Chủ động vượt qua khó khăn
Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các nhà máy thuốc lá Việt Nam bước vào giai đoạn khôi phục và phát triển sản xuất trên phạm vi cả nước. Ngày 4-5-1975, một nhóm cán bộ ngành thuốc lá được điều động từ miền bắc vào Sài Gòn để tiếp quản hai hãng thuốc lá MIC và BASTOS. Sau 45 ngày tiếp quản, mác thuốc "Sài Gòn giải phóng" đã ra đời - sản phẩm mang tên Việt Nam đầu tiên của nhà máy, đạt chất lượng có thể thay thế mác thuốc Capstan vốn là sản phẩm chủ yếu của hãng MIC lúc đó. Ở miền bắc, hai nhà máy thuốc lá Thăng Long và Bắc Sơn phải vượt qua những khó khăn khắc nghiệt.
Trong giai đoạn 10 năm sau ngày thống nhất đất nước (1975 - 1985), từ những nhà máy riêng biệt đã hình thành hai xí nghiệp liên hợp gồm: Xí nghiệp liên hợp Thuốc lá I ở miền bắc và Xí nghiệp liên hợp Thuốc lá II ở miền nam. Ðây cũng là thời kỳ áp dụng quản lý kinh tế theo hình thức tập trung bao cấp. Các nhà máy hoạt động dựa vào nguồn vật tư Nhà nước cung cấp để thực hiện kế hoạch được giao. Vật tư nguyên phụ liệu được cung cấp không bảo đảm về số lượng, chất lượng, chủng loại và thời gian, máy móc thiết bị già cỗi, lạc hậu. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu phân tán, quy trình canh tác lạc hậu, giống nguyên liệu thoái hóa, phẩm chất thấp. Hoạt động của các nhà máy trong thời gian này hết sức bị động, sản xuất cầm chừng, sản lượng quá thấp so với năng lực.
Trước những khó khăn chồng chất tưởng chừng không thể vượt qua, các nhà máy đã mạnh dạn, chủ động đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức điều hành sản xuất; vận dụng khéo léo, hài hòa 3 lợi ích: "nhà nước - tập thể - người lao động", kích thích tinh thần thi đua tăng năng suất lao động, đưa sản xuất kinh doanh của ngành thuốc lá vượt các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao.
Thời kỳ này, Xí nghiệp liên hiệp Thuốc lá II là một trong những doanh nghiệp được chọn làm thí điểm cơ chế quản lý mới của TP Hồ Chí Minh. Ngày 5-4-1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 108/HÐBT về việc thành lập Liên hiệp Thuốc lá Việt Nam, trên cơ sở hợp nhất Xí nghiệp Liên hợp Thuốc lá I và Xí nghiệp Liên hợp Thuốc lá II, nhằm thực hiện thống nhất tổ chức ngành thuốc lá Việt Nam. 10 năm sau, ngày 29-4-1995, Chính phủ ra Quyết định số 254/TTg về việc thành lập Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), tổ chức và hoạt động theo mô hình tổng công ty nhà nước (Tổng công ty 91). Với mô hình mới này, Vinataba được tăng thêm quyền hạn về tự chủ tài chính và kinh doanh, mở rộng phạm vi ngành nghề kinh doanh. Hoạt động theo mô hình tổng công ty nhà nước, Vinataba đã khẳng định tiềm lực phát triển, tích tụ được đủ các điều kiện cho việc hình thành một mô hình tổ chức mới đủ sức cạnh tranh thời kỳ hội nhập quốc tế, tiến tới hình thành Tập đoàn kinh tế mạnh với thương hiệu Vinataba tại thị trường trong nước và ngoài nước.
* Vinataba vinh dự được Nhà nước tặng thưởng: - Huân chương Hồ Chí Minh - Huân chương Ðộc lập hạng nhì, hạng ba - Huân chương Lao động hạng nhì, ba - Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ 9 năm liền 2000 đến 2009
* Các thành viên của Vinataba được Nhà nước tặng thưởng: - Công ty Thực phẩm Miền Bắc và Giám đốc Công ty Lê Văn Bằng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Công ty Thuốc lá Sài Gòn: Huân chương Ðộc lập hạng nhất, nhì, ba - Công ty Thuốc lá Thăng Long: Huân chương Ðộc lập hạng nhì, ba - Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà: Huân chương Ðộc lập hạng ba - Công ty thuốc lá Bắc Sơn: Huân chương Ðộc lập hạng ba - Nhiều đơn vị, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng
* Doanh nghiệp có mức đóng góp ngân sách nhà nước cao: - Nộp ngân sách: Giai đoạn 1991-1995 là 3.609 tỷ đồng Giai đoạn 1996-2000 là 6.037 tỷ đồng| Năm 2008 là 3.832 tỷ đồng Năm 2009 là 4.756 tỷ đồng Năm 2010 phấn đấu tăng 5-10% so 2009 - TOP TEN Giải thưởng Sao vàng Ðất Việt 2005-2007, Thương hiệu nổi tiếng quốc gia. |
Ðầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ
Thiết bị, công nghệ là một trong những khâu quyết định năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Khó khăn lớn nhất đối với Vinataba là máy móc, thiết bị, công nghệ của các nhà máy thuốc lá đã cũ và lạc hậu, không đồng đều, công nghệ chắp vá. Thuốc lá không phải là ngành được ưu tiên phát triển sản xuất, vì vậy các nguồn vốn vay rất hạn chế. Việc đổi mới máy móc, thiết bị chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự tích lũy còn rất hạn hẹp, Vinataba chủ trương từng bước hiện đại hóa thiết bị, máy móc, công nghệ, sửa chữa nâng cấp hệ thống máy cũ, cân đối điều chuyển thiết bị giữa các nhà máy, tự thiết kế, chế tạo một số máy phụ trợ... Việc đầu tư đổi mới máy móc thiết bị được Vinataba tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở luận chứng kinh tế kỹ thuật, khả năng tự cân đối ngoại tệ của các đơn vị, khả năng điều tiết và định hướng phát triển của Tổng công ty. Lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Tổng công ty là: Nâng cao công nghệ chế biến sợi, dây chuyền sản xuất thuốc đầu lọc và cây đầu lọc, máy đóng bao hộp cứng, đầu tư xây dựng cơ bản.
Ðể tiết kiệm ngoại tệ và nâng cao trình độ tay nghề cho cán bộ, công nhân, Vinataba khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà máy tự thiết kế chế tạo và đưa vào sử dụng hơn 50 máy móc, thiết bị các loại. Ðáng chú ý là thiết kế chế tạo máy đóng bao mềm loại 20 điếu; dây chuyền máy đóng tút, bóng kính tút; chế tạo máy trương nở cọng; máy dán tem thuốc lá; cải tạo hệ thống băng chuyền rung của phân xưởng sợi; tận dụng lại phần vụn lá thuốc của nhà máy chế biến nguyên liệu và thuốc lá điếu để sản xuất thuốc lá tấm, sử dụng phối chế trong sản xuất thuốc lá điếu; lắp đặt và đưa vào sử dụng các thiết bị hút ẩm và lọc bụi cho các phân xưởng sản xuất, đặc biệt là phân xưởng sợi; giảm đến mức thấp nhất các yếu tố độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất; tăng cường chiếu sáng, giảm thiểu độ ồn công nghiệp; bảo đảm các phân xưởng sản xuất thoáng mát, không bụi bặm... Qua đó đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của Tổng công ty đã trưởng thành, tiếp thu được kỹ thuật và công nghệ mới, làm chủ được máy móc thiết bị hiện đại.
Trong nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, việc quản lý chất lượng sản phẩm thuốc lá đòi hỏi phải được chuẩn hóa theo quy định quốc tế. Trong giai đoạn này, Vinataba đã tập trung đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại cho Viện Kinh tế - Kỹ thuật Thuốc lá và phòng thí nghiệm ở các nhà máy thuốc lá Sài Gòn, Thăng Long. Viện có những thiết bị thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế hàng đầu khu vực, được Bộ Y tế chỉ định là Phòng thử nghiệm duy nhất của Việt Nam thực hiện kiểm định hàm lượng Tar và Nicotin trong khói thuốc lá. Tất cả các sản phẩm của Tổng công ty đều được kiểm soát chặt chẽ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ðến nay hầu hết các đơn vị thành viên đều đã và đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001.
Trong chiến lược phát triển sản phẩm, Vinataba đã tập trung chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng sản phẩm có giá trị cao, giảm các chất độc hại, tăng cường hợp tác sản xuất các sản phẩm nhãn quốc tế nhằm chống thuốc lá nhập lậu. Nhờ đó, tại nhiều thị trường, những sản phẩm này đã dẫn đầu về lượng tiêu thụ, thay thế nhiều nhãn thuốc cấp thấp của các địa phương sản xuất trước đây. Thương hiệu Vinataba trở thành thương hiệu mạnh với 180 nhãn thuốc điếu tham gia thị trường,
Xây dựng mô hình khép kín, bảo đảm nguyên liệu ổn định cho khâu sản xuất, Vinataba còn từng bước đầu tư và quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu, phân vùng đất đai với quy mô tập trung nhằm phát huy ưu thế về thổ nhưỡng đối với cây thuốc lá và tiềm năng lao động sẵn có của các địa phương.
Phát triển sản xuất đa ngành
Trên thị trường quốc tế, Vinataba được đánh giá là một đối tác tin cậy, có tiềm lực và năng lực trong chiến lược hợp tác kinh doanh của các tập đoàn thuốc lá hàng đầu thế giới như BAT, Philip Morris, JTI Group, Imperial... trong các lĩnh vực như trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá chất lượng cao, sản xuất thuốc lá điếu, phụ liệu, hương liệu. Năm 2009, Vinataba đạt doanh thu 30.149 tỷ đồng, tăng gần 20% so cùng kỳ năm trước; nộp ngân sách 4.756 tỷ đồng, tăng 24,13%. Một trong những thành công lớn của Vinabata là đã từng bước mở rộng kinh doanh đa ngành, tham gia và quản lý sản xuất kinh doanh ngày càng có hiệu quả các ngành hàng quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng, đầu tư tài chính, bất động sản... Ðến nay, Vinataba sở hữu 51% vốn tại Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà và sở hữu 70% vốn trong liên doanh bánh kẹo Hải Hà-Kotobuki ; hợp tác với Vietnam Airlines sản xuất và kinh doanh nước tinh khiết Vinawa; hợp tác với Công ty rượu bia nước giải khát Lâm Ðồng sản xuất rượu vang Romantic; cùng với Viện Y học cổ truyền quân đội sản xuất trà giải độc nhãn hiệu Ngọc Trà; hợp tác với Tập đoàn Sapporo Holdings Limited, một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Tô-ky-ô, để thành lập Công ty liên doanh Sapporo Việt Nam Limited, xây dựng nhà máy sản xuất bia công suất 150 triệu lít/năm tại Long An; tiếp nhận Công ty Thực phẩm miền bắc (riêng công ty này đã có 19 đơn vị trực thuộc và ba công ty con, Vinataba đang hỗ trợ để công ty phát triển thành công ty hàng đầu của Tổng công ty trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng).
Các sản phẩm như rượu vang Romantic, nước tinh khiết Vinawa, trà túi lọc Ngọc Trà bước đầu đã được thị trường tiếp nhận, trong đó nước uống tinh khiết Vinawa vinh dự được chọn là một trong số sản phẩm nước uống tinh khiết phục vụ Hội nghị APEC Việt Nam 2006 và phục vụ hành khách trên tất cả các chuyến bay của Vietnam Airlines. Sản lượng bánh kẹo của Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà trung bình 16.000-17.000 tấn/năm, của Công ty liên doanh Bánh kẹo Hải Hà - Kotobuki 2.450 tấn/ năm, của Công ty thực phẩm miền bắc 12.000 tấn/năm. Trong thời gian qua, các đơn vị sản xuất bánh kẹo tập trung vào các dòng sản phẩm giá trị cao, đầu tư thiết bị mới để tăng năng suất và giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tổng kết chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, qua thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh, Vinataba đã rút ra được bốn bài học kinh nghiệm:
Một là: Quán triệt các đường lối, chính sách của Ðảng và Chính phủ về phát triển kinh tế nói chung và ngành thuốc lá nói riêng, vận dụng sáng tạo vào thực tế sản xuất, kinh doanh trong từng thời kỳ. Luôn luôn bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng trong các hoạt động của Tổng công ty.
Hai là: Chủ động xây dựng định hướng, chiến lược phát triển phù hợp với định hướng của Nhà nước, với yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn phát triển kinh tế. Như các chiến lược về đầu tư chiều sâu nguồn nhân lực, đổi mới máy móc thiết bị, phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao để cung cấp nguyên, phụ liệu trong nước thay thế nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu, xây dựng chiến lược thị trường, chiến lược sản phẩm, quảng bá thương hiệu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất kinh doanh.
Ba là: Tăng cường hợp tác, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Các hình thức hợp tác linh hoạt và đa dạng nhằm tận dụng những thế mạnh về kỹ thuật, công nghệ, quản lý của các đối tác nước ngoài.
Bốn là: Ðoàn kết nội bộ và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, phát huy sức mạnh của quần chúng thực hiện sôi nổi, liên tục các phong trào thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo.
Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, tập thể CBCNV Tổng công ty vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Trong những năm tới, Vinataba tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, với nhận thức sâu sắc về trách nhiệm trước sự nghiệp đổi mới của đất nước và chiến lược phát triển của Tổng công ty, toàn thể những người lao động Vinataba bằng trí tuệ, nghị lực, đoàn kết quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để xây dựng Tổng công ty phát triển nhanh và bền vững, hướng tới hình thành tập đoàn công nghiệp tiêu dùng vững mạnh.