So với các nhà đầu tư lớn được chào đón và hưởng nhiều ưu đãi thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ có phần chịu nhiều thiệt thòi hơn khi bước chân vào Việt Nam.
Ảnh: minh họa. |
Thiệt thòi cho nhà đầu tư nhỏ
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, thành viên Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), các DNNVV nước ngoài mới chính là đối tượng cần được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nếu muốn mời gọi họ vào đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Họ không có nhiều quyền thỏa thuận và kinh nghiệm quốc tế, bị hạn chế hơn về tài chính, nhân lực, và rất nhạy cảm với tình hình kinh tế - chính trị ở nước sở tại.
Trung bình, một nhà đầu tư Nhật Bản bước vào thị trường Việt Nam cần khoảng 400.000 USD để thuê nhà xưởng, mua máy móc thiết bị. Với số vốn nhỏ nhoi ấy, họ cần được hỗ trợ nhiều về thuế. Tuy nhiên, chính sách miễn thuế nhập khẩu của Việt Nam lại thay đổi từ giữa năm 2010, chỉ một số ngành được khuyến khích đầu tư được miễn thuế. Vấn đề vay vốn càng nan giải hơn vì những năm gần đây Chính phủ Việt Nam chủ trương siết chặt các khoản vay dài hạn từ nước ngoài của DN. Các nhà đầu tư nhỏ cũng gặp thách thức trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam do có quá ít thông tin, cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng không đầy đủ và cập nhật.
Đánh giá Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng song không ít nhà đầu tư Nhật Bản có mặt tại hội thảo "Thu hút DNNVV Nhật Bản vào các khu công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam" do Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) bày tỏ e ngại về nguồn cung ứng đầu vào tại thị trường Việt Nam. Họ cho biết chủng loại, giá thành, chất lượng và thời hạn giao hàng của các nhà cung ứng trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của họ.
Cần những cú hích
Cần có những giải pháp để hỗ trợ các nhà đầu tư nhỏ - những DN vệ tinh làm cơ sở thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển là khuyến nghị từ ông Ryoichi Nagakawa - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Theo đó, những ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ cần được Chính phủ Việt Nam sớm ban hành, song song với việc áp dụng trở lại chính sách miễn thuế nhập khẩu cho máy móc thiết bị tạo tài sản cố định đối với các DN nước ngoài mới khởi sự tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chính sách phát triển cụm liên kết công nghiệp nhằm giải quyết từng bước vấn đề thị trường và nguồn cung ứng trong nước. Hiện Việt Nam đã có một số cụm liên kết công nghiệp điện tử và cơ khí kỹ thuật ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tại đây, các nhà cung ứng trong nước và nhà đầu tư quy mô nhỏ của nước ngoài đã làm nên mạng lưới hỗ trợ các công ty lớn trong ngành sản xuất xe máy, máy in, điện thoại di động…
Nhưng đáng chú ý hơn cả là sự ra đời của Khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản tại Quế Võ, Bắc Ninh (tháng 4/2009). Đây là khu công nghiệp hỗ trợ đầu tiên ở Việt Nam, thu hút được khá nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. Gần đây, tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và bổ sung khu công nghiệp này vào danh mục các khu công nghiệp dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng 2020.
Hướng phát triển này được ông Nagakawa đánh giá là cần được tiếp tục nhân rộng vì sự có mặt của các DNNVV nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp hình thành nên những cụm điểm công nghiệp hỗ trợ tập trung, từ đó tạo ra cú hích để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chuyển động nhanh hơn.
(Theo Trang Anh // Kinh tế & Đô thị)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com