Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tổng công ty Hàng hải vượt qua khó khăn, thử thách, vươn ra biển lớn

Bốc xếp công-ten-nơ tại Cảng Hải Phòng.
 Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, được sự hỗ trợ và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ban, ngành hữu quan, sự hợp tác và giúp đỡ của các đối tác, bạn hàng, tập thể lãnh đạo và gần bốn vạn cán bộ CNV Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đoàn kết nhất trí, quyết tâm khắc phục khó khăn, thử thách, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như:

Thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 11-12-2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2009; Tận dụng thời cơ thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển đội tàu theo hướng cơ cấu lại và trẻ hóa đội tàu vận tải biển. Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển theo đúng tiến độ; triển khai xây dựng mạng lưới dịch vụ logistics tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hệ thống quy định, quy chế quản lý nội bộ để phát huy những ưu điểm của mô hình tổ chức công ty mẹ - công ty con.

Duy trì tăng trưởng - đẩy mạnh đầu tư đội tàu và cảng biển

Trong năm 2009, các doanh nghiệp vận tải biển là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới với sự suy giảm đột ngột trên thị trường cước vận tải biển. Mặc dù sản lượng vận tải biển năm 2009 vẫn tăng trưởng 8% nhưng chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của hoạt động vận tải biển giảm so với thực hiện năm 2008. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều bảo đảm mức duy trì hoạt động ổn định và đều đặn cho đội tàu, hạn chế tối đa tình trạng tàu dừng khai thác để chờ hàng.

Ðối với hoạt động khai thác cảng, sản lượng hàng thông qua cảng tăng 20% so với thực hiện 2008 với sự tăng trưởng đột biến của mặt hàng cát xuất khẩu qua các cảng Sài Gòn, Cái Cui và Cần Thơ.

Dưới tác động của suy giảm kinh tế và những khó khăn về tài chính, đơn giá và khối lượng dịch vụ giảm do khách hàng có xu hướng tiết kiệm chi phí thuê ngoài hoặc cắt giảm quy mô hoạt động. Giá dầu thế giới biến động bất thường trong thời gian qua đã khiến hoạt động kinh doanh xăng, dầu chịu ảnh hưởng của cơ chế thị trường thả nổi đã tạo nên sự cạnh tranh lớn về giá bán.

Mục tiêu đặt ra trong năm 2009 toàn Tổng công ty sẽ đầu tư thêm khoảng 200 nghìn tấn trọng tải tàu thông qua hình thức đóng mới trong nước và mua tàu đang sử dụng. Tuy nhiên, tận dụng giá tàu xuống thấp, các doanh nghiệp trong Tổng công ty đã sử dụng nguồn vốn tự có, tìm kiếm nguồn vốn vay thương mại, thanh lý tàu cũ để đầu tư mua thêm 13 tàu hàng khô và một tàu container với tổng trọng tải gần 320.000 tấn, tổng mức đầu tư 180 triệu USD. Tổng công ty cũng đã nhận bàn giao một tàu hàng khô 22.500 tấn từ Vinashin, nâng tổng số tàu đóng mới hoàn thành lên 25 tàu, tổng trọng tải 319.000 tấn. Ðồng thời, Tổng công ty đã thực hiện thanh lý khoảng 140.000 tấn tàu già, hết khấu hao để bổ sung nguồn vốn đối ứng đầu tư tàu mức trẻ hơn, tái cơ cấu đội tàu. Như vậy, tính đến hết năm 2009, tổng trọng tải đội tàu Tổng công ty đã đạt 2,7 triệu tấn, chiếm khoảng 45% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia.

Các dự án đầu tư xây dựng cảng biển trọng điểm quốc gia: Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - giai đoạn khởi động: Dự án đã được khởi công vào ngày 31-10-2009 với sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các bộ, ban, ngành, địa phương, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Tổng công ty. Hiện các công trình tạm, nạo vét trước bến và đóng cọc thử của hạng mục cầu tàu đang được khẩn trương thi công. Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng - giai đoạn khởi động: Ðã hoàn thành công tác thiết kế, rà phá bom mìn. Hiện Tổng công ty đang triển khai các thủ tục đầu tư và thành lập liên doanh với các đối tác Nhật Bản để đầu tư khai thác hai bến khởi động. Dự án Cảng Ðình Vũ - Hải Phòng: đã đưa vào khai thác bến số 3, 4 thuộc giai đoạn 2 với tổng chiều dài 450 m và khởi công bến số 5 có chiều dài 225 m. Hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng giai đoạn 3 với 235 m cầu cảng. Cảng Cái Cui giai đoạn II: gồm 3 bến với tổng chiều dài 500 m, tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào ngày 11-7-2009 với sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, địa phương. Hiện dự án đang thực hiện gói thầu thi công, xây lắp. Tổng công ty và Petro Việt Nam thống nhất hợp nhất dự án đầu tư Khu căn cứ dịch vụ dầu khí Sao Mai - Bến Ðình và dự án đầu tư cảng container quốc tế Vũng Tàu thành dự án đầu tư xây dựng cảng container quốc tế Vũng Tàu và khu hậu cần logistics. Trên cơ sở đó, đàm phán với phía đối tác nước ngoài là Tập đoàn Trung Hoa Chiêu thương Cục để thành lập liên doanh theo hướng phía Việt Nam nắm giữ tỷ lệ ít nhất là 51% trong liên doanh. Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 1: công suất thông qua khoảng 8,5 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 DWT, tổng mức đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng, đã khởi công và triển khai xây dựng cầu cảng trong tháng 5-2009. Cảng quốc tế SP-PSA liên doanh với tập đoàn PSA (Xin-ga-po) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: giai đoạn 1 khánh thành vào cuối tháng 5-2009, đưa vào sử dụng cầu cảng dài 600 m, có thể tiếp nhận hai tàu trọng tải 80.000 tấn, công suất xếp dỡ 1,1 triệu TEUs/năm. Là cảng nước sâu, cảng quốc tế SP - PSA sẽ góp phần giảm thời gian và chi phí vận chuyển cho hàng hóa xuất nhập khẩu trên tuyến Việt Nam - Hoa Kỳ. Cảng quốc tế Cái Mép, Cảng container quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (liên doanh với tập đoàn APMT, SSA): có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải hơn 80.000 DWT, công suất xếp dỡ khoảng 1,1 đến 1,3 triệu TEUs/năm, hiện đang trong quá trình thi công, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào đầu năm 2011. Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco - Vinalines: với tổng mức đầu tư 250 triệu USD, trên diện tích 100 ha, có khả năng sửa chữa và đóng mới tàu từ 20.000 - 100.000 DWT, đã được khởi công xây dựng vào tháng 4-2009. Kho bãi container Vinalines Hải Phòng - giai đoạn 1: khởi công tháng 12-2008. Trong năm 2009, đã triển khai các gói thầu san lấp mặt bằng bãi, xây dựng bãi tập kết container, đường nội bộ, hệ thống thoát nước, sân bãi nội bộ, nhà văn phòng, kho CFS... Ðến nay hệ thống đường bãi đang được hoàn thiện để chuẩn bị đưa vào khai thác một phần của dự án trong quý I-2010. Cảng nội địa ICD Lào Cai: được khởi công vào tháng 1-2009 tại cụm công nghiệp Ðông Phố Mới, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Hiện Công ty CP Vinalines Logistics Việt Nam đang triển khai thực hiện giai đoạn 1 của dự án với tổng mức đầu tư là 78 tỷ đồng trên diện tích khoảng 4,7 ha.

Ðổi mới công tác quản lý, điều hành

Tổng công ty đã tổ chức sắp xếp lại và thành lập mới một số Ban tham mưu, đồng thời điều chỉnh, bổ sung và ban hành một số quy chế, quy định nội bộ, cải cách thủ tục hành chính, đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho hoạt động của các doanh nghiệp thành viên. Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc và các Ban tham mưu của Tổng công ty đã luôn bám sát, hướng tới cơ sở, duy trì các buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm cùng trao đổi, tìm giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Từ khi Tổng công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con vào năm 2007, công tác quản lý, điều hành dần được hoàn thiện, phù hợp với mô hình quản lý mới, tạo điều kiện cho các công ty con, công ty liên kết linh hoạt hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy tốt hơn hiệu quả sử dụng phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tính đến thời điểm 31-12-2009, Tổng công ty đang quản lý khoảng hơn 6.000 tỷ đồng vốn Nhà nước góp tại các công ty liên doanh, công ty cổ phần và công ty TNHH một thành viên, vì vậy trong thời gian tới, công ty mẹ cần tiếp tục hoàn thiện thêm khung pháp lý để nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của những người đại diện phần vốn Nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết này.

Tổng công ty đã phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển và khai thác cảng biển theo dõi, kiểm tra việc thực hiện ISM Code và ISPS Code; phổ biến hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết 41-NQ/T.Ư ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở triển khai những nội dung cụ thể của Chỉ thị 14-CT/BGTVT về bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Cũng trong năm qua, Tổng công ty đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi Công ty Thương mại dịch vụ Cảng Sài Gòn sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tiếp nhận ba cảng Nghệ Tĩnh, Quy Nhơn và Nha Trang trở thành doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty và hoàn thành các thủ tục chuyển đổi các Cảng trên thành Công ty TNHH một thành viên. Tổng công ty đã cơ bản hoàn thành công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thành viên thuộc Tổng công ty, hoàn thành việc chuyển đổi các cảng sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên và triển khai Ðiều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam theo Quyết định số 192/QÐ-TTg ngày 12-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp nhận và hoàn thành việc chuyển đổi mô hình cho 5 doanh nghiệp cảng: Cam Ranh, Cái Cui, Nghệ Tĩnh, Quy Nhơn và Nha Trang.

Một số tồn tại cần khắc phục trong năm 2010

Những kết quả mà Tổng công ty đạt được là rất đáng khích lệ, tuy nhiên để có thể trở thành một doanh nghiệp hàng hải mạnh, đảm nhận vai trò nòng cốt của ngành hàng hải Việt Nam, Tổng công ty cần tiếp tục khắc phục những nhược điểm chính sau:

Về hoạt động vận tải biển: Mặc dù trọng tải đội tàu đã tăng lên nhanh chóng trong ba năm vừa qua nhưng đội tàu hàng khô vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 41% số tàu dưới 15.000 tấn. Quy mô của đội tàu container và đội tàu chở dầu sản phẩm còn nhỏ bé. Một số doanh nghiệp trong Tổng công ty chủ yếu khai thác dưới hình thức cho thuê định hạn nên bị hạn chế trong việc nâng cao năng lực quản lý, khai thác và chủ động mở rộng thị trường.

Về hoạt động khai thác cảng biển: Hiện nay Tổng công ty đang trực tiếp quản lý 10 cảng biển và tham gia góp vốn đầu tư vào 7 cảng biển khác. Tuy nhiên, vẫn chưa xây dựng được chiến lược phối hợp khai thác chung đối với từng nhóm cảng phù hợp với quy mô, năng lực, phát huy được sức mạnh của từng cảng và tránh tình trạng bị động trong khai thác như xảy ra tình trạng tắc nghẽn với một số cảng trong những tháng đầu năm 2009. Ðồng thời, có thể nhận thấy xu hướng sản lượng hàng container thông qua các cảng của Tổng công ty đang có xu hướng tăng chậm dần qua các năm, cơ cấu của mặt hàng này trong tổng sản lượng hàng thông qua cảng giảm dần. Có thể đánh giá nguyên nhân chủ yếu là do các bến container hiện hữu của Tổng công ty mới chỉ đủ khả năng tiếp nhận các tàu feeder, trong khi các bến nước sâu lại đang trong quá trình thi công, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2010. Vì vậy, lượng hàng container đã bị hút sang các bến nước sâu khác có khả năng tiếp nhận tàu lớn hơn, phương tiện xếp dỡ hiện đại hơn như Tân Cảng Cái Mép.

Về hoạt động dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh: Tổng công ty đã nghiên cứu, mở rộng một số ngành nghề khác để bổ trợ cho ngành nghề chính. Một số dự án đã đi vào hoạt động và đóng góp nhất định vào kết quả hoạt động chung của Tổng công ty. Tuy nhiên, nhiều dự án hiện vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư hoặc đang triển khai nên nhìn chung doanh thu, lợi nhuận của những dự án này chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty. Ngoài ra, mục tiêu xây dựng mạng lưới dịch vụ logistics tại các vùng kinh tế trọng điểm chưa được triển khai quyết liệt và mạnh mẽ theo tiến độ đã đề ra.

Với tinh thần nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động sáng tạo trong quản lý điều hành và sản xuất kinh doanh của tập thể lãnh đạo, CBCNV, cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành hữu quan, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đạt được những thành tích nhất định, có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề để Tổng công ty xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

Kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2009

Tổng sản lượng vận tải biển đạt 32,9 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2008 và 18% so với kế hoạch năm 2009;

Tổng sản lượng tấn luân chuyển đạt 125 tỷ Tkm, tăng 12% so với năm 2008 và 23% so với kế hoạch năm 2009;

Tổng sản lượng hàng thông qua cảng đạt 70 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2008 và 13% so với kế hoạch năm 2009;

Tổng doanh thu đạt 18.195 tỷ đồng, tăng 1% so với kế hoạch năm 2009;

Tổng lợi nhuận đạt 857 tỷ đồng, tăng 90% so với kế hoạch năm 2009;

Tổng nộp ngân sách đạt 1.234 tỷ đồng, bằng 98% so với năm 2008.

Các dự án đầu tư năm 2010

Các dự án đang chuẩn bị thủ tục đầu tư: Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 2; Kho, cầu cảng xăng dầu Vinalines (Ðồng Nai); Kho bãi hậu cần logistics Cảng Cái Cui; di dời, chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn, cảng Sông Hàn, xây dựng cảng Sơn Trà, cảng Tiên Sa - giai đoạn II (Ðà Nẵng); Bến tổng hợp container cảng Cam Ranh (Khánh Hòa); Cụm công nghiệp - cảng biển và dịch vụ cảng, khu dịch vụ hậu cần cảng Cái Lân (Quảng Ninh); Trung tâm đào tạo nhân lực Hàng hải Ðông Nam Á (Hải Phòng); Trung tâm hàng hải miền Trung, Trường Cao đẳng nghề Hàng hải Vinalines (Nghệ An); Trường ÐH Vinalines (Bến Tre)...

Ðối với 2 dự án trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư lớn là Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Tổng công ty tiếp tục đàm phán với các tổ chức tài chính nước ngoài như Credit Suisse, BnP Paribas, KEIC, JBIC... để có thể thu xếp khoản vay với mức giá, thời gian cho vay và cấu trúc khoản vay hợp lý, phù hợp với đặc thù của các dự án cảng.

Công tác xã hội từ thiện

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo và dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ðảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Tổng công ty đã tham gia nhận hỗ trợ, tài trợ cho các huyện Tương Dương (Nghệ An), Xín Mần (Hà Giang), Bảo Lâm (Cao Bằng), Phước Sơn, Tây Giang, Thăng Bình (Quảng Nam), tỉnh Yên Bái, Bắc Cạn, Trà Vinh, Gia Lai, TP Cần Thơ, ba huyện nghèo của tỉnh Lào Cai... Bên cạnh đó, Tổng công ty còn tham gia ủng hộ các quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì người nghèo, quỹ Bảo trợ trẻ em, quỹ Tấm lòng vàng, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc mầu da cam, ủng hộ xây dựng nhà tưởng niệm Lãnh tụ Nguyễn Ðức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân tại Hải Phòng, ủng hộ khắc phục hậu quả bão lụt, thiên tai. Tổng số tiền Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã cam kết hỗ trợ theo Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước và tham gia vào các chương trình xã hội từ thiện là khoảng gần 70 tỷ đồng.

(Theo Nhandan)

  • Công ty Cao-su Dầu Tiếng chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Cao-su Dầu Tiếng
  • Vietnam Airlines nhận vận chuyển đào, mai
  • Bớt quảng cáo, bớt đại lý để giảm giá thức ăn chăn nuôi
  • Lấn cấn đối tượng hỗ trợ
  • Vietnam Airlines tăng mạnh số chuyến bay trong dịp Tết
  • JAL sẽ không trở thành hãng hàng không giá rẻ
  • Mitsubishi lần đầu tiên công bố lợi nhuận quý
  • Tháng 1/2010: Cả nước có gần 6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao