Hạn chế mở rộng kinh doanh taxi có tạo nên sự quản lý tốt hơn? Ảnh: S.T |
Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội Taxi Hà Nội, nếu năm 2006, Hà Nội mới chỉ có 38 đơn vị hoạt động taxi, với 2.592 xe, thì chỉ chưa đầy 3 năm sau, vào tháng 9/2009, số lượng xe taxi mà Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội “kiểm đếm” được đã là 107 doanh nghiệp và 10.098 xe.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho rằng, so với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Hà Nội đứng hai về số lượng taxi, nhưng về số vụ lái xe taxi chống người thi hành công vụ thì kể cả TP.HCM và thủ đô nhiều nước trên thế giới cũng không thể sánh kịp. Nguyên nhân chính là do công tác tuyển chọn, đào tạo tài xế của các doanh nghiệp vận tải taxi thời gian qua quá yếu kém.
Theo ông Thạch Như Sỹ, Chánh thanh tra Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội, năng lực quản lý, điều hành hoạt động vận tải khách của các doanh nghiệp taxi hiện còn hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc đỗ xe taxi để bàn giao ca của nhiều hãng còn thiếu, chưa phù hợp với quy mô của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lắp các thiết bị điện tử để gian lận cước, vi phạm trong sử dụng phù hiệu taxi, logo, biểu trưng, lấn chiếm lòng lề đường để làm điểm đỗ dừng...
Trước tình hình trên, tháng 9/2009, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu Sở Giao thông – Vận tải nghiên cứu, lập đề cương “Đề án quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2010 – 2015, tầm nhìn 2030”.
Theo đó, Sở Giao thông – Vận tải đã thống nhất đề xuất UBND TP. Hà Nội là, từ ngày 1/3 sẽ tạm dừng cấp phép đăng ký mới các doanh nghiệp, kể cả hợp tác xã kinh doanh vận tải khách bằng taxi, khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ và không tăng thêm số lượng. Sau thời điểm trên, những taxi hết thời gian hoạt động theo quy định sẽ vẫn được cấp đổi giấy phép mới.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, ngay sau khi có thông tin về đề xuất nêu trên của Sở Giao thông – Vận tải, nhiều doanh nghiệp đã trao đổi với lãnh đạo Hiệp hội và cho rằng, việc ngừng cấp phép taxi là vi phạm quyền kinh doanh, Luật Doanh nghiệp.
“Cơ sở pháp lý của đề xuất này không chặt chẽ. Ngay cả trong yêu cầu chấn chỉnh ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng không yêu cầu ngừng cấp phép mới, hạn chế mở rộng kinh doanh taxi”, một doanh nghiệp kinh doanh taxi (đề nghị giấu tên) bức xúc nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các doanh nghiệp cho rằng, taxi không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng việc ngừng cấp phép mới vô hình trung biến doanh nghiệp kinh doanh taxi thành một đối tượng doanh nghiệp khác. Đó là chưa kể, đề xuất này có thể khiến nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư lớn để mở rộng kinh doanh và nhập thêm xe rơi vào “thế kẹt”.
Theo ông Đỗ Quốc Bình, Hà Nội hiện có 6,4 triệu dân, nhưng mới chỉ có hơn 10.000 xe. Trong khi đó, Bangkok (Thái Lan) có 18 triệu dân nhưng có đến 200.000 xe taxi, Singapore có 3 triệu dân, hơn 20.000 xe taxi, hay như Matxcơva có 10 triệu dân, hơn 100.000 xe. Như vậy, ý kiến cho rằng Hà Nội đang thừa xe taxi là không đúng và không thể “vin” vào đó để hạn chế quyền kinh doanh taxi của doanh nghiệp.
Lãnh đạo của Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp đang đề xuất Hiệp hội tổ chức hội nghị tập hợp ý kiến phản biện đề xuất trên. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, đề xuất trên vẫn mới chỉ là ý kiến của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội.
Đến thời điểm này, chưa có bất kỳ văn bản chính thức nào từ UBND TP. Hà Nội về việc chấp thuận đề xuất này.
(Theo Hữu Tuấn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com