Trong lúc nhiều doanh nghiệp dệt may đang mải miết gia công xuất khẩu cho đối tác nước ngoài, thì 2 Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến và Nhà Bè đã tiên phong đưa thương hiệu của mình ra nước ngoài. Để việc “mang chuông đi đánh xứ người” có hiệu quả, 2 doanh nghiệp này đã xây dựng chiến lược khá bài bản để tiếp cận thị trường nước ngoài.
Đưa thương hiệu Việt Tiến sang “Công xưởng của thế giới”
Liên tiếp trong 2 năm qua, đã diễn ra nhiều sự kiện liên quan tới chiến lược mở rộng thương hiệu Việt Tiến ra thị trường nước ngoài: Tháng 4/2009, Việt Tiến đã khai trương tổng đại lý ở thủ đô Phnôm pênh của Campuchia nhằm khai thác thị trường nước bạn và mở đại lý cấp hai giới thiệu hai thương hiệu là Việt Tiến và Việt Tiến Smart Casual. Tiếp đó, tháng 4/2010, Việt Tiến lại mở tổng đại lý tại Viên Chăn (Lào) giới thiệu bốn thương hiệu Việt Tiến, Việt Tiến Smart Casual, San Sciaro và Việt Long. Bước đầu kết quả kinh doanh ở hai nước Campuchia và Lào đã rất khả quan.
Cả hai nước Lào và Campuchia đều có nền kinh tế đang hội nhập, dân số trẻ, có nhu cầu về ăn, mặc chất lượng cao. Không chỉ hàng may mặc, hàng Việt Nam rất được ưa chuộng tại hai thị trường trên. Trong chiến lược phát triển thương hiệu từ đây tới năm 2015, Việt Tiến sẽ tiếp tục đưa thương hiệu của mình sang các nước ASEAN và châu Á, từng bước đưa thương hiệu Việt Tiến ra các khu vực khác trên thế giới. Kế tiếp Campuchia và Lào, sẽ là Mianma, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore. Việt Tiến cũng dự kiến phát triển thương hiệu sang Úc, Newzeeland và Trung Quốc.
Ông Phan Văn Kiệt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến cho biết: Chúng tôi chọn các nước ASEAN vì thị trường đông dân, kinh tế năng động, có những nét tương đồng về văn hóa, thông số vóc dáng, thể hình, thu nhập… Từ ASEAN, chúng tôi sẽ lan tỏa ra các thị trường khác. Riêng đối với Trung Quốc, vốn được mệnh danh là công xưởng của thế giới”, việc đưa thương hiệu Việt Tiến sang thị trường đông dân nhất hành tinh được nhiều người ví như “chở củi về rừng”. Tuy nhiên, bất cứ thị trường nào cũng có khe hở của nó. Vấn đề là mình phải nghiên cứu thị trường thật kỹ, đưa sang đó sản phẩm nào, cấp độ nào. Hàng may mặc Trung Quốc bán tại Việt Nam giá rẻ vì hàng kém phẩm chất, hàng tồn, nhưng ngay tại Trung Quốc, giá hàng may mặc chất lượng cao không hề rẻ.
"Chiến lược phát triển thương hiệu ra nước ngoài của Việt Tiến sẽ thực hiệu theo kiểu vết dầu loang, sau khi thành công tại thị trường châu Á, chúng tôi sẽ phát triển thương hiệu Việt Tiến sang châu Âu- Ông Kiệt nhấn mạnh- Hiện nay, sản phẩm may mặc của Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực và thế giới về tay nghề, công nghệ… Vấn đề là người tiêu dùng nước ngoài chưa biết thương hiệu của các công ty Việt Nam. Ở trong nước, thương hiệu Việt Tiến nổi tiếng, nhưng khi đưa ra nước ngoài, phải bắt đầu từ con số không. Vì vậy, để cho người tiêu dùng nước ngoài nhận biết thương hiệu của mình, công ty cần có chiến lược định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Khi đưa sản phẩm ra nước ngoài, cần phải xác định đưa ra dòng sản phẩm nào, thương hiệu nào cho phù hợp đối với từng nước, vì mỗi thương hiệu phù hợp với mức thu nhập, sự phát triển của nền kinh tế".
Đối với chiến lược phân phối, mỗi công ty có một thế mạnh riêng. Việt Tiến tìm kiếm đối tác đứng ra làm nhà phân phối độc quyền mà không tự đứng ra xây dựng kênh phân phối riêng. Thông qua đại sứ quán, triển lãm, hội thảo, các khách hàng đã từng làm ăn với Việt Tiến… sau đó hai bên qua lại tìm hiểu khả năng, thực lực của nhau, Việt Tiến sẽ chọn lựa nhà tổng đại lý. Cách làm này khi triển khai sẽ chậm hơn, nhưng điểm lợi là đối tác sở tại am hiểu thị hiếu, sở thích, văn hóa của nước đó hơn mình. Đây là cách làm đã áp dụng tại Campuchia và Lào.
Thương hiệu Nhà Bè đến “Kinh đô thời trang”
Cũng là “đại gia” trong lĩnh vực may mặc, Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè cũng ấp ủ đưa thương hiệu may mặc Nhà Bè ra nước ngoài để nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của Việt Nam hơn, đồng thời tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Thị trường nước ngoài đầu tiên để giới thiệu sản phẩm Nhà Bè là…Ý, nước được mệnh danh là “Kinh đô thời trang” của thế giới.
Ông Lê Mạc Thuấn- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè- cho biết: Tại Việt Nam, Nhà Bè nổi tiếng với các thương hiệu Mattana, Novelty….Sau nhiều năm thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu một cách bài bản, sản phẩm mang thương hiệu Nhà Bè có bước tiến vững chắc, với lợi thế công nghệ hiện đại, đội ngũ các nhà thiết kế chuyên nghiệp, Nhà Bè sản xuất các sản phẩm veston, sơ mi với sự khác biệt cao. Hệ thống kênh phân phối được đầu tư với nhận diện chuẩn mực và hiện đại phủ khắp các tỉnh thành, được người tiêu dùng chấp nhận sử dụng và trung thành. Đây là cơ sở để Nhà Bè xuất khẩu thương hiệu ra nước ngoài. Trong tháng 7/2010 sắp tới đây, Nhà Bè sẽ nhượng quyền thương hiệu Mattana qua Ý với dòng sản phẩm veston, sơ mi thương hiệu Mattana, đồng thời khai trương của hàng Mattana tại Ý. Chuyến xuất ngoại thương hiệu đầu tiên này trị giá 300.000USD. Đây là bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn đối với Nhà Bè. Để xuất khẩu thương hiệu Nhà Bè, chúng tôi đã tổ chức nghiên cứu rất kỹ từ các thông số kỹ thuật, chất liệu, màu sắc, thiết kế…của thị trường Ý. Vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ khai trương thêm ba cửa hàng tại Ý.
Việc hai tổng công ty cổ phần may Việt Tiến và Nhà Bè xuất khẩu thương hiệu là một tín hiệu cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của các doanh nghiệp may mặc nước ta, từ chỗ gia công tạo giá trị gia tăng cho các thương hiệu lớn của thế giới chuyển sang đưa thương hiệu của mình ra nước ngoài. Điều này là một bước đi tất yếu trong quá trình đưa Tập đoàn dệt may Việt Nam trở thành một trong các tập đoàn hàng đầu của thế giới.
(Báo Điện tử Công thương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com