Trong giai đoạn hội nhập kinh tế, việc doanh nghiệp đăng ký tiêu chuẩn quản lý chất lượng (tiêu chuẩn ISO) là rất cần thiết. Tiêu chuẩn ISO không chỉ tạo nên giá trị của doanh nghiệp, mà còn là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với đối tác.
Iso - Thước đo giá trị doanh nghiệp
Theo khảo sát các doanh nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu, những năm gần đây, doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng tiêu chuẩn ISO. Kỹ sư Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, cùng với chính sách hỗ trợ kinh phí, công tác tuyên truyền, quảng bá và những bài học khi thâm nhập thị trường, doanh nghiệp đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng tiêu chuẩn ISO. Do vậy, số lượng doanh nghiệp đến đăng ký tiêu chuẩn ISO trong thời gian qua liên tục tăng.
Đối với mỗi doanh nghiệp, muốn chuẩn bị tốt cho việc đăng ký tiêu chuẩn ISO phải mất ít nhất 2 năm. Chi phí cho việc điều chỉnh lại quy trình sản xuất khá tốn kém vì phụ thuộc vào quy mô sản xuất, dãy sản phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng và cả công ty tư vấn được mời… Song theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm năng suất Việt Nam (VPC), chi phí này sẽ được thu hồi rất nhanh. Nếu nhà máy có năng suất cao, công nghệ mới, máy móc hiện đại thì chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn, giá lại rẻ hơn. Sau khi doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ISO, niềm tin của người tiêu dùng và các đơn đặt hàng ngày càng tăng. Đồng thời, hệ thống tiêu chuẩn ISO giúp nâng cao ý thức của nhân viên, họ trở nên có trách nhiệm và tính kỷ luật cao hơn.
Là doanh nghiệp đi đầu trong việc đăng ký ISO áp dụng tiêu chuẩn 9001: 2008, ông Nguyễn Tuấn Huệ, Giám đốc Công ty dịch vụ dầu khí Vũng Tàu nhận xét, ISO không chỉ nâng cao vị thế của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp dễ kiếm được những hợp đồng từ phía các đối tác trọng chữ tín và chất lượng.
VẪN CÒN DOANH NGHIỆP... THỜ Ơ
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Bạch Tuyết, mặc dù trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã có sự chuyển biến trong nhận thức, song, số doanh nghiệp đăng ký thực hiện tiêu chuẩn ISO còn khá khiêm tốn, chủ yếu nhằm vào mục tiêu mở rộng thị phần ra nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết còn cho biết, những tiêu chuẩn đưa ra để xét cấp chứng chỉ ISO đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới. Trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng có năng lực tài chính để đầu tư cho sự thay đổi.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần lớn các chủ doanh nghiệp ít quan tâm đến việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Những doanh nghiệp có năng lực tài chính thì không mạnh dạn thay đổi. Còn những doanh nghiệp thiếu vốn, thiết bị công nghệ cũ, giải pháp đầu tư thấp, nguồn nhân lực còn hạn chế thì việc thay đổi theo tiêu chuẩn ISO là rất khó.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, hiện có một số doanh nghiệp tự đặt ra những quy chuẩn và khi thực hiện thấy rườm rà, mất thời gian, không hiệu quả nên nói tới tiêu chuẩn ISO là họ nghĩ ngay đến những vấn đề rắc rối. Do vậy, việc trao đổi giữa đơn vị chức năng về lợi ích của việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO với các doanh nghiệp là điều rất cần thiết.
(Theo Mai Hằng // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com