 2009, công ty ông xuất được 30 tấn mắm tôm cho 3 công ty môi giới, gồm: Hợp tác xã Thủy sản Tâm Đức (Hà Nội); Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Hà và Tổ hợp Thủy sản chế biến thực phẩm Ngọc Liên (TP.Hồ Chí Minh) để đưa sang Mỹ.
Trong 3 năm qua (từ 2009) đến nay, ông Soai đã xuất khẩu được ngót nghét 150 tấn mắm tôm. Giờ đây, công ty sản xuất mắm tôm xuất khẩu của lão ngư Soai đã trở thành nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của nhiều người đang có ý định làm mắm tôm xuất khẩu.
(Dân việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com