Diễn biến mới nhất trong vụ án nói trên là đã có một nghi can chết. Ngày 28-7 vừa qua, người ta đã phát hiện Jack Shaw, 61 tuổi, cố vấn chính trị hạt Hudson - một trong số 44 người bị bắt hôm 23-7 - nằm chết tại nhà ở gần thành phố Jersey. Trong nhà có nhiều lọ thuốc rỗng. Theo cảnh sát, không có dấu hiệu án mạng. Tuy nhiên, cũng chưa có kết luận là ông Shaw tự tử hay gặp tai nạn khi dùng thuốc.
Jack Shaw bị cáo buộc ăn hối lộ 10.000 USD của “chim mồi” Solomon Dwek và gợi ý cho Dwek đóng góp trái phép 10.000 USD vào quỹ tranh cử của một chính khách được giấu tên ở thành phố Jersey.
Levy Izhak Rosenbaum (mặc áo trắng) được dẫn đến tòa án liên bang ở Newark _Ảnh: The Star-Ledger
Mua 10.000 USD bán 160.000 USD
Trong khi đó, một nghi can khác trong vụ án là Levy Izhak Rosenbaum, liên quan đến vụ mua bán lậu thận, cho rằng y không trực tiếp mua bán lậu thận mà chỉ làm “mai mối”. Rosenbaum bị bắt sau khi gặp Solomon Dwek và một phụ nữ đóng vai thư ký của Dwek tại Brooklyn, thành phố New York, trước đó có 10 ngày.
Rosenbaum không biết FBI đã theo dõi y từ lâu vì nghi ngờ nằm trong một đường dây buôn lậu thận từ Israel đến Mỹ. Đóng vai cháu của một bệnh nhân chạy thận đang nằm trong một bệnh viện ở Philadelphia, bang Pennsylvania, chờ ghép thận quá lâu, Dwek đề nghị Rosenbaum giúp đỡ kiếm giùm một người hiến thận.
Trong băng ghi âm cuộc thương lượng được Dwek ghi lén, Rosenbaum hứa sẽ đưa “một chàng trai hiến thận phù hợp với cậu anh”. Được hỏi đã bán được bao nhiêu quả thận rồi, Rosenbaum không ngần ngại khoe: “Cũng kha khá”.
Người bán thận được đưa từ Israel đến Mỹ bằng đường du lịch để mổ lấy thận. Người bán được trả 10.000 USD nhưng người mua thận phải trả đến 160.000 USD (2,85 tỉ đồng). Không rõ phần của Rosenbaum là bao nhiêu. Tên bệnh viện, nơi tiến hành ghép thận lậu, cũng không được tiết lộ. Theo luật pháp Mỹ hiện hành (luật liên bang năm 1984), việc cố tình mua hoặc bán thận để cấy ghép là trái phép.
Nancy Scheper-Hughes, giáo sư nhân chủng học Trường Đại học California, từng theo dõi nhóm người mua bán lậu thận ở Brooklyn hơn 10 năm nay, cho biết cộng tác viên của bà ở Israel gọi Rosenbaum là “người đứng đầu” đường dây mua bán thận ở Mỹ. Bà nghe nói Rosenbaum thường mang súng và sẵn sàng đe dọa người bán thận bằng động tác bóp cò súng vào đầu nếu lưỡng lự muốn thối lui.
Rosenbaum, 58 tuổi, là thành viên của cộng đồng tín đồ Do Thái giáo chính thống ở Brooklyn. Y nói với hàng xóm rằng y làm nghề xây dựng. Trong thực tế, theo cảnh sát Mỹ, y là một con cáo già trong đường dây buôn lậu thận, rất giỏi trong việc đạo diễn người hiến thận chỉ làm việc đó vì lòng nhân ái (để cứu bạn bè hoặc người thân) chứ không phải vì tiền. Nhưng cũng có trường hợp y bắt tay với bệnh viện để tiến hành những ca ghép thận lậu và ăn chia tiền bán thận.
Cũng giống như nhiều nước khác, tại Mỹ rất khó tìm được thận để thay. Năm ngoái, đã có 4.540 người chết trong khi chờ đợi ghép thận vì cung không đáp ứng nổi cầu.
Người giỏi nhất
Nhật báo Jerusalem Post, xuất bản tại Tel-Aviv, thủ đô Israel, cho biết hàng triệu USD trong số 3 triệu USD mà 5 vị giáo sĩ Do Thái giúp Solomon Dwek rửa trong vòng 13 tháng có nguồn gốc ở Israel. Một người Israel có tên Levi Deusch đã bị FBI bắt cùng với 43 người khác hôm 23-7 với tội danh cung cấp tiền rửa những tấm ngân phiếu gửi vào các tổ chức từ thiện của các giáo sĩ Do Thái.
Theo hồ sơ FBI, Deusch thường xuyên qua lại New York và Israel. Y khoe với Solomon Dwek rằng nguồn tiền mặt mà y có được để rửa tiền có nguồn gốc “mua bán kim cương” và “các loại kinh doanh khác” ở Israel. Y cũng nói có một đối tác làm trong ngân hàng Thụy Sĩ giúp y làm chuyện đó với giá từ 10.000 USD đến 20.000 USD cho mỗi triệu USD tiền rửa được.
Năm vị giáo sĩ Do Thái bị bắt vì tình nghi nằm trong đường dây rửa tiền này là Saul Kassin, 87 tuổi, lãnh tụ tinh thần của 75.000 người Israel ở New York; Ben Haim, 58 tuổi, giáo sĩ giáo đoàn Ohel Yaakob ở thị trấn Deal; Edmond Nahum, 56 tuổi, thuộc giáo đường Deal; Mordechai Fish, 56 tuổi, thuộc giáo đoàn Sheves Achim ở Brooklyn và Lavel Chwartz, 57 tuổi, anh của Fish. Tất cả bị FBI cáo buộc rửa tiền, thu được một “số tiền đáng kể” nhờ ăn tiền hoa hồng từ 10% đến 15% cho mỗi vụ chuyển tiền theo phương thức gửi ngân phiếu vào quỹ từ thiện của các giáo sĩ (được miễn thuế) rồi sau đó rút lại tiền mặt.
Theo hồ sơ của FBI và IRS (cơ quan thuế vụ Mỹ), Kassin đóng vai trò “ngân hàng trung ương” để các giáo sĩ khác rửa tiền với quy mô nhỏ lẻ. Solomon Dwek phải nhờ hai người trung gian mới tiếp cận được giáo sĩ Kassin. Nahum, một trong hai người trung gian đó, cho Dwek biết “Kassin là người giỏi nhất”.
Cầm những tấm ngân phiếu mà Dwek nói có được do kinh doanh túi xách hàng hiệu giả mạo hoặc của một ngân hàng đang làm thủ tục phá sản, Dwek nhờ Kassin rửa tiền giùm. Mỗi lần như vậy, Kassin lấy 2.500 USD tiền hoa hồng và trao cho Dwek một tấm ngân phiếu khác của một quỹ từ thiện của giáo sĩ. Dwek rút tiền mặt từ ngân phiếu này. Từ tháng 6 đến tháng 12-2008, Kassin đã rửa giùm Dwek tổng cộng 200.000 USD.
Hiện nay, tất cả các giáo sĩ nói trên đều được tại ngoại sau khi đóng từ 300.000 USD đến 3 triệu USD. Họ đang bị theo dõi bằng thiết bị điện tử cho nên không thể cao bay xa chạy.
Tin các giáo sĩ Do Thái ở Brooklyn và New Jersey bị cáo buộc tội danh rửa tiền đã gây sốc lớn cho tín đồ Do Thái giáo ở Mỹ. Trong khi một vài người trút giận lên đầu “tên phản phúc” Solomon Dwek gài bẫy các giáo sĩ, đa số thành viên trong cộng đồng Do Thái cảm thấy đau buồn vì các vị “rao giảng đạo đức một đằng nhưng làm một nẻo”.
(Theo Văn Anh // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com