Tác động của khủng hoảng kinh tế đã làm cho giá cả nguyên, vật liệu tăng cao, nguồn vốn đầu tư cạn kiệt, sản phẩm ứ đọng không tiêu thụ được, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở Ðà Nẵng bị cầm chừng, nguy cơ phải thu hẹp sản xuất. Nhờ có sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp như được tiếp sức, từng bước ổn định sản xuất kinh doanh, trả lại việc làm và thu nhập cho người lao động.
Nhớ lại những ngày khó khăn, kỹ sư Lê Văn Ðức, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam kể: "Khi ấy hầu như doanh nghiệp nào trên địa bàn cũng gặp khó. Nhưng làm gì để bứt lên và thoát ra khỏi vòng vây đó mới là điều công ty cần phải tính. Hàng chục cuộc họp tìm giải pháp, rồi các phương án đề xuất đưa ra, nhưng vẫn bị ách lại, tất cả chỉ vì thiếu vốn. Và vào thời điểm "đường cùng" ấy, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ, công ty liền chớp thời cơ và đã được Ngân hàng Kỹ thương chi nhánh Ðà Nẵng cho vay đến nay hơn 10 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư sản xuất.
Là một doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghiệp, phục vụ tự động hóa, đặc thù của Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam là luôn cần vốn lưu động để trang trải các chi phí sản xuất nhằm duy trì hoạt động, cho nên khi được vay vốn hỗ trợ chỉ với 4% thì cơ hội phát triển của công ty khá thuận lợi. Với số vốn vay lưu động hơn 10 tỷ đồng, công ty mạnh dạn đầu tư mua thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, giảm giá bán các sản phẩm; mua dự trữ các vật liệu và bổ sung vào nguồn vốn lưu động. Ðó chính là sự bảo đảm để thu nhập của người lao động trong công ty vẫn đạt hơn ba triệu đồng/tháng.
Nói về hiệu ứng của gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, Giám đốc Lê Văn Ðức hào hứng: "Công ty chúng tôi đón nhận gói kích cầu đúng như nắng hạn đón mưa rào. Ðây thật sự là một chủ trương kịp thời, giúp doanh nghiệp đứng vững, ổn định sản xuất".
Không chỉ với hiệu ứng trước mắt, chính sách kích cầu của Chính phủ sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp trên địa bàn đạt doanh thu tăng cao hơn trong năm 2009, tạo đà cho những năm sau. Cùng với chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế thì doanh nghiệp cần sử dụng đồng vốn sao có hiệu quả nhất để có thể quay nhanh vòng vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từng bước tăng doanh thu cho công ty.
Công ty vận tải Ða phương thức (Vietranstimex) cũng không nằm ngoài những tác động của cuộc suy thoái kinh tế. Các công trình trọng điểm quốc gia như xi-măng, điện, dầu khí... hầu như bị giảm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ đầu tư. Trong lúc đó, các nhà cung cấp vận tải nước ngoài với nhiều lợi thế về mặt tài chính đang đầu tư vào thị trường vận tải nước ta và ra sức "giành giật" thị phần. Tình trạng đó đã đặt Vietranstimex trước nguy cơ sụt giảm cả về sản lượng lẫn doanh thu. Không né tránh khó khăn, lãnh đạo Công ty Vietranstimex tập hợp ý kiến từ các tổ chức Ðảng, Hội đồng quản trị, và các đoàn thể nhằm đưa ra những nhận định, đánh giá, phân tích tình hình, đề ra hướng phấn đấu.
Ðể từng bước ổn định, phát triển hoạt động của doanh nghiệp, Vietranstimex đã củng cố đoàn kết nội bộ, chú trọng công tác đào tạo, tổ chức sản xuất - quản lý cộng với sự tiếp sức từ nguồn vốn vay hỗ trợ ngắn hạn, trung và dài hạn hơn 166 tỷ đồng, đầu tư mua thêm phương tiện thiết bị hiện đại của Ðức, I-ta-li-a, Trung Quốc... để triển khai các dự án mới, bảo đảm thành công, an toàn, đúng tiến độ các dự án vận tải hàng STST, thiết bị toàn bộ cũng như các dịch vụ vận tải khác có quy mô lớn. Công ty đã và đang mua sắm hàng chục thiết bị hiện đại phục vụ thi công như bảy đầu kéo MAN công suất 530 HP, trọng tải 32 tấn và trọng tải kéo theo hơn 150 tấn; hai đoàn rơ-moóc Cometto tự hành 24 trục; ba đầu kéo hạng nặng; sáu sơ-mi rơ-moóc thủy lực sàn thấp 36 trục... với tổng số tiền hơn 150 tỷ đồng. Từ chỗ "đầu tư tăng cường", nhiều năm gần đây Công ty Vietranstimex đã vượt lên hàng "top" trong các đơn vị vận tải hàng STST trong nước và có thể sánh ngang với các đơn vị nước ngoài.
Chủ động phát huy sức mạnh tập thể, kịp thời tận dụng dòng vốn ưu đãi, công ty mẹ và các công ty con của Vietranstimex ở cả ba miền bắc - trung - nam đã trúng thầu hàng chục công trình lớn, đồng loạt ra quân vận chuyển thiết bị cho các công trình đã thắng thầu và đang thực hiện dở dang từ năm trước. Trong đó có những dự án lớn như Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy xi-măng Bình Phước, Trạm nghiền Phú Hữu, Nhà máy Poslilama; thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Buôn Tua Sark, Nhà máy Thủy điện Sê San 4... Mới đây công ty đã dùng công nghệ mới bằng mô-đun thép (kết cấu thép) nặng từ 100 đến 200 tấn/kiện được chuyển từ phía Sơn Tây vào để hợp long cầu Cần Thơ bằng phương tiện, máy móc vừa được đầu tư mua mới.
Anh hùng Lao động Nguyễn Ðăng Sâm, Tổng giám đốc Công ty Vietranstimex chia sẻ: Nếu không có nguồn vốn kích cầu này thì không biết bao nhiêu người lao động của công ty bị thất nghiệp. Tuy nhiên, trong khó khăn công ty phải nâng cao năng lực một cách toàn diện. Ngoài việc vay vốn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến, chúng tôi phát động cán bộ công nhân tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường nội địa. Không ngừng đổi mới chất lượng phục vụ, chủ động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao sản lượng, lợi nhuận, thu nhập cho người lao động. Hiện nay, hơn một nửa số cán bộ nhân viên công ty có thu nhập hơn bảy triệu đồng/tháng.
Có thể nói Ðà Nẵng là một trong các địa phương triển khai sâu rộng gói kích cầu của Chính phủ với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ trên xuống. Ðặc biệt, sau khi Chính phủ đưa ra các nhóm giải pháp kích cầu, UBND thành phố Ðà Nẵng đã thành lập tổ công tác thực hiện chính sách tiền tệ khắc phục suy giảm kinh tế, do đồng chí Phó Chủ tịch thành phố làm tổ trưởng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ðà Nẵng làm tổ phó... Tiếp đó, thành phố chỉ đạo cho Ngân hàng Nhà nước kết hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Ðà Nẵng, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp khảo sát, đánh giá hiệu quả của chương trình hỗ trợ lãi suất 4% đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Sau khi gửi 300 phiếu khảo sát cho các doanh nghiệp, đã có 188 doanh nghiệp phản hồi. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, UBND thành phố Ðà Nẵng có chính sách chỉ đạo phù hợp, từng bước tháo gỡ những vướng mắc, triển khai các nhóm giải pháp kích cầu lan tỏa sâu rộng đến các doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện tốt nhất cho sự tiếp cận và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ có hiệu quả.
Tác dụng thiết thực từ nguồn vốn kích cầu của Chính phủ đã thấy rõ, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Thí dụ, một số đơn vị triển khai chính sách đến các đối tượng thụ hưởng còn chậm, thiếu cụ thể, phạm vi chưa được rộng khắp. Rất nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, mặc dù họ đã tiếp cận với nguồn vốn nhưng thời gian làm thủ tục để được giải ngân còn quá dài (mất gần hai tháng) do các thủ tục hành chính vẫn quá rườm rà. Nhiều doanh nghiệp đề nghị, ngoài việc tích cực tháo gỡ những vướng mắc trên đây, Chính phủ nên gia hạn nguồn vốn vay lưu động kéo dài qua năm 2009, đồng thời tăng thêm thời gian vay trung và dài hạn cũng như nhiều chương trình hỗ trợ khác để tiếp tục và tăng sức đề kháng cho các doanh nghiệp ở giai đoạn sau suy thoái.