Tuy phải vượt suy thoái kinh tế, song nhiều doanh nghiệp vẫn chia cổ tức ở mức cao. Ảnh: Phạm Yên |
Con số lợi nhuận khá cao của hàng loạt doanh nghiệp (DN) vừa công bố trong mùa đại hội cổ đông khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, bởi năm 2009 được xem là đầy khó khăn. Nhưng cũng không ít DN vẫn chưa tìm thấy lối ra...
Nhiều DN chia cổ tức hơn 20 %
Nhìn vào tỷ lệ chia cổ tức của nhiều DN, ít ai nghĩ kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm đầy sóng gió. Cho đến nay, số DN chia cổ tức trên 20% (bằng cổ phiếu và tiền mặt) đã lên tới hàng trăm.
Sau năm 2008 lỗ gần 70 tỷ, CTCP Cáp và vật liệu Viễn Thông (mã CK: SAM) đã lãi hơn 270 tỷ đồng trước thuế và quyết định chia cổ tức 25% bằng tiền mặt; Công ty CP Vincom (VIC) chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỉ lệ 1.000:601; Công ty CP Viglacera Đông Triều (DTC) chia cổ tức năm 2010 bằng cổ phiếu với tỉ lệ 100%; Công ty Cổ phần Cafico Việt Nam (CFC) có mức cổ tức là 35% bằng tiền mặt...
Mặc dù đại hội cổ đông nhiều DN không thành công hoặc hoãn do tỷ lệ cổ đông đến dự không đủ theo quy định (như SAM) nhưng mức cổ tức và lợi nhuận trên đã đem lại cho nhà đầu tư nhiều kỳ vọng hơn vào TCCK trong năm 2010.
Khá nhiều DN lời nhiều, chia cổ tức khá lại nằm trong các lĩnh vực từng được dự báo khó khăn như: bất động sản, ngân hàng, tài chính, du lịch khách sạn..., đó là NTL, VIC, ACB, STB, CTD, SSI, BVS...
Ngoài nguyên nhân nội lực của chính DN thì những biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ đã góp phần khá lớn giúp các DN đạt kết quả kinh doanh cao. Như khối tài chính, ngân hàng hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất, khối bất động sản, du lịch khách sạn cùng nhiều ngành sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn từ các biện pháp kích cầu, giảm, giãn thuế và vay vốn giá rẻ.
Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT của NTL cho biết, mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận cao nhất cho NTL năm 2009 là bất động sản, lĩnh vực này được hỗ trợ không nhỏ từ các biện pháp kích thích kinh tế của nhà nước.
Ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch HĐQT SAM cũng thừa nhận, nếu không có gói hỗ trợ lãi suất thì nhiều DN chưa chắc đã đạt được lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, việc đặt chỉ tiêu thấp, giá nguyên liệu, đầu vào đầu năm thấp, cuối năm cao cùng việc TTCK sôi động vào cuối năm cũng khiến lợi nhuận của nhiều DN tăng đáng kể.
Giá cổ phiếu trên sàn không phải lúc nào cũng phản ánh đúng kết quả kinh doanh. Ảnh: Phạm Yên |
Bi đát những doanh nghiệp lỗ
Cty CP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin (VSP) đang là doanh nghiệp có số lỗ cao nhất của các DN niêm yết. Theo VSP thì họ lỗ lớn do khủng hoảng kinh tế thế giới dẫn đến cước vận tải tàu giảm hơn 80% so với 2008, hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa cũng giảm mạnh, đội tàu của công ty đã đến thời hạn bảo dưỡng làm tăng giá vốn.
DN này đã phải giải thể Cty con là Nam Viet Shipping nhưng VSP còn may mắn hơn Công ty Cổ phần Nước Giải khát Sài Gòn (TRI) có cổ phiếu sẽ bị ngừng giao dịch kể từ ngày 25-3-2010 do bị thua lỗ trong hai 2 năm liên tiếp là 145 tỷ năm 2008 và 86,2 tỷ 2009.
Không bi đát như TRI nhưng cổ phiếu của Cty CP Full Power (FPC) cũng bị đưa vào diện bị kiểm soát và chỉ được phép giao dịch 15 phút trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa trong mỗi ngày giao dịch.
DN này đã lỗ đến gần 350 tỷ đồng trong năm 2009 và giá cổ phiếu FPC những ngày qua chỉ xoay quanh 7.000 đồng/cổ phiếu! Bên cạnh đó thì số DN không chia cổ tức hoặc cổ tức chỉ dưới 5%, thua xa lãi suất ngân hàng cũng lên tới vài chục.
Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng GĐ CTCK SJC cho rằng, nhà đầu tư nên xem chuyện DN làm ăn thua lỗ là thường, điều quan trọng là DN sẽ làm lại như thế nào.
Chuyện SAM hay REE đã đứng dậy chỉ sau 1 năm và lợi nhuận lên tới hàng trăm tỷ đồng trong 2009 sau khi thua lỗ nặng năm 2008 cho thấy vẫn có cơ hội khi đầu tư trung hạn vào các loại cổ phiếu giá thấp.
(Theo Hà Phan // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com