Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng bị bắt giữ vì dính líu đến một vụ giết người. Tòa án chống tham nhũng có nguy cơ bị xóa sổ. Dự luật chống tham nhũng mới bị các nghị sĩ “ngâm cứu”. Chưa bao giờ chiến dịch chống tham những ở Indonesia đứng trước nhiều thách thức như vậy
Aulia Tantowi Pohan, 63 tuổi, nguyên là phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia (ICB), về hưu cách đây năm năm. Nếu chỉ với cái chức đó – ICB có đến 4 phó thống đốc – thì tiếng tăm ông Aulia cũng chưa được dư luận chú ý đến nhiều như bây giờ.
Ông Aulia lúc bị bắt giữ. Ảnh: Viva News
Bốn phó thống đốc đều vào tù
Ông Aulia có hai yếu tố để trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của công luận. Thứ nhất, cách đây 4 năm ông ngồi sui với đương kim tổng thống (TT) Susilo Bambang Yudhoyono (con gái ông là con dâu trưởng của TT). Ngồi sui với TT Yudhoyono từng là một vinh hạnh của ông Aulia. Nhưng kể từ khi ông bị Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK, theo tiếng Indonesia) tuyên bố là nghi can trong vụ án tham nhũng ở Quỹ Hỗ trợ tiền mặt (gọi tắt là BLBI), một chi nhánh của ICB, thì hai tiếng sui gia trở thành một gánh nặng cho TT Yudhoyono đồng thời cũng là tai họa cho Aulia.
Theo hãng tin Indonesia Antara, TT Yudhoyono đã thú nhận rằng ông bị sốc thật sự khi nghe tin KPK tuyên bố ông sui Aulia là nghi can trong một vụ án tham nhũng tai tiếng. Nhưng ông hứa sẽ không can thiệp vào tiến trình tố tụng chống lại ông Aulia. TT Yudhoyono được xem là một nhà lãnh đạo có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt nhất từ trước tới nay. Thái độ hành xử của ông là thước đo tinh thần đó.
Aulia Pohan chính thức bị bắt giam lúc 17 giờ 15 phút ngày 27-11-2008 sau khi bị thẩm vấn lần thứ tư tại văn phòng KPK lúc 10 giờ. Trước đó, ông ta đã bị các nhà điều tra của KPK thẩm vấn ba lần. Ông Aulia không tỏ ra ngạc nhiên khi bị bắt vì đã chuẩn bị trước. Thậm chí, ông ta còn cười với phóng viên các báo khi bị ba cảnh sát cơ động giải giao về Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động ở Kelapa Dua, Tây Jawa. Ba vị cựu phó thống đốc ICB khác cũng bị bắt cùng ngày.
Cuộc xử án 4 cựu phó thống đốc ICB liên quan đến vụ án tham nhũng BLBI đã có phán quyết hôm 17-6 vừa qua. Ông Aulia Pohan lãnh án 4 năm rưỡi tù giam về tội hối lộ. Mức án này nặng hơn đề nghị của phía công tố. Ông chua xót nói : “Nếu tôi không phải là sui gia của TT thì tôi không phải ra tòa lãnh án như thế này”. Theo ông, vụ xử này mang động cơ chính trị. Có người nói ông oán trách TT Yudhoyono vì đang vận động tranh cử TT mà hy sinh tình sui gia.
Ba cựu phó thống đốc là Maman Soemantri bị xử 4 năm rưỡi tù giam, Bunbunan Hutapea và Aslim Tadjuddin mỗi người bị xử 4 năm tù.
Mua chuộc nghị sĩ
Vụ án tham nhũng ở BLBI bị lôi ra ánh sáng sau khi Cơ quan Kiểm toán tối cao (BPK) phát hiện một số tiền lớn khoảng 31,5 tỉ rupiah (46,3 tỉ đồng) thuộc ngân sách của Ủy ban xã hội nhân dân (PSC) được chuyển vào tay các ủy viên của Ủy ban Tài chính - ngân hàng của hạ viện từ năm 1999 đến năm 2004. Theo BPK, số tiền này là một dạng hối lộ các hạ nghị sĩ để họ ủng hộ tu chính án luật ngân hàng trung ương có lợi cho ICB và ủng hộ BLBI trong vụ tranh chấp với Bộ Tài chính kéo dài từ 10 năm nay về trách nhiệm đối với 138.000 tỉ rupiah mà nhà nước đổ vào hệ thống ngân hàng để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á 1997-1998.
PSC được Quỹ Phát triển Ngân hàng Indonesia (YPPI) thành lập để cải thiện hình ảnh của ICB và trợ giúp án phí cho các cựu quan chức ICB bao gồm cựu thống đốc ICB Soedradjad Djiwandono và bốn ông phó của ông này trong một vụ án tham những khác cũng của BLBI hồi cuối thập niên 1990. Vai trò của Aulia là điều phối viên của PSC. Ủy ban này được cấp 100 tỉ rupiah và đã dùng 68,5 tỉ rupiah để trả án phí. Số tiền còn lại được dùng để hối lộ 51 ủy viên ủy ban Tài chính-Ngân hàng hạ viện (trong số này có hai vị hiện nay đang làm bộ trưởng trong nội các TT Yudhoyono).
Vụ án BLBI cho tới nay đã làm 9 người đi tù. Đầu tiên là cựu thống đốc ICB Burhanuddin Abdullah, 60 tuổi (người kế nhiệm ông Djiwandono), bị xử trước sau 5 năm rưỡi và bị phạt 250 triệu rupiah về tội tham nhũng, sử dụng không đúng mục đích 100 tỉ rupiah của BLBI. Oey Hoey Tiong, cựu giám đốc tư pháp của ICB và Rusli Simanjuntak, trưởng chi nhánh Surabaya của ICB, cũng bị xử mỗi người 4 năm tù. Ngoài ra, hai nghị sĩ Anthony Zeidra Abidin và Hamka Yandhu thuộc Đảng Golkar bị xử từ 3 năm đến 4 năm rưỡi tù giam. Tuy nhiên, chưa có một vị nghị sĩ nào nhận tiền hối lộ bị đưa ra tòa.
Những hệ quả
Liệu ông Aulia bị xử án nặng có làm tăng uy thế và góp phần bảo đảm thắng lợi của TT Yudhoyono trong cuộc bầu cử TT ngày 8-7 tới hay không? Dư luận nói chung chưa thống nhất. Phát biểu trên nhật báo The Jakarta Post, ông Danang Widoyoko thuộc ICW, một tổ chức theo dõi nhân quyền ở Indonesia, nhận định: “Chắc chắn ban vận động bầu cử của TT Yudhoyono sẽ khai thác bản án đó để chứng minh rằng đương kim TT tỏ rõ quyết tâm chống tham nhũng đến cùng vì ông không can thiệp vào vụ xử sui gia của ông”.
Do ông Aulia đã kháng án lên tòa án tối cao vì cho rằng bản thân không bỏ túi đồng nào, ông Hasnil Hertanto thuộc MAPPI, một tổ chức giám sát tư pháp ở Indonesia, nghi ngờ rằng TT Yudhoyono có thể sẽ can thiệp ở cấp tòa án tối cao sau khi ông tái đắc cử còn hiện nay vì đang trong mùa bầu cử cho nên ông chưa ra tay.
TT Yudhoyono đang được 63,1% những người được hỏi chọn làm TT thêm một nhiệm kỳ, theo cuộc thăm dò mới nhất của tổ chức ISC. Đối thủ số một của ông, bà cựu TT Sukarnoputri, chỉ được 16,4% người ủng hộ.
Kỳ tới: Tòa án chống tham nhũng gặp khó
(Theo VĂN ANH // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com