Vị trí độc quyền trong việc cung ứng nhiên liệu hàng không tại Việt Nam của Vinapco sẽ bị mất vì Cục hàng không đã đồng ý Công ty cổ phần nhiên liệu bay tham gia lĩnh vực này - Ảnh: Mộng Bình |
Ngày 16-9, Công ty xăng dầu hàng không (Vinapco) gửi văn bản đến Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) để xin ý kiến về việc giải quyết số nợ của của Hãng hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) vì không đồng ý cách trả nợ của hãng này.
Trong văn bản số 1764/XDHK-TCKT, Giám đốc của Vinapco, ông Trần Hữu Phúc cho rằng Indochina Airlines đã không thực hiện đúng cam kết về trả số nợ theo như sự đồng ý trong công văn số 2112/TCTHK-TCKT ngày 9-9-2009 của Vietnam Airlines - công ty mẹ của Vinapco.
Ông Phúc nói rằng phía Indochina Airlines đã đề nghị Vinapco chấp nhận việc cộng dồn khoản nợ tháng 6 và 7-2009 vào nợ phát sinh trước ngày 31-5-2009 và sẽ trả thành 4 kỳ với mỗi kỳ là 5 tỉ đồng và kỳ 1 trả trước ngày 15-9. Các khoản lãi chậm trả phát sinh sẽ được hai bên tính toán sau ngày này.
Tuy nhiên, Indochina Airlines chỉ có thể trả được 2,8 tỉ đồng tính đến thời điểm ngày 15-9. Ông Phúc nói: “Như vậy, một mặt Indochina Airlines có cam kết về nghĩa vụ trả nợ nhưng mặt khác lại thực hiện không đúng cam kết của mình. Điều này dẫn đến hậu quả là nợ dây dưa khó giải quyết dứt điểm”.
Ông Phúc cho biết Indochina Airlines nợ Vinapco tổng cộng khoảng 20 tỉ đồng, gồm hơn 11 tỉ đồng nợ đọng và hơn 8 tỉ đồng cho khoản nợ của tháng 6 và 7-2009. Để đòi được số nợ còn lại thì Vinapco lại gửi văn bản đến Cục Hàng không và Vietnam Airlines để xin ý kiến giải quyết.
Ông Lại Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục hàng không, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng Indochina Airlines đã báo cáo miệng về khả năng tài chính và cách giải quyết nợ, và cũng xin dời nộp báo cáo về vấn đề này.
Ông Thanh nói việc cho phép Indochina Airlines chậm nộp báo cáo thay vì thời hạn 15-9 như trước đây để tạo cơ hội cho hãng thương thảo với đối tác và tìm cách giải quyết nợ hiệu quả. Theo ông, quan điểm của Cục hàng không là tạo mọi điều kiện để Indochina Airlines tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Ngày 16-9, Indochina Airlines cho biết đã không thể tổ chức họp báo như đã dự định để công bố cách mà hãng sẽ thực hiện để vượt qua khó khăn. Trước đó, Indochina Airlines cho biết các cổ đông đã đồng ý đóng góp thêm 150 tỉ đồng và hãng cũng đang tính đến khả năng bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Phúc nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng hiện mỗi năm Vinapco nhập hơn 500.000 tấn nhiên liệu để bán cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Vietnam Airlines tiêu thụ khoảng 70% số nhiên liệu này và phần còn lại là Jetstar Pacific, Indochinia Airlines và các hãng hàng không nước ngoài.
Hiện Vinapco là Công ty cung ứng nhiên liệu hàng không duy nhất đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng vị trí độc quyền sẽ bị mất bởi vì Cục hàng không đã cấp phép cho Công ty cổ phần nhiên liệu bay (PJF) thuộc Petrolimex tham gia vào lĩnh vực này. Ông Lưu Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục hàng không, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 16-9 rằng Cục hàng không đã cấp phép cho PJF cung cấp nhiên liệu cho các máy bay đến và đi từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, ông Bình nói còn phải mất một thời gian thì PJF mới có thể cung cấp nhiên liệu như đã được cấp phép vì công ty phải làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam để tìm cách đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc cung cấp xăng dầu. |
(Theo Bình Nguyên // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com