Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng giá điện: Ép đổi mới

Tăng giá điện là biện pháp thường không được nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng lại luôn tỏ ra hữu hiệu khi muốn hạn chế việc tiêu dùng lãng phí.

Chấm dứt mời gọi đầu tư các dự án thép, xi măng" là thông điệp được người đứng đầu Chính phủ đưa ra mới đây khi giao nhiệm vụ cho ngành ngoại giao góp phần mở rộng thị trường để thu hút đầu tư và xuất khẩu hàng hóa. Trong số các lý do để nói "không" với các dự án thép, xi măng… thì việc giá điện còn thấp như hiện nay đang tạo ra lợi nhuận lớn cho ngành thép và xi măng là một lý do quan trọng.

Bù lỗ từ điện cho thép và xi măng

Kết quả kiểm toán giá điện năm 2010 mới đây cho thấy, sản lượng điện bán cho sản xuất sắt, thép và xi măng là 9,482 tỷ kWh, chiếm 21,28% sản lượng điện phục vụ sản xuất công nghiệp, xây dựng và chiếm 11,06% tổng sản lượng điện thương phẩm của cả nước. Trong số 4,608 tỷ kWh điện cung cấp cho sản xuất thép, có 673 triệu kWh điện là bán cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Còn với ngành xi măng, các doanh nghiệp FDI cũng tiêu thụ 1,35 tỷ kWh điện trong tổng số 4,874 tỷ kWh điện cho toàn ngành. Qua phân tích cơ cấu giá bán, không khó để nhận ra rằng giá bán điện cho sản xuất thép và xi măng thấp hơn so với giá điện bình quân của cả nước rất nhiều. Cụ thể, giá bán bình quân cho các hộ sản xuất sắt, thép và xi măng chỉ là 914 đồng/kWh, trong khi giá thành điện bình quân thực hiện của năm 2010 là 1.183 đồng/kWh, tức là thấp hơn 269 đồng/kWh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khi phát biểu trên diễn đàn Quốc hội cũng cho biết, chênh lệch giữa giá bán bình quân cho các hộ sản xuất thép và xi măng so với giá thành sản xuất điện đang khiến ngành điện phải bù lỗ 2.547 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng các nhà máy sản xuất thép và xi măng có vốn đầu tư nước ngoài, số tiền chênh lệch mà ngành điện phải bù ra là 506 tỷ đồng.

Giá bán lẻ điện bậc thang được áp dụng cho mục đích sinh hoạt từ ngày 20/12: Các mức từ 0-50kWh (cho hộ nghèo và thu nhập thấp) và từ 0-100 kWh (cho hộ thông thường) không tăng. Còn mức trần giá điện sinh hoạt mới (từ kWh số 401 trở lên) là 2.060 đồng/kWh, cao hơn so với giá trần cũ 1.962 đồng/kWh là 148 đồng/kWh.

Như vậy, khi quy hoạch phát triển ngành thép và xi măng không phù hợp với quy hoạch ngành điện, sẽ dẫn đến thiếu điện, phải mua điện bên ngoài hoặc phát điện với giá cao, gây khó khăn cho ngành điện. Trên thực tế, việc đua nhau xây dựng nhà máy thép, xi măng từng trở thành phong trào ở nhiều địa phương, bất chấp việc nhà máy đó có lợi thế cạnh tranh hay không. Hệ quả của làn sóng đầu tư là sự căng thẳng trong cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của toàn xã hội vài năm trở lại đây.

Dùng biện pháp kinh tế

Số liệu kiểm toán cũng cho hay, sản lượng điện bán cho công nghiệp, xây dựng năm 2010 là 44,54 tỷ kWh, chiếm 52% tổng sản lượng điện thương phẩm, tăng 18,77% so với năm trước. Trong khi đó, giá bán điện cho sản xuất bình quân mới ở mức 999,37 đồng/kWh, tuy có tăng 6,86% so với năm trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá bán điện bình quân. Tiêu thụ điện tăng nhanh trong khi giá bán điện tăng chậm cũng cho thấy sự ưu ái về giá điện cho sản xuất. Nhưng đây đồng thời lại là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đa phần các doanh nghiệp không mặn mà với việc đổi mới công nghệ, thiết bị để giảm tiêu hao năng lượng.

Theo nhiều khảo sát về tiết kiệm điện trong sản xuất thời gian qua, khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhất (khoảng 47% tổng năng lượng toàn quốc) nhưng cũng là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng nhất. Ông Nguyễn Bá Vinh, Quản đốc Dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho hay, nếu áp dụng những phương pháp tiết kiệm năng lượng đồng bộ, doanh nghiệp dệt may có thể tiết kiệm được khoảng 20% chi phí năng lượng cho sản xuất.

Còn theo Bộ Xây dựng, nếu các công trình mới được áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế; sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng; lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao; có cán bộ chuyên môn quản lý năng lượng, có thể tiết kiệm 30 - 40% năng lượng tiêu thụ. Với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, nếu kiểm toán và triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, có thể tiết kiệm được 15 - 25% năng lượng tiêu thụ. Cũng như vậy, khối doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng có thể tiết kiệm năng lượng tiêu thụ 20 - 30%. Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực khi nói về tình hình tiêu thụ điện năm nay cho biết, hệ số đàn hồi năng lượng (tốc độ tăng trưởng phụ tải sử dụng điện so với tốc độ tăng trưởng GDP) năm 2011 đạt 1,62, là điều mơ ước rất lâu của ngành điện. Các năm trước đó, hệ số đàn hồi này đều ở mức trên 2,1 lần, trong khi tại các nước phát triển, hệ số này chỉ là 1,1-1,3. Tuy nhiên, hệ số đàn hồi năng lượng đạt mức 1,62 của năm nay không bắt nguồn từ sự quyết liệt đổi mới thiết bị, công nghệ của các doanh nghiệp mà có nguyên nhân từ việc sản xuất nói chung sút giảm, doanh nghiệp giảm hoạt động, kéo theo giảm tiêu hao điện. Làm việc với Bộ Công Thương về kế hoạch phát triển giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, một trong những thách thức lớn cho phát triển kinh tế trong nhưng năm tiếp theo là cân bằng năng lượng khi mà nhu cầu nhập khẩu năng lượng đã hiển hiện. Dĩ nhiên, khi phải nhập khẩu than với số lượng lớn từ năm 2015 để phục vụ cho phát điện thì sẽ không còn chuyện giá than cho điện chỉ tính bằng khoảng 60% giá thành sản xuất than như đang áp dụng với giá than nội địa.

Tiếp cận dần với cơ chế giá điện theo các yếu tố thị trường không chỉ buộc các doanh nghiệp phải sử dụng điện tiết kiệm, đổi mới công nghệ, tăng năng suất, nhằm giảm chi phí mà còn động viên được các nguồn vốn khác tham gia đầu tư vào làm điện. Đây cũng là những điều kiện để thị trường điện cạnh tranh có thể đi vào vận hành trong thực tế, thay vì chỉ dừng lại ở thí điểm và chờ đủ điều kiện như hiện nay.

(Theo Doanh nhân)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao