2009 là năm chứng kiến doanh số bán ra của GM xuống mức thấp nhất trong vòng 26 năm. Tại Đức, các lãnh đạo công đoàn gây áp lực buộc GM châu Âu phải tách ra khỏi công ty mẹ trước khi nó sụp đổ.
Tai ương
Ngày 5/3, GM đã nộp bản giải trình tình hình kinh doanh dày 480 trang lên Uỷ ban Chứng khoán Mỹ, sau khi hãng vừa công bố kết quả hết sức bi đát và làm giới đầu tư hoang mang.
Trong bản giải trình gửi Uỷ ban Chứng khoán Mỹ, GM nêu rõ: “Những lo ngại về tương lai chưa rõ ràng của GM có thể sẽ khiến các nhà cung cấp linh kiện cho GM lo lắng và tiến hành đòi nợ sớm. Nếu chính phủ không hỗ trợ thì điều đó sẽ khiến cho tình hình càng thêm khó khăn với GM. Việc không được nhận thêm hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Mỹ hoặc chính phủ các nước mà GM có chi nhánh sẽ đẩy GM tới chỗ phải thu hẹp hoạt động hơn nữa, đóng cửa nhiều nhà xưởng hơn nữa và cắt giảm nhiều nhân công hơn nữa. Nhưng những việc này cũng không phải là bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của GM”.
Cuối tháng 3, trong nỗ lực cao nhất để cứu vớt GM, Tổng thống Mỹ Obama đã sa thải Chủ tịch Wagoner, tuy nhiên cũng cảnh báo rằng GM và Chrysler vẫn có thể bị phá sản.
Đến tháng 4, một hãng ô tô từ Italy thổ lộ tham vọng thâu tóm hai đứa con châu Âu của GM là Opel và Vauxhall, đồng thời muốn mua một lượng cổ phần lớn trong đối thủ của GM là Chrysler.
Ngày 23/4/2009, GM tuyên bố có thể sẽ tạm thời đóng cửa 13 nhà máy ngay tại Mỹ và Mexico. Việc đóng cửa 13 nhà máy ngay tại sân nhà là thị trường Mỹ và quốc gia lân cận Mexico sẽ thực hiện trong khoảng thời gian khoảng 2 tháng hoặc hơn nữa. Quyết định này khiến 24.000 công nhân tạm thời nghỉ việc. GM có tổng cộng 22 nhà máy tại khu vực sân nhà Bắc Mỹ. Như vậy, việc đóng cửa diễn ra với quá nửa số nhà máy cho thấy tình hình nguy kịch của đại gia này.
Đối diện với hạn chót 1/6, GM dành toàn bộ thời gian của tháng 5 để cắt giảm hàng loạt đại lý. Cổ phiếu của GM xuống mức thấp nhất kể từ thời đại suy thoái những năm 1930.
Tuy nhiên, cố gắng cuối cùng của GM đã thất bại. Vào ngày 27/5, cổ đông của GM gây áp lực buộc hãng nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản bằng cách từ chối chuyển đổi khoản nợ 27 tỷ USD thành cổ phiếu.
Ngày 1/6/2009, General Motors đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Mới chỉ vài tháng trước đây, ít ai có thể tưởng tượng ra được kịch bản số phận này cho GM. Và sau khi phá sản, nhiều thương hiệu đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ người tiêu dùng Mỹ như, Chervolet, GMC, Chevy, Caddilac, Saab, Saturn, Pontiac và Hummer có thể lùi vào dĩ vãng…
Sau khi nộp đơn, GM có 60 tới 90 ngày để tái tổ chức lại toàn bộ hoạt động của mình để trở thành một hãng xe ô tô của thế kỷ 21, có sức cạnh tranh với các tập đoàn ô tô khác trên thế giới.
Tính cho tới thời điểm nộp đơn xin bảo hộ phá sản, tổng tài sản của GM đạt 82,29 tỷ USD, trong khi số nợ là 172,81 tỷ. Theo kế hoạch, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục bơm tiền cho GM và chuyển 50 tỷ USD tiền nợ thành 60% cổ phần tại hãng xe mới hình thành sau phá sản.
“Mọi việc đến rất từ từ, nhưng thực tế vụ phá sản của GM vẫn thật khó tiêu hoá. Nó giống như vụ chìm tàu Titanic”, Stephen Pope - chiến lược gia trưởng của Cantor Fitzgerald tại London nói.
Bài học từ sự sụp đổ
Nói về sự tụt dốc của ngành công nghiệp ô tô thế giới nói chung, người ta dẫn ra một số nguyên nhân.
- Đó là tạo ra mầm mống một cuộc khủng hoảng thừa. Các tập đoàn ô tô đã liên tục mở rộng sản xuất, xây dựng khá nhiều nhà máy tại Mỹ cũng như các nước khác làm cho chi phí đầu tư, chi phí nhân công, quỹ phúc lợi... tăng mạnh, sản lượng xe cũng không ngừng tăng lên.
Tốc độ phát triển quá nhanh dẫn đến dư thừa công suất trong khi nhu cầu của một số thị trường lớn cứ dần bão hoà. Theo thống kê, năm 2006 toàn thế giới sản xuất tới hơn 70 triệu ô tô các loại, tăng 5% so với 2005 và năm 2007 số xe ô tô sản xuất tuy có giảm nhưng cũng vượt trên 60 triệu chiếc. Điều này đã báo hiệu một cuộc khủng hoảng thừa trong tương lai gần và khi giá dầu thô tăng cao, rồi khủng hoảng tài chính diễn ra thì ngành công nghiệp ô tô gánh hậu quả lớn.
Ngay tại thị trường Mỹ trong 5 năm qua lượng xe tiêu thụ hàng năm không tăng nhiều chỉ ổn định ở mức 15-16 triệu xe/năm, nhưng các nhà máy ô tô vẫn liên tục mọc lên, các tập đoàn ô tô trên thế giới vẫn không ngừng tăng sản lượng tại đây vượt quá cả lượng xe tiêu thụ.
- Việc chậm thay đổi mẫu mã cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn. Ông Wendelin Wiedeking, Giám đốc điều hành hãng sản xuất xe thể thao Đức Porsche, cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồi tệ hiện nay là nhiều nhà sản xuất ô tô đã không chú trọng đổi mới kỹ thuật, một số công ty vẫn sản xuất những loại ô tô cách đây 20 năm và vì vậy không có sức hấp dẫn. Bản thân như mẫu xe Focus của tập đoàn Ford từ khi ra đời đến nay đã 10 năm nhưng hầu như không có nhiều thay đổi về kỹ thuật.
Các nhà sản xuất cũng không chú trọng tới giảm tiêu hao nhiên liệu dẫn đến khi giá dầu thô tăng cao người tiêu dùng lập tức quay lưng lại với những mẫu xe "bóng mượt và khát xăng" và dẫn đến tồn kho không tiêu thụ được. Lẽ ra ngay từ 2006, khi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trở nên nóng hơn bao giớ hết, ngành công nghiệp ô tô phải tìm một hướng đi mới, thì họ lại chủ quan cho rằng đang trong thời hoàng kim, không cần bất cứ sự thay đổi nào.
Và khi giá dầu tăng tốc trong năm 2007, ngành công nghiệp ô tô phải thay đổi phần lớn động cơ của ô tô, thì họ vẫn ảo tưởng rằng giá dầu sẽ lại tụt dốc. Cho đến khi cả hai vấn đề không những giảm đi mà ngày càng nóng lên, hệ quả tất yếu là người tiêu dùng sẽ xa lánh các loại ô tô truyền thống. Đây chính là bài học mà ngành ô tô thế giới phải rút ra.
Và nguyên nhân sụp đổ của riêng GM, tờ Thời báo Anh nhận định rằng, đây là vụ phá sản phản ánh một ngành chế tạo xe hơi kém hiệu quả, chi phí quá cao và quản lý yếu kém trong một thời gian dài.
Theo đó, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sâu, nhưng không phải là nguyên nhân chính khiến General Motors sụp đổ. Vấn đề chủ yếu mà các nhà sản xuất ô tô Mỹ đối mặt là sản phẩm tạo ra có chi phí quá cao, tiêu tốn năng lượng và độ bền không đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Chi phí của các hãng xe hơi Mỹ cao hơn nhiều so với các hãng sản xuất ô tô nước ngoài hoạt động tại Mỹ, như Toyota và Nissan. Quá nhiều chi phí đã được dành cho trợ cấp xã hội, hưu trí và chăm sóc y tế. Các chi phí này không phản ánh một môi trường làm việc nhân văn, mà chỉ là di sản của sự dư thừa nhân lực và kém hiệu quả kéo dài nhiều thập niên. Đến cuối thập niên 1970, GM là nhà tuyển dụng lớn nhất nước Mỹ, với riêng đội ngũ lao động trong nước đã lên đến hơn 600.000 người.
Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng xa lánh các sản phẩm của GM. Từ lâu GM vẫn được coi là một doanh nghiệp không có sức cạnh tranh cao, nguyên nhân chính vì GM là một nghiệp đoàn đòi hỏi quá cao và điều hành kém hiệu quả. Công đoàn GM luôn tỏ ra chậm trễ trong các chương trình cắt giảm trợ cấp và tái cơ cấu hoạt động của công ty. Sự thành công của một công ty không được đo bởi số lượng hàng bán ra, mà bởi tỷ lệ lợi nhuận. Và lợi nhuận của GM bị giảm bởi gánh nặng chi phí quá lớn.
Khi từ lâu, các nhà sản xuất ô tô châu Á tung ra các loại xe nhỏ hơn và tiết kiệm nhiên liệu phù hợp với thị trường, còn các công ty ô tô Mỹ vẫn kiên trì với các loại xe thể thao cồng kềnh. Đến năm ngoái, General Motors mới phản ứng bằng cách đóng cửa 4 nhà máy sản xuất xe thể thao đa dụng, một hành động được coi là quá chậm.
Thất bại của General Motors phản ánh câu chuyện của một công ty phớt lờ các nguyên tắc của thị trường và không thể kiểm soát chi phí.
Giáo sư John A. Quelch hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, đồng thời là uỷ viên ban quản trị, tư vấn và người phát ngôn của hàng trăm công ty, hiệp hội DN và cơ quan chính phủ ở hơn 40 quốc gia trên thế giới đã đưa ra 8 lý do dẫn tới con đường suy vong của đế chế GM. Đó là:
- Tập trung vào sản phẩm chứ không phải là khách hàng
- Quá nhiều sản phẩm, quá nhiều thương hiệu
- Quá nhiều nhà phân phối
- Mất kiểm soát thị trường
- Càng lớn càng tốt
- Không có thương hiệu toàn cầu
- Không sáng tạo
- Tập trung tài chính
Lời kết
Phá sản là chuyện thường tình ở Mỹ, song một người khổng lồ về quy mô, già dặn về tuổi tác và tầm cỡ về thương hiệu như GM mà cũng phải phá sản thì quả là điều không thường chút nào. Lật lại những trang sử hào hùng của đại gia này sẽ thấy tiếc thay cho người khổng lồ như GM.
Với việc công bố phá sản của Tập đoàn GM, người ta hy vọng sẽ khai sinh một công ty GM mới, tạm thời do Chính phủ Mỹ nắm quyền điều hành. Theo Tổng thống Barack Obama, công ty GM mới sẽ sản xuất ra những chiếc xe hơi của tương lai, chất lượng cao, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Cho rằng chính phủ liên bang Mỹ chỉ là một cổ đông bất đắc dĩ, Tổng thống Barack Obama đánh giá việc đệ đơn xin bảo hộ phá sản của tập đoàn GM là một “việc cần thiết” để bảo đảm tập đoàn này vẫn là một bộ phận sinh động của kinh tế Mỹ trong những năm tới.
Ông Obama công nhận GM phá sản gây đau khổ cho hàng ngàn gia đình Mỹ nhưng “tái tổ chức” là một sự “hy sinh” mà người Mỹ cần thực hiện cho thế hệ tương lai.
(VietNamNet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com