Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nguy cơ bị lừa đảo khi tìm việc qua mạng

Ông Claude Vera không ngờ rằng mình lại trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo sau khi lên mạng tìm việc.

Những cái bẫy giăng khắp nơi trên mạng Internet, nhắm vào những người có lòng tham và cả những người không tham lam nhưng cần kiếm một việc làm.

Khi Claude Vera nhìn thấy một mẩu quảng cáo tuyển dụng liên quan đến việc chăm sóc khách hàng trên trang web rao vặt trực tuyến Geebo.com vào tháng Hai vừa qua, ông vẫn gửi e-mail cho nhà tuyển dụng dù không hy vọng cho lắm, do hầu hết e-mail ông gửi đến những nhà tuyển dụng tiềm năng trước đó đều không được phản hồi. Vì thế, ông không khỏi vui mừng khi nhận được câu trả lời của Penguin Express Inc. về một công việc làm tại nhà.

Để giúp Vera bắt đầu công việc, Penguin gửi cho ông một số lệnh phiếu để ông có thể mua máy tính xách tay và những thiết bị khác từ vài người khác nhau. Vera – sống tại thành phố New York – sau đó gửi chín lệnh phiếu nói trên vào tài khoản của mình ở ngân hàng Chase, rồi chuyển gần 8.000 đô-la Mỹ đến những người bán hàng khác nhau.

Điều ông không ngờ đến là sau đó ông không bao giờ nhận được máy tính xách tay hoặc bất kỳ món hàng nào khác. Những lệnh phiếu nói trên hóa ra là giả hoặc đã được đổi ra tiền mặt. Ông Vera nói: “Nhìn lại toàn bộ sự việc, tôi nghĩ là mình đã rất, rất ngờ nghệch. Tuy nhiên, khi đó tôi đang rất cần một việc làm.”

Với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao và tiếp tục gia tăng, ngày càng có nhiều người lên mạng tìm việc làm, nhưng lại trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo đắt giá.

Giống như người tìm việc, bọn tội phạm cũng đang theo đuổi những cơ hội kiếm tiền trên mạng. Và họ đang giăng ra những cái bẫy ngày càng tinh vi, lợi dụng sự tuyệt vọng của những người thất nghiệp đang trở nên mất cảnh giác do phải đối mặt với nhiều nỗi lo lớn như nợ nần chồng chất, nguy cơ bị tịch biên nhà cửa hoặc phá sản.

Pam Dixon, Giám đốc điều hành Diễn đàn quyền riêng tư thế giới (World Privacy Forum) nhận định: “Đối với một tay lừa đảo chuyên nghiệp, thì việc ngày càng có nhiều người thất nghiệp sẽ là cơ may lớn cho hắn tìm thấy một con mồi nào đó.”

Những công cụ lọc spam (thư rác) cung cấp một số bảo vệ, trong lúc các công cụ tìm kiếm việc làm nỗ lực loại bỏ những mẩu quảng cáo tuyển dụng giả mạo giữa hàng đống mẩu quảng cáo thật. Tuy nhiên, không biện pháp nào trong số này tỏ ra có hiệu quả 100%.

Với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao và tiếp tục gia tăng, ngày càng có nhiều người lên mạng tìm việc làm, nhưng lại trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo đắt giá.

Những người tìm việc cần phải giữ cho đầu óc mình sáng suốt và tỉnh táo, cho dù họ đang khao khát việc làm bao nhiêu. Tabatha Marshall, người sáng lập PhishBucket.org, khuyên: “Điều cốt yếu là nếu bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn, đừng nộp đơn xin việc”.

PhishBucket.org, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các vụ lừa đảo việc làm trên mạng, cho biết số vụ lừa đảo thuộc loại này đã tăng 1/3 so với một năm trước.

Dưới đây là một số hình thức lừa đảo phổ biến và những cách thức phòng tránh:

Giúp đỡ có phí

Hãy cẩn thận với những nhà tuyển dụng giả mạo và kẻ lừa đảo hứa hẹn đào tạo bạn để bạn có một công việc với thu nhập hấp dẫn. Một vụ lừa đảo tiêu biểu thuộc loại này là Google Treasure Chest, vốn rao bán đĩa DVD giá rẻ với nội dung hướng dẫn cách thức làm giàu từ việc đặt quảng cáo của Google. Tuy nhiên, người mua có thể trả giá nếu không đọc kỹ bản thỏa thuận trong đó có điều khoản thu phí 72,21đô-la Mỹ/tháng. Việc chấm dứt khoản phí này là không dễ và một số người buộc phải đổi số thẻ tín dụng.

Mất dữ liệu cá nhân

Những mẩu quảng cáo về công việc văn phòng hấp dẫn có thể là những âm mưu lừa đảo tinh vi. Người xin việc có thể được dẫn đến một trang web  doanh nghiệp giả mạo nhưng trông như thật, nơi họ được yêu cầu điền thông tin cá nhân vào trong một bản mẫu giả mạo của bộ phận nhân sự. Thỉnh thoảng, bọn lừa đảo còn nỗ lực làm cho âm mưu trở nên như thật bằng cách tiến hành các cuộc phỏng vấn qua điện thoại, hoặc thậm chí là những hội nghị qua điện thoại với sự tham gia của nhiều người. Mục đích của bọn tội phạm là dụ “con mồi” cung cấp số an sinh xã hội và tài khoản ngân hàng

Làm việc tại nhà

Phổ biến trong thời gian gần đây là kiểu lừa gạt trong đó người tìm việc được yêu cầu đánh giá dịch vụ của những công ty, nhất là những dịch vụ chuyển tiền. Nạn nhân thường được yêu cầu gửi một tờ séc trị giá vài ngàn đô-la vào trong tài khoản của họ, rồi sử dụng ngay một phần nhỏ số tiền để mua sắm, và chuyển phần tiền còn lại thông qua một dịch vụ như Western Union hoặc MoneyGram. Dĩ nhiên, tờ séc này là giả, khiến nạn nhân không chỉ mất tiền bạc mà còn đối mặt với nguy cơ bị pháp luật sờ gáy do dùng séc giả.

Money-mule và Reshipper

Đây là hai trong những kiểu lừa đảo nguy hiểm nhất, vì chúng có thể biến nạn nhân, thường là không biết gì, trở thành đồng phạm của các băng nhóm tội phạm quốc tế. Trong kiểu lừa đảo “money-mule”, bọn tội phạm giả làm công ty quốc tế để tìm kiếm và tuyển dụng những “nhân viên thanh toán” sẵn sàng chấp nhận để “khách hàng” (nạn nhân của những vụ ăn cắp tính danh) thanh toán vào tài khoản ngân hàng của mình, rồi sau đó chuyển số tiền này cho “công ty” (bọn tội phạm). Một số người được “công ty” cho phép giữ lại 10% số tiền nhận được. Đa số nạn nhân được “công ty” hứa hẹn gửi tiền công trực tiếp vào tài khoản của họ – một điều dĩ nhiên là không bao giờ xảy ra.

Những vụ lừa đảo “reshipper” bắt đầu với những công ty vận tải biển quốc tế tìm kiếm người nhận các gói hàng máy tính xách tay, máy nghe nhạc iPod và camera – những thiết bị này được mua bằng thẻ tín dụng đánh cắp – rồi gửi chúng đến một nước khác. Nạn nhân của kiểu lừa đảo này dĩ nhiên cũng không bao giờ nhận được tiền công như được hứa.

Những cách thức phòng chống

Cảnh giác với e-mail khả nghi. Nội dung của những e-mail khả nghi thường đầy lỗi ngữ pháp và chính tả. Những e-mail này cũng có địa chỉ không khớp với tên của công ty. Những công ty thật thường dùng câu chữ kỹ càng trong e-mail, nhấn mạnh rõ ràng đến những yêu cầu của công việc và dùng địa chỉ e-mail của công ty, không phải tài khoản Yahoo! hoặc Gmail.

Nghiên cứu kỹ nhà tuyển dụng. Hãy nghiên cứu kỹ công ty nào muốn tuyển dụng bạn. Tìm hiểu xem liệu họ có một trang web chuyên nghiệp với nhiều nội dung, tên tuổi ban lãnh đạo công ty và một số điện thoại có thể liên lạc được hay không.

Việc tìm kiếm thông tin trên Google có thể giúp bạn phát hiện vấn đề. Chẳng hạn như trong vụ Google Treasure Chest nói trên, bạn có thể tìm thấy những cảnh báo từ những người tin rằng họ đã bị lừa. Bạn cũng có thể kiểm tra danh tiếng của các công ty và tìm hiểu các vụ khiếu nại trên những trang web  như Complaintsboard.com và PhishBucket.org.

Giữ kín thông tin cá nhân. Hạn chế lượng thông tin cá nhân bạn đưa lên mạng. Hãy bắt đầu với sơ yếu lý lịch: Đừng đưa vào đó bất kỳ thông tin gì mà bạn không muốn cả thế giới biết đến. Tránh cung cấp địa chỉ nhà, một thông tin quan trọng dành cho những kẻ lừa đảo tính danh. Hầu hết nhà tuyển dụng thật sự sẽ hài lòng với một thông tin địa lý chung chung hơn. Nếu không ký hợp đồng lao động, hãy giữ kín số an sinh xã hội của mình.

Tìm đúng nơi. Nếu bạn có nghề nghiệp cụ thể, trước hết hãy vào những trang web chuyên tuyển dụng công việc này. Những trang web loại này thường lọc thông tin tuyển dụng đăng lên đó một cách thủ công, và thường quen biết những công ty đăng chúng. Điều này giúp họ phát hiện những thông tin tuyển dụng giả dễ dàng hơn.

Tìm việc tại địa phương. Jim Buckmaster, Giám đốc điều hành trang web quảng cáo Craigslist, cho biết một quy tắc chung là những người tìm việc trên trang web này “chỉ nên xin việc tại những công ty địa phương mà họ có thể gặp mặt”. Ông Buckmaster nói hệ thống của Craigslist phát hiện phần lớn thông tin lừa đảo trước khi chúng xuất hiện trên đó. Tuy nhiên, theo ông rõ ràng là không thể ngăn chặn mọi thông tin loại này lưu hành trên trang web đang được 50 triệu người sử dụng mỗi tháng.

Tìm việc theo kiểu cũ. Hầu hết người tìm việc có được việc làm thông qua những mẩu quảng cáo tuyển dụng ở địa phương, hiệp hội nghề nghiệp, cơ quan tìm việc làm, mạng lưới đồng nghiệp cũ, bạn bè và người thân của mình. Linda Foley, người sáng lập Trung tâm tài nguyên về ăn cắp tính danh, nói: “Rõ ràng là phương pháp tìm việc theo kiểu cũ thỉnh thoảng vẫn là cách tốt nhất.”

(Theo Minh Huy // Thời báo kinh tế Sài Gòn // New York Times)

  • Nhà giàu Trung Quốc tuồn tiền mặt ra nước ngoài
  • Kinh hãi công nghệ nhuộm màu cho... tôm khô
  • Những “ông trùm” séc và tiền giả
  • “Trùm” túi xách giả Trung Quốc lĩnh án nặng bất thường
  • Vì sao thực phẩm Trung Quốc liên tục bị phát hiện nhiễm độc?
  • eBay lại bị phạt nặng do chơi với hàng nhái
  • ICC điều tra tội phạm chiến tranh ở Afghanistan
  • Malaysia: Bị phạt roi vì làm tình trong xe ôtô
  • Trộm lộng hành tại hội chợ trang sức Hongkong
  • Trung Quốc bắt 75 kẻ tình nghi tấn công kim tiêm
  • Tòa Hình sự Quốc tế điều tra quân đội NATO
  • 9 nhân viên hãng hàng không American Airlines bị bắt vì vận chuyển cocaine
  • Mexico: Cướp máy bay vì ngày 'tam cửu'?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%